Ngày 7/9, nhiều người dân xung quanh phố Núi Trúc (Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra hết sức bất bình trước việc các con của cụ Nguyễn Vỹ Nhân (87 tuổi) “vứt” cha mình ra vỉa hè. Nguyên do của sự việc “trời không dung, đất không tha” này có lẽ cũng vì ngôi nhà khang trang ngày trước cụ ông và cụ bà mua nay được sang nhượng quyền sở hữu cho cô con dâu cả.
Khi mâu thuẫn trong gia đình đã rùm beng trước con mắt của thiên hạ, các con, râu, rể của cụ Nhân ai nấy đều lên tiếng. Với cương vị là người ngoài cuộc, cùng lắng nghe lời giãi bày, phân trần từ các con của cụ ông bất hạnh này.
Nói về nguyên nhân cho cha mình nằm dưới vỉa hè suốt mười tiếng, trời lúc mưa lúc nắng, chị N.T.H, con gái thứ hai của cụ cho rằng: “Chúng tôi đưa ông về đây chỉ thử lòng thôi, chứ nhà chúng tôi đủ chỗ để nuôi ông. Nên tới tối chúng tôi đã đưa ông về nhà tôi.”
Nói như vậy, việc để bố nằm ngoài đường trước bao nhiêu con mắt thương cảm có, soi mói có của thiên hạ chỉ đơn giản là một phép thử. Và phép thử này dường như đã được chuẩn bị từ trước đấy rất lâu: “Trước khi đưa ông về khoảng một tuần gia đình đã họp và thống nhất đưa ông về nhà chị dâu để ông bà được ở với nhau và tiện chăm sóc, nếu ông phải đi cấp cứu cũng thuận tiện vì nhà mặt đường. Các con sẽ thay phiên nhau chăm ông.
Đây là nhà của các cụ ngày xưa để lại, ông cũng đã sống ở đây nhiều năm. Nên vệc đưa ông về đây là bình thường và nguyện vọng của ông cũng muốn được chết trên nhà mình.
Trước đây vì ông bà không hợp nhau nên ông sống với tôi, còn bà thì sống với chị dâu trên nhà của ông bà để lại. Khi ông xuất viện, chúng tôi đã đưa ông về nhà chị dâu. Nhưng tới nơi thì chị dâu nhất quyết không cho ông vào.”
Tuy nhiên, những lời chị dâu cả nói ra lại trái ngược hoàn toàn với nhã ý của các cô con gái. Theo chị H., việc cụ Nhân nằm cả ngày ngoài vỉa hè thực chất nằm trong dã tâm chiếm đoạt ngôi nhà chị và mẹ chồng đang ở.
Thương bố là thế nhưng trước nguy cơ phải ra ở đường chị H. đã không dám mở cửa đưa ông cụ vào nhà. “Tôi chỉ nuôi một người, mẹ hoặc bố, và mọi người đã thống nhất tôi nuôi mẹ. Giờ tôi mở cửa ra ông vào nhà thì làm sao đưa ông đi được nữa?
Họ muốn chiếm nhà của tôi, muốn đẩy mẹ góa con côi ra đường, công sức của tôi vứt đi. Nhà này là của tôi mua, trước đây là nhà thuê. Giờ các con gái của ông chỉ cần đưa ông vào được trong nhà là đẩy tôi ra đường, làm sao tôi cho ông vào được?”, người con dâu cả phân trần.
Trong khi đó một anh con rể tỏ vẻ bức xúc lên tiếng “Tôi là rể, nhưng tôi thấy để ông thế này không được. Nếu nhà không có con tôi nhận trách nhiệm ngay, nhưng nhà trai, gái đủ cả. Người ngoài nhìn vào ai chấp nhận được, không ai có đạo lý nào cả. Nếu có đạo lý, cứ cho ông vào nhà nằm tạm, rồi gia đình họp với nhau, lúc đó hãy nói tới trách nhiệm."
Theo như những lời phân trần của con cái, râu, rể thì tất cả họ không ai có tội, ai cũng có cái lý riêng của mình. Tuy nhiên để giúp lý lẽ của các con được trọn vẹn và phép thử lòng kia được thành công, cụ Nhân đã phải nằm 10h đồng hồ ngoài đường với tấm chăn và manh chiếu mỏng manh.
Không thể ngồi yên, ông cụ bán nước đối diện căn nhà số 11, phố Núi Trúc đã phải lên tiếng: “Tôi biết cụ Nhân vào viện điều trị 2 tháng nay rồi. Nhìn ông cụ chỉ còn da bọc xương, gắng gượng hút bát phở mà lòng đắng ngắt. Chúng tôi chỉ là hàng xóm sống xung quanh mà còn không cầm được nước mắt khi nhìn ông cụ nằm mê mệt trên vỉa hè. Con cái bất nhân quá”.
Một bạn đọc chia sẻ trên báo Phunutoday: "Bỏ bố ra vỉa hè phơi nắng cả ngày trời để thư lòng chị dâu ư? Một câu biện minh hết sức vô lý, nghe bảo các con cụ được học hành tử tế, và làm trong nghành giáo dục nữa cơ mà. Con gái bảo có con rể nên không đưa bố về nuôi được, vậy con trai cụ đâu? Thành đạt, nhiều tiền để rồi báo hiếu bố mẹ như vậy?”
Như vậy hóa ra con cái của cụ còn có người làm trong ngành giáo dục, những người con này đương nhiên sẽ giỏi làm toán. Đặt bố nằm ngoài đường 10 giờ đồng hồ chỉ để chờ xem tương quan lực lượng với chị người chị dâu trong cuộc chiến nhà cửa đến đâu thì thật quá tàn nhẫn. Người làm toán có lương tâm khắp nơi trên thế giới dù tài giỏi đến đâu chắc chắn cũng không dám làm phép thử ấy.
Từ người trong nhà cho đến thiên hạ ai cũng đã lên tiếng, duy chỉ có cụ ông là không nói gì. Có lẽ nỗi đau đớn tột cùng đang chạy trong tâm chí suốt 10 tiếng đồng hồ và những ngày sau đó khiến người cha 87 tuổi không thể nói nên lời . Gương mặt cụ Nhân nằm giữa phố đôi mắt nhắm nghiền mà nước mắt giàn dụa còn ám ảnh mãi không thôi trong tâm trí những người coi trọng chữ Hiếu, coi trọng nghĩa tình trên cuộc đời này.