Vụ chai nước có ruồi: Cưỡng đoạt tài sản hay không?

M.Phượng |

Những ngày qua, dư luận tiếp tục quan tâm đến vụ “chai nước có ruồi” và việc ông Võ Văn Minh (SN 1980) bị cơ quan tố tụng truy tố cao nhất lên đến 20 năm tù. Xung quanh sự việc trên, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.

“Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản”

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Kinh Luân, Đoàn luật sư TP.HCM. Theo luật sư Đức, kết quả điều tra của các cơ quan tố tụng cho thấy:

Ông Minh là người chủ động đưa ra các mức tiền để yêu cầu công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận, nếu không sẽ cho đăng báo và phát tán thông tin bằng nhiều hình thức khác.

Ông Minh đã đưa ra các mức giá khác nhau, điều này thể hiện ý thức chủ quan của ông là muốn chiếm đoạt khoản tiền của Tân Hiệp Phát. Hành vi của ông Minh đã thực hiện rõ ràng là trái pháp luật.

Kết quả điều tra cũng nêu rõ, sau khi nhận tiền ông Minh có viết một giấy biên nhận. Theo luật sư Đức, ở đây không nên lẫn lộn hành vi đe dọa của ông Minh với việc ông viết biên nhận nhận tiền là quan hệ dân sự.

Bởi lẽ, việc ông Minh viết biên nhận nhận 500 triệu đồng là công đoạn cuối của hành vi chiếm đoạt tài sản, hoàn toàn không phải là một giao dịch dân sự bình thường.

Vụ việc này chỉ được xem là quan hệ dân sự nếu công ty Tân Hiệp Phát chủ động thương lượng, đưa ra mức tiền sau khi ông Minh thông báo về sự việc trong chai nước Number One có con ruồi (nhưng không đe dọa sẽ phát tán thông tin về sự việc này).

Một số ý kiến cho rằng bản cáo trạng và kết luận điều tra không xác định được ai là người mở nắp chai Number One nên chưa có căn cứ thuyết phục để truy tố ông Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”

. Theo luật sư Đức, việc xác định ai mở nắp chai, không làm thay đổi tội danh đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản trong vụ việc này. Bởi lẽ, vụ việc của ông Minh đều đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, ở đây là tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn luật sư TP.HCM: Về bản chất sự việc, hành vi của ông Minh có dấu hiệu của tội “cưỡng đoạt tài sản”, thế nhưng về tố tụng còn nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Ông Trạch phân tích, căn cứ điều 135 BLHS, cơ quan tố tụng cho rằng “bị can có hành vi dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, theo BLHS thì chủ thể bị hại là người chứ không phải pháp nhân. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát là một pháp nhân. Pháp nhân liệu có bị uy hiếp tinh thần?

Hơn nữa, Tân Hiệp Phát đã có hướng xử lý từ trước là không đền tiền cho các trường hợp bị khách hàng khiếu nại. Đối với ông Minh, Tân Hiệp Phát nhiều lần thương lượng, hòa giải và giải thích rõ quy định trên của Công ty.

Vậy liệu Tân Hiệp Phát có bị uy hiếp về tinh thần, có bị hoảng sợ hay không? Đó là những yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Về quyền của người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền khiếu nại về sản phẩm và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Trong vụ việc này các bên cũng đã có những lần gặp gỡ để thỏa thuận, về cách thức giải quyết như vậy là có quan hệ dân sự trong vụ án.

Ở góc độ khác, luật sư Trạch đặt câu hỏi: Phía Tân Hiệp Phát khẳng định quy trình sản xuất của công ty là không có ruồi.

Nếu không có ruồi thì tại sao công ty lại nhiều lần cử người đến gặp ông Minh để thương lượng nhằm thu hồi sản phẩm? Nếu thương lượng không được, tại sao công ty không để anh Minh xử lý theo hướng của mình là đăng báo, gửi truyền hình…?

Nếu hành vi của ông Minh xâm phạm đến danh dự, uy tín của công ty thì công ty hoàn toàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự, không phải bằng cách giăng bẫy người tiêu dùng, kể cả trường hợp người tiêu dùng có hành vi tiêu cực.

“Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”

Cùng chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Quỳnh Thi - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng hành vi của ông Minh chưa đủ yếu tố cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Bởi lẽ, tại điều 135 BLHS quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội theo tội danh: Tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, các thỏa thuận, giao dịch giữa ông Minh và Tân Hiệp Phát thì đều không có hai yếu tố “tinh thần “ và “ người”.

Ngoài ra, theo luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi nhà sản xuất gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất.

Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường. Luật quy định trong thương lượng, ông Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý.

Nếu như ngay từ đầu, khi ông Võ Văn Minh thông báo việc chai nước có ruồi, Tân Hiệp Phát chắc chắn vào khả năng đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong dây chuyền sản xuất của mình thì Tân Hiệp Phát hoàn toàn có thể từ chối không đàm phán với ông Võ Văn Minh.

Tân Hiệp Phát có thể yêu cầu ông tới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng: các hiệp hội, báo chí…thậm chí ra tòa để bảo vệ quyền lợi nếu công ty cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại.

Nhưng Tân Hiệp Phát lại cho nhân viên tiếp xúc với ông Minh, điều này cần phải được xem xét đánh giá lại.

Việc thương lượng, dàn xếp bồi thường hay kiện cáo giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực phẩm là chuyện thường trên thế giới.

Do đó, không phải ông Minh đưa ra số tiền 1 tỷ đồng hay 500 triệu đồng là đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản - theo luật sư Thi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại