Vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, quê TP. Cần Thơ) thấy cảnh bé khóc đã vô tâm đạp lên bụng, đạp lên vùng ngực khiếu cậu bé 18 tháng tuổi chết “tức tưởi” trong tình trạng vỡ gan, rách tim đã khiến dư luận bàng hoàng.
Trong mấy ngày qua khu trọ tổ 9 (thuộc P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chìm trong không khí u buồn đầy tang thương. Nhiều người sau khi nghe tin cháu Đỗ Nhất Long chết đều không nghĩ đó là sự thật, khắp nơi phẫn nộ trước sự tắc trách đến nhẫn tâm của bảo mẫu Nhờ. Cả gia đình chị Võ Thị Huyền (SN 1989, quê Nghệ An), anh Đỗ Trọng Đức (27 tuổi, quê Bình Định) đều không thể lý giải được chuyện đứa con trai độc nhất vô nhị của mình đã ra đi vĩnh viễn.
Xót xa một khu trọ
Gặp chúng tôi, bà Đỗ Kim Huệ (thím của bảo mẫu Nhờ) xót xa cho biết: “Phòng trọ của tôi nằm đối diện phòng trọ của Nhờ. Vào khoảng 9g ngày 16/11 trong lúc tôi đang lo nấu cơm, bỗng Nhờ chạy sang với bộ dạng hốt hoảng miệng bập bẹ nói không rõ lời, Nhờ bảo với tôi cháu Long đang chơi bỗng dưng té xuống đất ngất xỉu. Vừa nghe xong, chồng tôi đã vội lấy xe máy chở cháu Long đi cấp cứu”.
Nhớ lại hình ảnh cháu Long, bà Huệ không khỏi ngỡ ngàng trước bộ dạng thảm thương của cháu Long khi chết, bà bùi ngùi kể: “Tôi chạy sang phòng của con Nhờ thì đã thấy cháu Long da tím tái, mắt trợn trắng chân tay cứng và rất lạnh, hoảng loạn nên không biết cháu Long đã chết, tôi giục chồng đưa bé đến bệnh viện”.
Đối tượng Nhờ.
Ngày 18.11, sau khi gây ra cái chết thương tâm cho cháu Long, bảo mẫu Nhờ đã bị tạm giam tại Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) để thuận tiện việc điều tra. Theo lời khai ban đầu của Nhờ, sáng ngày 16/11 như thường lệ chị Huyền trước khi đi làm đã đưa cháu Long sang nhà Nhờ nhờ trông giúp. Đến gần trưa, Nhờ cho cháu Long và con mình ăn cơm. Do cháu Long khóc làm biếng ăn cơm, Nhờ đã cầm tay và chân cháu dốc ngược lên nhằm mục đích dọa cháu nín nhưng chẳng may vuột tay khiến cháu Long rơi mạnh xuống nền nhà. Bị đập xuống đất, cháu Long khóc càng lớn, bực tức Nhờ đã dùng chân đạp lên ngực, lên bụng khiến cháu không khóc ra tiếng. Đau đớn hơn, Nhờ đã dẫn cháu Long sang nhà vệ sinh khóa trái cửa, nhốt chặt. Hơn 20 phút sau, Nhờ quay lại phát hiện Long nằm “im re” trong trạng thái mắt trợn, tay co giật, miệng sùi bọt mép nên đã vội truy hô người xung quanh đưa cháu đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện, bác sĩ “lắc đầu” cho biết cháu Long chết trước đó không lâu.
Theo những người sống xung quanh thì Nhờ giữ trẻ đã gần một năm nay. Cả khu trọ ngoài cháu Long ra, Nhờ còn giữ con cho rất nhiều gia đình khác nữa. Theo đó, mỗi tháng gia đình cháu Long gửi Nhờ 1,5 triệu tiền công, riêng những người khác thì gửi theo ngày, mỗi ngày 30 ngàn đồng. Được biết, gần đây Nhờ thường xuyên xích mích với mẹ chồng nên đã tự ý bỏ phòng trọ đi thuê ở nơi khác, cách nhà mẹ chồng khoảng 200m. Trớ trêu thay, phòng trọ của mẹ chồng Nhờ lại đối diện với phòng trọ gia đình chị Huyền - anh Đức, cách nhau chỉ 3m. Tổ trưởng khu phố, kiêm chủ nhà trọ xót xa bày tỏ: “Bây giờ hai nhà cách nhau 3m, suốt ngày đóng cửa, im lặng trong đau đớn. Cả hai nhà đều có con tương đương hai tuổi, giờ một mất một còn. Giờ khó mà nói được ai khổ hơn ai”. Trước đây Nhờ làm công nhân ở một xưởng gỗ còn chồng đi làm thuê. Sau khi sinh con, Nhờ bỏ việc và ở nhà trông con.
Tận cùng của bi kịch
Trong mấy ngày qua, gia đình chị Huyền, anh Đức chạy vạy khắp nơi để lo hậu sự cho con. Bữa cơm trưa chỉ vài ba ổ bánh mì, chẳng ai nghĩ đến cơm. Riêng chị Huyền tinh thần suy sụp hoàn toàn, nhiều lúc đang ngủ chị bật dậy lấy chiếc xe đẩy của con, ngắm rồi khóc. Thi thể của cháu Long đã được đưa đi hỏa táng, tro cốt được gửi vào chùa Pháp Trí (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức). Suốt ngày hết lên chùa thắp nhang bên hủ tro cốt của con, chị Huyền lại về phòng trọ ngồi rũ rượi gọi tên con than khóc. Trước kia vợ chồng chị Huyền, anh Đức “đầu tắt mặt tối” kiếm tiền nuôi con, nay đứng trước cảnh mất con, cả hai chỉ biết buông xuôi.
Riêng căn phòng trọ của anh Phan Thanh Sơn (chồng bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ) không khí khá quạnh hiu, cánh cửa ít khi mở ra. Thi thoảng người trong xóm lại nghe tiếng đứa con nhỏ hỏi anh Sơn: “Mẹ đâu rồi ba”. Đắng lòng trước hoàn cảnh, anh Sơn chỉ biết nói dối "mẹ đi chợ".
Anh Sơn buồn rầu, cho biết: “Chiều chiều, con lại nhớ mẹ, hỏi mẹ đâu, lúc đó tôi luống cuống tìm câu trả lời tạm bợ cho nó đừng thắc mắc nữa. Hiện giờ tôi mong bên gia đình chị Huyền, đừng bắt tôi bồi thường gấp, để tôi có thêm thời gian đi vay mượn”. Trong khi đó, tại nhà tạm giữ Công an quận Thủ Đức, Hồ Ngọc Nhờ ngày nào cũng khóc nức nở vì ân hận, vì nhớ thương con.
Nhà nghèo gửi con ở đâu?
Chị Lê Thị Bích (25 tuổi, quê Nghệ An) đang làm công nhân trong KCN Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương bế đứa con trai 14 tháng tuổi trên tay tâm sự: Bình thường hai vợ chồng tăng ca đến 20g mới về đón con nhưng mấy hôm nay đọc báo thấy có vụ cháu bé 18 tháng bị bảo mẫu đánh chết nên chị xin về đón con sớm.
Cả hai vợ chồng cùng làm công nhân, không có người thân vào trông con nên chị đem cháu bé gửi cho một bảo mẫu trông hộ. “Vào công ty nghe các chị làm cùng bàn tán về hành động của bảo mẫu Nhờ, em lo lắng cho con nhưng cũng chỉ xin được về sớm đón con hôm nay thôi chứ không xin được nhiều”- chị Bích chia sẻ.
Chung hoàn cảnh đem con đi gửi bảo mẫu trông để hai vợ chồng đi làm, chị Hoàng Thị Hoàn (27 tuổi, quê Bắc Giang) đang làm công nhân trong KCX Linh Trung, quận Thủ Đức khi nghe tin đau lòng về cái chết của cháu L. liền bàn với chồng xin nghỉ ở công ty, tính kiếm việc khác làm ở nhà để có thời gian trông con. Cũng theo chị Hoàn, nếu một mình chồng chị đi làm nuôi vợ, con thì phải sinh hoạt tằn tiện lắm mới đủ nhưng vì con đành phải chấp nhận.
“Hôm qua em cũng nghe mọi người trong công ty kể chuyện rồi, em cũng lo cho con lắm nhưng biết làm sao bây giờ. Con thì còn nhỏ mà em có một mình, biết mang đi gửi như vậy thì sợ nhưng vẫn phải gửi thôi” - người mẹ đơn thân Phạm Thị Hoa (25 tuổi) đang làm tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) lo lắng khi tâm sự về hoàn cảnh bản thân.
Tìm hiểu thực tế, hiện nay nhu cầu gửi con nhỏ đang rất cao ở những vùng ven TP.HCM tập trung nhiều ở các khu chế xuất, khu công nghiệp lớn. Đó là khu vực quanh Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức), Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân), Q.12, Hóc Môn, Sóng Thần (Bình Dương).
Đa phần người dân khu vực này là công nhân, người lao động nhập cư. Họ khó có cơ hội gửi con vào các trường công lập vì không có hộ khẩu thành phố. Nếu gửi con ở các trường mầm non tư thục có cơ sở vật chất khang trang thì không đủ tiền. Thêm phần do đặc thù công việc đi sớm về khuya vì phải tăng ca, hoặc hành nghề tự do nên họ không thể đưa đón con theo giờ giấc quy định được.
Từ những yếu tố trên khiến dịch vụ bảo mẫu tư nhân nở rộ. Và có nhiều nhóm giữ trẻ tự phát hình thành. Một số người không hề có nghiệp vụ chăm sóc trẻ cũng nghiễm nhiên trở thành bảo mẫu.
Hiện trạng của các “nhà trẻ” tự phát còn nhiều nhếch nhác, không gian chật chội tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích. Vấn đề bữa ăn, môi trường sinh hoạt vui chơi của trẻ cũng chưa đảm bảo vệ sinh.
Điều quan trọng hơn hết là đội ngũ bảo mẫu tay ngang không đảm bảo trình độ. Nhiều nơi thuê người lớn tuổi ở quê ra để chăm sóc trẻ và thậm chí người như bảo mẫu Nhờ chưa hề học qua khóa học, tập huấn nào vẫn có thể mở cơ sở giữ trẻ và gây ra sự việc đắng lòng trên.
“Có con ai chẳng muốn gửi nơi tốt nhất. Nhưng hoàn cảnh công nhân, lương thấp mà thứ gì cũng tăng giá hết nên phải chịu thôi, gửi nơi khang trang tiền đâu chịu nổi. Giờ nghe việc cháu bé mới bị đạp chết thấy sợ quá, nhưng biết gửi ở đâu đây khi mình phải đi làm về muộn, tiền lại ít bây giờ...”- chị Lê (công nhân sống gần KCX Tân Thuận, Q.7) ngậm ngùi chia sẻ.