Vụ 142 GV đi du học "chui" tại Malaysia: Tổng cục dạy nghề lên tiếng

Nam Phong |

(Soha.vn) - Tổng cục Dạy nghề khẳng định, tổng cục không phải chủ đầu tư vụ 142 giáo viên đi du học "chui" tại Malaysia.

Được đi du học... "chui"

Vào cuối năm 2012, một đoàn gồm 142 các giáo viên từ 15 tỉnh thành được cử đi đào tạo, nâng cao kỹ năng dạy nghề tại Malaysia. Tuy nhiên, theo các giáo viên này phản ánh, họ mang tiếng đi học nhưng không khác nào "lao động chui" tại Malaysia.

Chương trình này do Sở Lao động Thương binh và Xã hội các Tỉnh tổ chức ký hợp đồng với công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) để đưa đi. Tuy nhiên, khi ra đến sân bay, các giáo viên này được nhân viên của công ty AIC nói rằng khi qua cửa hải quan nếu người ta có hỏi là đi đâu thì các anh chị hãy nói rằng mình đi du lịch.

Vụ 142 GV đi học tại Malaysia: Tổng cục Dạy nghề nói gì?

Visa du lịch của một giáo viên đang theo học tại Malaysia.

Anh Nguyễn Trọng Đức – giáo viên trường Trung cấp nghề Giao thông cơ điện Quảng Ninh cho hay: “Họ nói phải nói lý do xuất cảnh là đi du lịch thì mới được đi, còn không thì ở lại. Một tháng sau sẽ được cấp Visa”.

Cho tới ngày 28/2, các giáo viên này được cho nghỉ 5 ngày và về nước với lý do là do chính sách nhập cảnh của Malaysia thay đổi nên phải về mấy ngày rồi nhập cảnh lại cũng với lý do là đi hội thảo và thăm quan.

Đến ngày 4/4/2013 cũng là ngày cuối cùng hết hạn lưu trú tại Malaysia thì các giáo viên được thông báo là phải nộp lại hộ chiếu. Không hộ chiếu, không visa trong tay, các giáo viên luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ, không biết liệu chuyện gì sẽ xảy ra, đi đâu ra đường chỉ sợ gặp cảnh sát.

Các giáo viên được sắp xếp sống tập trung trong các khu nhà thuê như các khu kí túc xá. Anh Nguyễn Văn Dược trường Cao đẳng công nghiệp Cẩm Phả bức xúc: “Các giáo viên nước ta được “thả” vào các trung tâm không bằng trung tâm hướng nghiệp huyện ở Việt Nam”.

Các lớp học có chương trình không đồng đều, điều kiện cơ sở vật chất tại một số cơ sở đào tạo của họ còn nghèo nàn hơn cơ sở của một số trung tâm giáo giục thường xuyên tại nước nhà như tại học viện SUNRISE nơi đào tạo học viên lớp điện công nghiệp 2.

Ngày 15/4, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc AIC đã có giải thích với báo chí về việc dùng visa du lịch để đi du học. 

Theo bà Nhàn, do thời gian xuất cảnh gấp, không đủ để làm visa dài hạn ở Việt Nam trước khi xuất cảnh nên AIC đã thống nhất với đối tác Malaysia (Đại học Quốc tế SEGI) sắp xếp cho các học viên xuất cảnh bằng hộ chiếu phổ thông có giá trị cư trú trong vòng 30 ngày và sau đó SEGI sẽ có trách nhiệm hoàn thiện visa cho tất cả cán bộ trong toàn đoàn.

"Vì đi bằng hộ chiếu phổ thông, để tránh phát sinh khi nhập cảnh vào Malaysia nên cán bộ dẫn đoàn AIC đã hương dẫn đoàn kê khai là đi du lịch.

Tuy nhiên, đầu năm 2013, nước bạn có một số điều chỉnh về chính sách cấp visa nên việc xin cấp visa dài hạn đến ngày 28-2-2013 chưa được thực hiện. Vì vậy, AIC đã tổ chức cho đoàn về nước trong vòng 5 ngày", bà Nhàn nói.

Đến thời điểm hiện tại, Đại học quốc tế SEGI thông báo đã thực hiện xong thủ tục cấp visa. Tuy nhiên, theo phản ánh của các giáo viên, visa mới vẫn không thay đổi. Vẫn có thời hạn 30 ngày và đến Malaysia với mục đích tham quan.

Tổng cục dạy nghề không phải chủ đầu tư

Trao đổi với PV, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐTB&XH  nói: “Thông tin nói rằng chương trình đưa 142 giáo viên các trường dạy nghề tại 15 tỉnh đi học tại Malaysia thuộc chương trình đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt Quyết định 371) vừa được Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2013 là không đúng. Mà nó nằm trong chương trình thí điểm giai đoạn 2011-2012”.


	Theo ông Lân, việc đưa 142 giáo viên sang Malaysia là do các địa phương tự thực hiện thí điểm giai đoạn 2011-2012. (Trong ảnh là quyết định phê duyệt cử giáo viên đi học của tỉnh Quảng Ninh)

Quyết định phê duyệt cử giáo viên đi học của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh do các giáo viên đi học cung cấp)

Ông Lân cho hay, “Quyết định 371 vừa được Thủ tướng ký xong, chúng tôi còn đang nghiên cứu cách làm và đang trình Bộ về kế hoạch. Còn cái này là thực hiện từ 2011-2012, thuộc chương trình để các tỉnh tự làm xem thế nào. Còn việc thí điểm ở Tổng cục Dạy nghề thì đã xong từ năm 2012. 

Nếu triển khai theo nội dung Quyết định 371 thì các địa phương không được làm nữa. Tổng cục đang xem xét, nghiên cứu xem khi giáo viên được cử đi học thì sẽ được bằng gì? Ngang bằng với ai thì mới cử đi”.

Ông Lân khẳng địch rằng đó là việc địa phương thí điểm đưa giáo viên của họ đi chứ không phải do Tổng cục Dạy nghề đưa đi. "Số tiền đưa các giáo viên này đi là tiền ngân sách của địa phương, các địa phương là chủ đầu tư chứ không phải là Tổng cục Dạy nghề. Nếu là của Tổng cục thì chúng tôi phải là người hạch toán, quyết toán. Do đó, việc cử ai đi là việc của các địa phương".

Cũng theo ông Lân, ngày 23/8/2011, Tổng cục Dạy nghề và Tập đoàn giáo dục Seg (Malaysia) cùng Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) có ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong các chương trình đào tạo nghề. Các lớp đào tạo tại Malaysia sẽ do Tập đoàn giáo dục SEGI (một thành viên của Tập đoàn Seg) tổ chức.

Tuy nhiên, “việc này đã kết thúc từ tháng 12/2012. Kết thúc chương trình có hơn 270 giáo viên được đào tạo, đã nhập 8 chương trình dạy nghề và chuyển sang tiếng Việt. Năm 2012, Tổng cục Dạy nghề đã đào tạo thí điểm 8 nghề, liên kết với Malaysia, kết quả đào tạo đã rất tốt rồi. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau.”

Qua việc các địa phương tự đưa đi như vậy cho thấy năng lực của các địa phương có vấn đề. Và ông Lân cũng bày tỏ sụ không hài lòng về việc này. 

“Khi tôi nghe được câu chuyện đó, tôi thấy rất buồn dù là việc không phải do Tổng cục Dạy nghề làm nhưng dù sao đó cũng là việc trong ngành”, ông Lân nói.

Điều kiện học tập tại Malaysia mà các giáo viên này đang được theo học. (Ảnh do các giáo viên cung cấp)

Điều kiện học tập tại Malaysia mà các giáo viên này đang theo học. (Ảnh do các giáo viên cung cấp)

Ông Lân cũng cho biết thêm, vào chiều 17/4, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng đã cùng Vụ trưởng Vụ giáo viên sang Malaysia để thị sát tình hình xem tại sao lại có chuyện những người được cử đi học lại phải chịu như vậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại