Vô cảm có ý thức: Người Việt Nam biết cách cài đặt trái tim?

daquynh |

(Soha.vn) - Có tới 60% người Việt Nam không có thời gian để khóc, cười, tức giận mỗi ngày.

Hôm qua trong lúc đọc báo, tôi chợt giật mình khi bắt gặp bài viết với nhan đề "Việt Nam là một trong những nước ít cảm xúc nhất thế giới". Thế rồi tôi bắt đầu ngẫm ngợi. Phải rồi, chả thế mà giữa cái guồng quay điên đảo của xã hội hiện đại, cả già, cả trẻ cùng bị mắc chứng bệnh tự kỷ. Những khuôn mặt lạnh lùng, không chút cảm xúc càng làm tăng thêm cái bầu không khí não nề của xã hội.
Ấy thế nhưng có không ít người bình thường, họ không mắc bệnh gì cả mà vẫn tiết kiệm hoặc sử dụng cảm xúc của mình theo cách không tự nhiên chút nào. Trong cơn bão khủng hoảng, nhiều người thắt lưng buộc bụng để để vun vén cho cuộc sống riêng yên ấm hơn thế rồi họ thắt luôn cả tấm lòng, cả con tim của mình khiến nó chẳng thể cựa quậy được nữa.
Thi thoảng đọc báo nghe các phóng viên kể chuyện ai đó gặp tai nạn trên đường nằm chỏng trơ giữa một vũng máu tươi, chông chênh giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Khi ấy chỉ một bàn tay giúp sức của người đi đường cũng đủ sức kéo họ trở về với cuộc sống rộn rã thường ngày. Thế nhưng buồn thay, không một ai giữa dòng xe cộ đông đúc chịu dừng lại. Họ vội vàng hay không đủ rộng lượng bỏ ra vài giây để con tim được lên tiếng. Và cứ thế họ tăng ga rồi phóng thẳng.
Vô cảm có ý thức: Người Việt Nam biết cách cài đặt trái tim? 1
Người gặp nạn nằm đó giữa những vũng máu đỏ tươi dưới lòng đường tấp nập người xe qua lại.
Lại có chuyện một cậu công tử thành phố lên facebook gián tiếp khoe cái mác sang trọng của mình bằng cách miệt thị, so sánh những người thợ xây tỉnh lẻ ăn cơm chẳng khác nào lợn húp cám. Tiền bạc, cái mác thành phố đã vô hiệu hóa khả năng vốn có của con tim bên trong lồng ngực cậu trai trẻ ấy. Cậu không biết rằng ngôi nhà khang trang mình đang ở là do những người thợ xây có bàn tay chai sạn, có gương mặt khắc khổ kia chắp từng viên gạch mà nên, bát cơm với thịt cá, hải sản cậu ăn hàng ngày có bao nhiêu giọt mồ hôi của những người  nông dân mà cả đời không biết đến hàng hiệu, phố xá là gì.
Vô tâm đi qua nỗi đau, cười nhạo trên sự cực nhọc của người khác mới chỉ là giai đoạn đầu trong căn bệnh vô cảm mà người Việt mắc phải. Khi khối u đã di căn, người ta còn có khả năng biến hình, ngụy trang cho con tim của mình.
Mỗi mùa bão đi qua, chúng ta xót xa đứt từng khúc ruột trước nỗi mất mát của đồng bào nơi rốn lũ. Bao gia đình mất người thân, mất nhà cửa, những đứa trẻ nước mắt tèm lem ôm đống sách vở giữa căn nhà tan hoang, những bà cụ lưng còng tóc bạc tay run run cố cầm thật chắc gói mì tôm cứu đói giữa con nước hung tợn... Thế mà vẫn có những "ông to" sau những lời phát biểu đầy xúc động lại nhẫn tâm ăn chặn từng đồng tiền quyên góp của người dân bỏ vào túi mình. Nhiều người quên mất nỗi đau của đồng bào chỉ đơn giản vì họ luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.
Vô cảm có ý thức: Người Việt Nam biết cách cài đặt trái tim? 2
Sự vô cảm có ý thức là sản phẩm của những con người ích kỉ, không thôi toan tính.
Đáng buồn hơn là chuyện một vài người đẹp đi làm từ thiện. Không ít những "hot hirl", hoa hậu đã vội vã chạy vào nhà vệ sinh bệnh viện xả nước thật mạnh lên chính đôi bàn tay mà chỉ vài phút trước họ dùng để bóp tay, bóp chân cho những cụ già, những em nhỏ đau đớn nằm trên giường bệnh.
Khi trái tim không được phép rung cảm và yêu thương, khi nó phải kiêm nhiệm thêm chức năng của những bộ óc đầy toan tính là khi căn bệnh vô cảm có ý thức được sinh ra.
Người ta vẫn khóc cười trước những chuyện đáng khóc, đáng cười ở đời nhưng thực chất lý trí nói với con tim của họ rằng: "Diễn đi, diễn tài tình vào, cười tươi vào, khóc thêm nữa đi!"
Theo con số mà bài báo đưa ra, có tới 60% người Việt Nam không cảm nhận cuộc sống bằng cả lý trí và trái tim. Chừng ấy thôi cũng đủ thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lây lan ngày càng nhanh. Bấy nhiêu người hoặc không có thời gian hoặc cố ý cài đặt trái tim ở chế độ ngừng xúc cảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại