LTS : Sau gần bốn năm làm nghiên cứu về truyền thông tại Mỹ, tác giả bài viết này đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Mỹ, cũng như theo dõi sát truyền thông nước này. Từ những trải nghiệm và tìm hiểu của bản thân, tác giả chia sẻ góc nhìn về cách người dân và truyền thông Mỹ hiểu về Việt Nam của hiện tại.
Mỗi người Mỹ, tùy theo sự hiểu biết, mối quan tâm, sẽ có cách hiểu về Việt Nam khác nhau. Nhưng phải nói rằng, đã gần 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, quá khứ nặng nề ấy vẫn còn hiện diện tại Mỹ.
Ánh mắt ái ngại và sự "vỡ lẽ" của tôi
Tuy không có một con số chính thức nhưng dường như với nhiều người Mỹ, Việt Nam vẫn là một cuộc chiến. Qua những cuộc tiếp xúc của chính người viết bài này, không ít người Mỹ vẫn lầm tưởng: Mỹ đã rút khỏi Việt Nam nhưng hai miền vẫn chia cắt như Nam - Bắc Triều Tiên.
Không phủ nhận, có một số lượng lớn người Mỹ đã biết đến một Việt Nam sau chiến tranh. Đó là khách du lịch, nhân viên chính phủ, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, hay đơn giản là những người Mỹ chọn Việt Nam là nơi làm việc, v.v... Còn lại, với rất nhiều người, Việt Nam vẫn là một cái tên gắn với quá khứ.
Năm 2009, người viết bài này có dịp đến Mỹ. Điểm dừng chân là một bang miền Trung, nơi vốn được coi là bảo thủ so với các bang khác của Mỹ. Khi biết tôi từ Việt Nam tới, nhiều người nhìn với ánh mắt ái ngại. Lúc đầu tôi cho rằng chắc vì họ thấy tôi phải đi quá xa, vất vả. Nhưng trò chuyện lâu hơn, tôi mới "vỡ lẽ" người đối thoại thấy ái ngại vì nghĩ đất nước tôi vẫn đang còn chia cắt.
"Chúng tôi thống nhất đất nước từ lâu rồi, từ năm 1975 cơ!". Tôi cố không cười, vì e có thể làm ông ấy thấy ngượng. Có thể thấy ông ấy thuộc thế hệ trưởng thành vào thời cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra.
"Thế à? Vậy mà tôi cứ tưởng Việt Nam vẫn còn bị chia cắt như Nam, Bắc Triều Tiên" - ông ấy nói, hơi ngượng. Ông cũng thừa nhận chưa tiếp xúc với người Việt nào bao giờ.
Ban đầu tôi tưởng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, về sau, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những câu hỏi tương tự mà có lần là từ một sĩ quan quân sự.
Tôi bắt đầu băn khoăn tại sao? Tôi mở Google news phần tiếng Anh và gõ từ khóa Việt Nam. Tôi click tiếp một số trang tiếp theo trên phần tìm kiếm. Có những tin về thị trường chứng khoán và kinh tế Việt Nam, nhưng lượng tin trong đó có từ Việt Nam dùng để chỉ cuộc chiến vẫn chiếm một lượng đáng kể, nếu không muốn nói là đa số.
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa cũng đã gần 20 năm. Trong gần 20 năm đó, kim ngạch giao thương giữa hai nước tăng đến hàng trăm lần. Theo website của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, năm 2011 kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 22 tỷ USD, tăng hơn 1.200% so với 10 năm trước đó.
Bên cạnh kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, y tế, phát triển, nhân đạo, tìm kiếm quân nhân và kể cả quân sự cũng đã được thúc đẩy nhanh chóng.
Bìa tạp chí Time ngày số ra ngày 17/4/1972
Truyền thông 'nhớ dai'
Tò mò, tôi quyết định làm một khảo sát xem truyền thông Mỹ đưa tin về Việt Nam thế nào trong suốt mấy chục năm sau chiến tranh. Tôi tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên hơn 400 bài báo có chứa từ Việt Nam trong 30 năm, từ 1980 đến 2010 của hai tạp chí lớn nhất của Mỹ: Time và Newsweek [1]. Đây là hai tạp chí có tiếng về đưa tin các vấn đề quốc tế của Mỹ.
Kết quả thu được đã lý giải mối nghi ngờ của tôi. Trong các bài báo khảo sát, Việt Nam thường được nhắc đến trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến cuộc chiến. Chẳng hạn, vấn đề cựu chiến binh Mỹ, hay vấn đề xây dựng chiến lược quân sự cho Mỹ trong các cuộc chiến như Iraq hay Afghanistan (khi đó chiến tranh du kích tại miền Nam Việt Nam được sử dụng để so sánh).
Đặc biệt, trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, các ứng cử viên đều có điểm mạnh hoặc yếu liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam. Tin tức khơi dậy quá khứ của các ứng cử viên tràn ngập truyền thông, như việc Bill Clinton từ chối tham gia chiến tranh, hay John Kerry và John McCain với quá khứ tham chiến tại Việt Nam.
Việt Nam trước và sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được mô tả không mấy khác biệt. Từ "Việt Nam" thường là cách gọi tắt về cuộc chiến. Thậm chí từ "Tết" được dùng để chỉ... Tết Mậu thân 1968.
Quả thực, truyền thông là kênh quan trọng cung cấp thông tin cho độc giả Mỹ. Những người chưa từng đến hoặc không có cơ hội tiếp xúc để tìm hiểu về Việt Nam của hiện tại, sẽ chủ yếu dựa vào tin tức của truyền thông.
Ngay từ cuối những năm 1980, giáo sư Daniel Riffe, một học giả nghiên cứu về truyền thông tại Đại học North Carolina tại Chapel Hill đã chỉ trích truyền thông các nước phát triển thường "làm ngơ" những tin tức về các nước thuộc thế giới thứ ba. Theo giáo sư này, các nước nghèo thường chỉ được lên mặt báo phương Tây khi có thiên tai, bệnh dịch hay các cuộc nổi dậy.
So với các nước lớn khác, ảnh hưởng thương mại của Việt Nam, cũng như vai trò đối tác trong các lĩnh vực vẫn chưa đủ để thu hút sự chú ý của truyền thông Mỹ. Trong khi đó, "bóng mây" quá khứ của cuộc chiến tại Việt Nam vẫn tồn tại cả trên chính trường, cũng như trong nhiều vấn đề xã hội nước Mỹ.
Chính lý do trên khiến truyền thông Mỹ tiếp tục hướng chú ý vào những vấn đề quá khứ. Với những người dân bận bịu hoặc ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế, Việt Nam đã "dừng lại" không thay đổi trong suốt mấy chục năm qua. Bởi, trên truyền thông Mỹ, cuộc chiến cách đây gần bốn thập kỉ vẫn còn "đeo bám".
------
[1] Nghiên cứu này đã được trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội truyền thông quốc tế (International Communication Association) tháng 5/2011, sau đó được xuất bản trên tạp chí Asian Journal of Communication vào tháng 8/2012.