Việt Nam đang bị chảy máu chất xám nghiêm trọng

N.Tân – X. Hải |

(Soha.vn) - Nhiều nhà nghiên cứu khoa học không được quan tâm khiến họ chuyển hướng coi danh vị khoa học là nấc thang thăng tiến thay vì đam mê cống hiến cho khoa học công nghệ.

Chất lượng nghiên cứu khoa học các trường ĐH của Việt Nam giảm mạnh 

Qua số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhất trong khu vực  Đông Nam Á và có rất nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi trí tuệ quốc tế, nhiều nhà khoa học trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu. 

Tuy nhiên, cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển. Thực tế, nhiều công trình nghiên cứu về đất hiếm chỉ tập trung vào các ngành có hiệu quả kinh tế thấp. Từ đó, việc nghiên cứu, sử dụng đất hiếm từ xưa đến nay đang rơi vào tình trạng lãng phí.

Tại buổi đóng góp ý kiến cho luật Khoa học công nghệ (KHCN) sửa đổi vừa qua tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết: Không có một trường đại học (ĐH) Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một ĐH Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á...

Bên cạnh đó, số lượng đào tạo khoa học quá nhiều. Tính riêng khối nông nghiệp thì viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. 

Ở khối thuỷ lợi, có tám viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành. 

Vì các tổ chức cồng kềnh, chồng chéo và nhiều tổ chức trung gian; các bên không kết hợp được nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ, cơ chế tự chủ bị phớt lờ, không tạo được sản phẩm quốc gia.

Bảng thống kê chỉ số mới của Việt Nam và các nước xung quanh.
Bảng thống kê chỉ số mới của Việt Nam và các nước xung quanh.

Theo công bố mới nhất của Viện SCImago (SCImago là nhóm nghiên cứu có uy tín trong chuyên ngành đo lường khoa học, từng công bố phương pháp xếp hạng và đã được cộng đồng khoa học công nhận), xếp hạng năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học của các viện, trường ĐH của Việt Nam giảm  mạnh so với năm 2011.

Đáng chú ý là ĐH Quốc gia Hà Nội bị tụt gần 200 bậc ở mức thế giới, xếp hạng khu vực cũng bị tụt đáng kể. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách này và thứ hạng cũng chỉ cách ĐH Quốc gia Hà Nội bốn bậc ở phạm vi thế giới.

Theo đó, việc đánh giá ĐH dựa vào sáu tiêu chí chính: Đầu ra của nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tính tập trung hay chuyên môn hoá trong nghiên cứu, chất lượng tập san khoa học, tính xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và tầm ảnh hưởng. Tất cả những tiêu chí này hoàn toàn hợp lý và được giới khoa học quốc tế sử dụng.

Theo nhiều nhà khoa học, trong khi các hoạt động khác đã tuân theo quy luật kinh tế thị trường khá rõ thì KHCN hầu như vẫn nằm ngoài “sân chơi” ấy. Theo đó, bất cập có thể cho là lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề tài chính cho KHCN, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến quá trình sáng tạo của trí thức khoa học.

Bảng xếp hạng năm 2012 cho thấy, có bốn đơn vị là Viện Khoa học công nghệ VN, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM. và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng của SCImago. Nếu tính theo quốc gia, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đứng đầu VN, kế đến là ĐH Quốc gia TPHCM., ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 4 quốc gia, 857 khu vực và 3160. thế giới).

“Chảy máu” chất xám trong nghiên cứu khoa học

Đánh giá về chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ trong các trường đại học, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định: "Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường đại học, nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Nhưng các trường đại học hiện nay đang gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường đại học trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các giải Nobel, sáng chế..."

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.

Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chỉ ra những nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam yếu kém. Đó là các trường đại học không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm lớn thì kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy chỉ có vài ba tỷ đồng mỗi năm. Các trường đại học không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy.

Ngoài ra, do các trường ĐH hiện nay có khối lượng giảng dạy quá lớn, dẫn tới các giảng viên không đủ thời gian nghiên cứu. Có những trường, giảng viên đảm bảo khối lượng lớn gấp nhiều lần định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi không chỉ dạy trong trường, mà còn dạy thêm ở các trường tư thục, dân lập, cao đẳng, dạy tại chức nên không có thời gian, tâm trí cho nghiên cứu khoa học...

“Chảy máu chất xám” không chỉ ở khu vực nghiên cứu khoa học, mà còn ở các tổ chức nghiên cứu thuộc nhà nước sang các tổ chức ngoài nhà nước và phi chính phủ, từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng và triển khai vì các công việc này tạo ra thu nhập cao hơn, nhu cầu thị trường lớn hơn.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt nhân tài khoa học là do chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng. Điều này dẫn đến kết quả là học sinh, sinh viên giỏi ít chọn con đường nghiên cứu khoa học. Số ít người giỏi đam mê khoa học đều đi du học và không nhiều người chọn con đường trở về nước.

Trước thực trạng chảy máu chất xám hiện nay, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học.  Để có thể thu hút nhân tài làm khoa học, Nhà nước cần có chính sách, biện pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhân tài khoa học phát triển.

Các chính sách và biện pháp nhằm thu hút nhân tài khoa học cần được xây dựng dựa trên tình hình cụ thể tại các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho các đề án thu hút nhân tài khoa học có tính khả thi, mang lại hiệu quả cao...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại