Thông báo hàng hải ngày 3/5/2014 của Cục Hải sự Trung Quốc nói rằng giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông - một vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý từ ngày 2/5 đến 15/8/2014 là trái với luật pháp quốc tế và đã bị phản đối mạnh mẽ.
Trước những động thái hết sức phi lý này của Trung Quốc, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, hành động nói trên của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc là hoàn toàn trái luật pháp quốc tế.
"Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam có 05 vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như các quốc gia có biển khác. Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố xác định Đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam gồm 10 đoạn nối 11 điểm.
Theo đó, vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCNVN tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.
Việt Nam có quyền chủ quyền hoàn toàn đối với mọi tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế nhằm khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, được xây dựng, thiết lập các công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển.
Phía nước ngoài được hưởng tự do hàng hải, tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm nhưng không ảnh hưởng đến các quyền nói trên của Việt Nam", luật sư Bình cho hay.
Cũng theo luật sư Bình, cơ sở pháp lý quốc tế cao nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia liên quan đến biển đảo là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này.
Chương XV Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quy định rõ trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Theo đó, khi xảy ra những tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, các quốc gia phải có nghĩa vụ giải quyết bằng phương pháp hòa bình.
Bất kỳ quốc gia nào thành viên nào tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước đều có thể yêu cầu quốc gia khác hay các bên khác đưa vụ tranh chấp ra hòa giải. Khi yêu cầu không được chấp nhận hay nếu các bên không thỏa thuận được về thủ tục hòa giải, thì coi như đã chấm dứt việc hòa giải.
Khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn, hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp sau đây để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước là Tòa án quốc tế về Luật biển hoặc Toà án quốc tế hoặc một tòa trọng tài.
Như vậy, khi Trung Quốc có sự vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có quyền kiện ra Tòa án quốc tế để yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng cam kết về chủ quyền biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Theo các quy định trên thì trước hết, Việt Nam cần đưa ra các ý kiến phản đối với hành động vi phạm chủ quyền biển Việt Nam của Trung Quốc và sử dụng mọi biện pháp để giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua việc hòa giải giữa hai bên.
Nếu mọi biện pháp hòa giải đều không đạt được thì Việt Nam có thể đưa đơn kiện đến Tòa án Quốc tế", Luật sư Bình nhấn mạnh.
Điều 296 Công ước quy định:
Các quyết định do tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu, và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo.
Các quyết định đó chỉ có tính chất bắt buộc đối với các bên và trong trường hợp riêng biệt được xem xét.
Xem thêm video cận cảnh giàn khoan HD-981 của Trung Quốc: