Giá viện phí, dịch vụ y tế sắp được điều chỉnh
Chỉnh lại mức tăng
Trong dự thảo thông tư liên bộ về giá viện phí vừa được hoàn thành, thay vì điều chỉnh tăng giá 355 dịch vụ y tế như các bản dự thảo trong năm 2011, sẽ có hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá. Những điều chỉnh đáng chú ý gồm: phí khám bệnh từ 3.000 đồng/lượt tăng lên tối đa 20.000 đồng/lượt (với các BV tuyến Trung ương) và giảm dần theo các tuyến; giá giường bệnh thông thường tăng từ 10.000 đồng/ngày lên 18.000 đồng/ngày, giường bệnh ở các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày, những giường hồi sức đặc biệt mức thu tối đa là 160.000 đồng/ngày; giá siêu âm dao động từ 30.000 - 800.000 đồng/lần (phụ thuộc thiết bị và loại bệnh lý siêu âm chẩn đoán)...
Điều đáng chú ý nữa là trong bản dự thảo thông tư về giá viện phí mới nhất này, dù số danh mục kỹ thuật được điều chỉnh nhiều hơn song sẽ không có những dịch vụ tăng vô lý và tăng cao hàng chục lần như trước đây. Rất ít dịch vụ được quy định từ tối thiểu đến tối đa mà được tính toán theo một mức giá, được áp dụng theo phân tuyến kỹ thuật và đăng ký thực hiện của các BV. Chẳng hạn như trong dự thảo gần đây nhất, phí khám bệnh được đề xuất tăng lên 30.000 đồng/lần thì tại dự thảo vừa hoàn thành chỉ đề xuất tăng lên 20.000 đồng/lần, giảm gần 50%. Hay trong dự thảo trước, giá giường bệnh hồi sức đặc biệt được đề xuất tăng lên 300.000- 350.000 đồng/ngày, nhưng trong dự thảo lần này chỉ đề xuất tăng lên 160.000 đồng/ngày. Đặc biệt, với những bệnh nhân phải nằm ghép 2 và 3 người/giường bệnh, giá thành sẽ được tính còn 70% và 40% chứ không thu đủ 100% mỗi bệnh nhân như cũ.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT - BHXHVN) đánh giá, giá viện phí lần này được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các BV đa khoa, chuyên khoa đầu ngành ở Trung ương như trước đây, do đó đảm bảo được tính khách quan cao.
Không thể đòi chất lượng tăng ngay?
Theo ông Sơn, với khung giá mới, Quỹ BHYT thanh toán sẽ sát với chi phí thực nên người có thẻ BHYT sẽ không phải trả thêm các chi phí do BV thu thêm với lý do “bù lỗ”. BHXH sẽ tăng cường giám sát, trong trường hợp phát hiện BV thu thêm sẽ bị từ chối thanh toán toàn bộ chi phí, thậm chí ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách viện phí mới chắc chắn sẽ tác động đến sự cân đối quỹ BHYT, dự tính quỹ sẽ phải tăng chi thêm khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng/năm. Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh giá viện phí mới, BHXHVN cũng sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng.
Cũng theo ông Sơn, thông thường giá tăng thì chất lượng sẽ tăng nhưng với dịch vụ y tế thì hơi khác, sau khi tăng viện phí người bệnh chưa thể hy vọng chất lượng khám chữa bệnh ở các BV sẽ được cải thiện hơn trước. Dù vậy, với việc điều chỉnh viện phí lần này, Bộ Y tế và các bộ, ngành hướng tới mục tiêu người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi ra trả dịch vụ sử dụng ngoài chi phí cùng chi trả, nghĩa là dịch vụ y tế sẽ được BHYT thanh toán theo giá trị thực…
Đồng tình với quan điểm này, nhiều y, bác sĩ trong ngành y cho rằng tăng viện phí chắc chắn sẽ cải thiện chất lượng khám chữa bệnh nhưng đòi thái độ phục vụ, vấn đề y đức phải tăng theo ngay lập tức thì khó có thể thực hiện được. Điều dưỡng Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực - BV Việt Đức Nguyễn Xuân Vinh cho rằng, đa số các phản ánh không tốt về thái độ, y đức của cán bộ y bác sĩ tập trung vào nhóm y sĩ, y tá, hộ lý… vì đây là đối tượng trực tiếp và tiếp xúc nhiều nhất với người bệnh. Điểm mấu chốt là thái độ của nhân viên y tế, muốn thay đổi thái độ phục vụ với người bệnh, nâng cao y đức thì cần phải thay đổi lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ này chứ không phải viện phí tăng là họ sẽ thay đổi theo. Muốn cải thiện đồng bộ chất lượng phục vụ người bệnh của ngành y thì cần nhiều thời gian, nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo Nguyễn Phan
PLVN