Vì sao đàn ông TQ "chuộng" lấy vợ Việt Nam?

camnhung |

Có nhiều người đàn ông Trung Quốc đang rơi vào hoàn cảnh "khó" lấy vợ, thực trạng này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.

Chú rể Trung Quốc “thiếu” cô dâu

Tình trạng "thiếu" cô dâu cho các chàng rể ở đất nước tỉ dân này đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Theo một số liệu mới được công bố, trung bình ở Trung Quốc cứ 100 bé gái chào đời thì có 119 bé trai được sinh ra, có những tỉnh tỉ lệ chênh lệch cao hơn, cứ 100 bé gái thì có tới 130 bé trai chào đời. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do nạn phá thai chọn giới tính ở Trung Quốc khá phổ biến, và công nghệ siêu âm để phát hiện giới tính sớm chính là "liều thuốc độc" gây ra sự mất cân bằng về giới này.

Như vậy, một điều dễ hiểu là cứ 100 đàn ông ở Trung Quốc lấy vợ thì sẽ có thêm khoảng 20 người đàn ông ở đất nước này "nằm ngoài" danh sách được kết hôn vì… thiếu cô dâu, đó là chưa kể đến những chàng rể "có" cô dâu nhưng… khó chọn.

Khi lựa chọn giới tính lúc mang thai con trai luôn được ưu tiên, ngược lại, đến tuổi kết hôn thì phụ nữ lại được coi là có "giá" hơn. Ảnh hưởng bởi tâm lý "hiếm" nên "quý", không ít phụ nữ Trung Quốc đã tự "nâng giá" cho mình, và trở nên kiêu ngạo trong việc chọn chồng. Mặt khác, đàn ông khó chấp nhận được kiểu chọn chồng của những cô gái này, có cảm giác như việc lấy chồng của các cô gái là sự lựa chọn về tiền tài và địa vị để kết hôn hơn là tìm một tri kỷ. Gặp phải những cô gái này thì đa số đàn ông có tâm lý là rất… "ngại" kết hôn.

Khó kết hôn với những cô gái "chọn chồng" đã đành, nhiều người đàn ông nghèo ở Trung Quốc còn có nguy cơ không lấy được vợ. Theo tờ Chinadaily, năm 2011, một người đàn ông Trung Quốc để lấy được vợ ở một thành phố cao thứ 6 của nước này (do cư dân mạng bình chọn) phải chi phí tới 1,25 triệu NDT (Tương đương 4 tỉ đồng). Trong đó bao gồm: Phí mua nhà: 1.000.000 NDT (tương đương 3,2 tỉ đồng); phí tân trang: 50.000 NDT (tương đương 160 triệu đồng), sắm đồ gia dụng: 30.000 NDT (tương đương 96 triệu đồng); xe con: 100.000 NDT (tương đương 320 triệu đồng); tiệc cưới: 30.000 NDT (tương đương 96 triệu đồng); phí hưởng tuần trăng mật: 16.000 NDT (tương đương 51,2 triệu đồng); chi phí khác: 24.000 NDT (tương đương 76,8 triệu đồng).

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin Internet của Trung Quốc, thu nhập GDP bình quân đầu người của nước này trong năm 2011 đạt 5.449,71 USD (tương đương 117,25 triệu đồng). Như vậy, với một người đàn ông có mức thu nhập trung bình ở Trung Quốc thì phải tiết kiệm và tích luỹ hàng chục năm mới có khả năng đủ chi phí để cưới vợ.

Một đám cưới của chàng rể Trung Quốc với cô dâu người Việt

Chỉ tốn bằng 1/10... (?)

Do "khó" lấy được người trong nước nên nhiều đàn ông Trung Quốc đã lựa chọn những cô gái Việt Nam để làm vợ bằng nhiều cách khác nhau. Trong số hàng trăm phụ nữ (không phân biệt tuổi tác) bị lừa bán sang Trung Quốc mỗi năm, phần lớn họ bị đẩy vào các động mại dâm, nhưng cũng có nhiều cô gái (có cả những phụ nữ đã có chồng và có con ở Việt Nam) may mắn được những người đàn ông ở Trung Quốc bỏ tiền mua về làm… vợ. Trung bình mỗi cô gái Việt Nam bị lừa bán được các chủ chứa mua với số tiền 20-30 triệu đồng. Nhưng với trường hợp "may mắn" được "tuyển" để làm vợ người Trung Quốc thì những ông chồng Trung Quốc phải mua với số tiền 200-300 triệu đồng.

Giải thích về sự chênh lệch giá cả này, A Quý, quê ở tỉnh Tứ Xuyên, hiện đang công tác ngắn hạn tại Việt Nam cho biết: "Những người có nhu cầu "mua" về làm vợ thì miễn sao kiếm được cô gái phù hợp, cũng do những người môi giới biết điểm yếu của mình là cần lấy vợ nên họ cũng thường "hét" giá để ép. Và thật ra phải bỏ số tiền 200-300, thậm chí 500 triệu đồng để có được người phụ nữ Việt Nam về làm vợ chỉ tốn bằng 1/10 chi phí lấy vợ ở Trung Quốc". Cũng theo A Quý, những người "mua đứt, bán thẳng" kiểu này hầu hết là do mối quan hệ của họ có hạn, và muốn "mua" cho nhanh do không có điều kiện đi "tìm" vợ tại Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ, SN 1984, quê ở Phú Thọ, hiện đang làm vợ một người đàn ông ở tỉnh Đông Hưng cho biết: Chồng em đã mua em từ một động mại dâm khi em bị lừa bán sang đây từ năm 2007. Khi đó, có một người đàn ông (bây giờ là chồng Thuỷ - PV) đến mua dâm, thấy em không chịu bán dâm và nhận những trận đòn, nên ông ấy thương em và đã mua em về để làm vợ. Do em được chồng bây giờ cứu ra sau khi em bị nhốt trong tổ quỷ 8 ngày và chưa phải bán dâm lần nào ngoài những trận đòn tơi bời nên chồng bảo em không tố cáo kẻ lừa bán mình với CA Việt Nam".

Thuỷ cũng cho biết, đến nay Thuỷ đã làm môi giới cho 6 người đàn ông Trung Quốc sang tìm hiểu và kết hôn với 6 người phụ nữ Việt Nam, hầu hết 6 cặp vợ chồng đều sống rất hạnh phúc. Mỗi người đàn ông được Thuỷ giới thiệu lấy vợ Việt Nam đều trả thù lao (tự nguyện) cho Thuỷ từ 10.000-15.000 NDT (tương đương 32-48 triệu đồng).

Ở TP Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều chàng trai tham gia các tour kết hôn đến Việt Nam, được tiếp xúc với một số cô gái Việt Nam để được lựa chọn cho mình một cô gái ưng ý nhất, có những chàng trai phải tham gia tour nhiều lần mới chọn được vợ cho mình. Mỗi người tham gia tour này đều phải đóng phí 5.100USD (tương đương 105 triệu đồng), một số người còn trả thêm tiền để đi tour tìm hiểu đất nước Việt Nam. Sau khi họ đã tìm hiểu được về đất nước và con người Việt Nam, chọn cho mình được một người vợ ưng ý thì chi phí cho một đám cưới với cô dâu Việt Nam không quá cao (ở mức 200-300 triệu đồng) so với thu nhập trung bình của người Trung Quốc. Và cái quan trọng nhất là những chàng rể này không gặp phải những điều kiện khắc nghiệt về kinh tế cũng như địa vị của những cô dâu danh giá người Trung Quốc đặt ra, và "rẻ" hơn rất nhiều so với mức hàng triệu NDT khi cưới một cô dâu Trung Quốc.

Đối với những người được chọn để tham gia tour phải là những người có thu nhập ở mức trên trung bình, vì phụ nữ Việt Nam khi tới Trung Quốc thường phải sống nhờ chồng do rào cản ngôn ngữ khiến họ khó tìm kiếm việc làm. Họ cũng không được hưởng phúc lợi xã hội trong 5 năm đầu tiên nên điều kiện tối thiểu là người chồng phải có thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống vật chất cho cả người vợ.

Tuy nhiên điều quan trọng không nằm ở việc đàn ông Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam kinh tế hơn hay không mà nằm ở chỗ mối quan hệ hôn nhân đó có hợp pháp và phù hợp với truyền thống đạo đức của Việt Nam hay không? Quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam là phải có sự tự nguyện từ hai phía, chỉ đó điều đó mới đảm bảo hạnh phúc lứa đôi lâu dài. Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, và có biện pháp mạnh hơn nữa đề chấm dứt triệt để những cuộc hôn nhân trái pháp luật và cũng để bảo vệ tuyệt đối nhân phẩm của phái yếu.

Theo Nguyễn Khuê

Pháp luật & Xã hội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại