Vì sao bầu Kiên không mặc đồng phục của trại giam?

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Bầu Kiên giải thích: “Căn cứ vào các quy định của pháp luật tôi cho rằng tôi không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải mặc đồng phục của trại giam cấp”.

Chiều nay, HĐXX  vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã bị hoãn do sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá.

Rất đông người tới dự tòa phải chờ đợi để qua cổng bảo vệ nhưng phiên tòa diễn ra được nửa ngày đã phải hoãn.

Quyết định này không quá bất ngờ đối với những người tham dự phiên tòa khi trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa sau khi nghe công bố biên bản của bác sỹ về tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá. Đây cũng là quan điểm của luật sư Lưu Tiến Dũng – người bào chữa cho ông Trần Xuân Giá trong phần phát biểu trước khi HĐXX bước vào phần xét hỏi.

Một điều khác cũng khiến những người tham dự phiên tòa không khỏi ngạc nhiên chính là hình ảnh một bầu Kiên với thân hình nhỏ gọn hơn so với trước khi bị bắt với trang phục áo sơ mi kẻ dọc và quần âu khác hẳn so với các bị cáo khác cùng bị tạm giam.

Bầu Kiên mặc trang phục khác hẳn các bị cáo bị tam giam khác tại phiên tòa

Bầu Kiên mặc trang phục khác hẳn các bị cáo bị tam giam khác tại phiên tòa

Giải thích về trạng phục này, Bầu Kiên nói: “Tôi xin báo cáo hội đồng xét xử, ngày hôm qua tức ngày 15/4/2014, tôi đã nhận được ý kiến của ông giám thị trại giam yêu cầu tôi phải mặc đồng phục do trại cấp. Căn cứ vào các quy định của pháp luật tôi cho rằng tôi không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải mặc đồng phục của trại giam cấp”.

Khi được hỏi về ý kiến trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) nói rành mạch, rõ ràng: “Thứ nhất, tôi bị buộc tội trốn thuế trên cơ sở văn bản của Tổng Cục thuế nên tôi yêu cầu người ký văn bản hoặc đại diện của Tổng Cục thuế đến gặp.

Thứ hai, tôi bị buộc tôi kinh doanh trái phép trong khi tất cả các việc làm của tôi được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định nên tôi yêu cầu tòa triệu tập đại diện phòng đăng ký kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, phòng đăng ký kinh doanh của Hà Nội và đại diện các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước là những bộ đã có ý kiến cho phép và cấp phép cho tôi. Đồng thời tôi đề nghị mời đại diện Văn phòng Chính phủ vì trong hoạt động kinh doanh của tôi tôi có một số công ty đã được Chính phủ chấp thuận cấp phép và ủy quyền cho Bộ KHĐT cấp phép theo luật.

Bị cáo Kiên cũng đề nghị HĐXX triệu tập một số các cá nhân đến tòa với tư cách là nhân chứng.

“Tôi bị buộc tội 4 tội danh trong khi cá nhân tôi trong 20 tháng qua đã có nhiều đơn, nhiều lần trả lời các bản cung cơ quan điều tra, tôi cho rằng tôi không có tội, tôi bị oan. Do đó, tôi mong muốn phiên toà xét xử sớm, công khai cho mọi người biết, dư luận xã hội biết, cho dư luận được biết thực chất vụ án này là gì.

Và tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như nên tôi đề nghi tòa tiến hành xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến Trần Xuân Giá. Việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác mà VKSND Tối cao truy tố. Đề nghị VKS cho tiến hành phiên toà. Có thể chờ ông Giá ở phần sau vì đây là phiên toà kéo dài. Đề nghị HĐXX cho xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến các hành vi ở ACB và sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng tới các tội danh khác của tôi”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói tiếp.

Bị cáo này cũng cho rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo trong quá trình dẫn giải là “cùm chân” là không phù hợp.

Trong một diễn biến khác, dù đã có quyết định hoãn nhưng cho đến thời điểm này, HĐXX của TAND TP. Hà Nội cho hay lịch xét xử trở lại vụ án này vẫn chưa được xác định.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại