Tôi xin tham gia cái hội lộn xộn này, bằng kinh nghiệm của chính mình khi mở nhà hàng và quen biết với thế giới ngầm, không hề có ý định so sánh với vụ việc trên.
Khi đó, tôi cùng với ảo thuật gia Elvis Công mở nhà hàng Lynh Thùy tại đường Lê Ngô Cát (quận 3, TP.HCM) gần nhà hàng Cánh Buồm, một nhà hàng nổi tiếng ở Sài Gòn.
Khách quen là các hội đánh tennis, bóng bàn, dưỡng sinh…, khách nhậu triền miên ít thấy.
Khi mới mở, khách thưa thớt thì không sao, nhưng đông khách thì lại xuất hiện nhiều việc.
Một nhóm khách tri hô lên có con chuột chết trong siêu cá chình hầm thuốc Bắc. Siêu thì nhỏ xíu, con chuột to đùng, khách ăn hết nước, hết cái mới phát hiện ra thì quá vô lý.
Lúc đó, tôi đang ở Hà Nội nên nói quản lý xin lỗi khách và không tính tiền, gửi khách 1 triệu đồng để họ đi nơi khác ăn gọi là tạ lỗi. Nhưng khách không đồng ý, trả tiền đàng hoàng và nói sẽ quay lại nhậu ủng hộ:
- Chuyện nhỏ mà, bọn tớ toàn dân trí thức chứ có phải giang hồ đâu.
Mà nhân viên cũng nói họ trông rất trí thức, đi xe ô tô.
Cuối tuần, nhóm khách này đến và gặp tôi đề nghị bán khăn, đá, bia rượu và giữ xe… cho nhà hàng, nếu không sẽ nộp đơn tố cáo tới các báo.
Tôi không đồng ý và cũng không thấy đơn từ gì.
Nhưng liên tục mấy đêm sau, quản lý, nhân viên nhà hàng đi làm về đều bị hành hung. Tôi báo với anh B, đội trưởng CSHS quận. Sự việc lắng đi.
Tuần sau nữa, khi dự sinh nhật trên Cheer, ban nhạc Philippines mời tôi lên hát bài Xe đạp ơi. Vừa xuống thì Bình Kiểm chờ sẵn:
- Có tụi Hải Phòng nhờ Bình phá quán Elvis Công, nhưng Bình biết anh hay đến đó chơi (cách nói khéo) nên dằn mặt tụi nó rồi.
Ra là vậy.
Sau này, tôi được biết nhiều nhà hàng cũng bị tình trạng tương tự, khi chuột, lúc gián, nhiều nhất là thằn lằn, cá biệt có cả bao cao su…
Bản thân tôi cũng tiếp tục chứng kiến cảnh này.
Hôm đó, tôi mời mấy anh em Sở Văn hóa Thông tin đi uống bia ở nhà hàng nhỏ tại quận 1, không máy lạnh để cám ơn mấy anh em giúp tôi tài liệu hoàn thành loạt bài về quản lý văn hóa và một số nhà báo.
Sau đó anh bên VHTT phát hiện 2 con thằn lằn trong nồi lẩu cá…. Nhưng toàn dân có nghiệp vụ nên phát hiện 2 con thằn lằn tươi chong. Chắc ai đó “mát tay”, bàn kế bên tranh thủ bỏ vô.
Chủ quán được thông báo sự việc để đề phòng và tôi trả đủ tiền bữa ăn hôm đó.
Tuần lễ sau tôi quay lại, chủ nhà hàng nói có nhóm người đặt vấn đề bán khăn, bia rượu, nước đá…cho nhà hàng, nếu không sẽ tố cáo vụ 2 con thằn lằn lên báo. Tôi nói: Bạn an tâm, mình không có thì không sợ gì.
Nhưng người chủ nhà hàng sau đó dọn đi nơi khác bán và có mời tôi đến uống vài chai bia:
- Lần này tôi biết điều hơn nên không có con gì trong nồi lẩu hết anh Linh ạ.
Một chuyên gia kinh tế nói với tôi rằng, TPHCM có sự quản lý minh bạch, nguồn khách dồi dào… nên là nơi mà nhiều người có tiền nhàn rỗi “thử sức” bằng cách làm nhà hàng, quán ăn.
Mà đúng vậy, chỉ cần có khách là thu hồi vốn nhanh và giàu luôn, khách là yếu tố quyết định nên các chủ đầu tư luôn tôn trọng và sợ mất khách, nhất là sợ tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chiêu trò phá nhau hoặc để đòi “bảo kê” cũng từ đây.
Do đó, ở một vài nơi, dù gặp nhiều thuận lợi nhưng nếu không biết nhìn trước ngó sau, tạo điều kiện “sống” cho “âm binh”, nhiều chủ đầu tư nhà hàng phải vỡ nợ hoặc ngậm ngùi đóng cửa.
Hiện cơ quan công an thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về chống "bảo kê”, “côn đồ” trên các dịch vụ “nhạy cảm”, nhưng đây là cuộc chiến khó khăn vì ít chủ đầu tư nào dám hé răng.
Tôi nhớ không lầm thì ngay nhà hàng R. K của Năm Cam khi đông khách cũng bị như vậy, mà thực khách hôm đó là Dung Hà.
Vấn đề "âm binh" vốn rất phức tạp và ngày càng tinh vi. Luôn có những mảng tối, khó hiểu,thách thức, làm khó những nhà kinh doanh, mà các cơ quan công quyền phải nhìn ra để triệt phá.