Chỉ vỏn vẹn trong 7 ngày nghỉ Tết, số vụ tai nạn giao thông đã ở con số 427. Trong đó, 246 nạn nhân đã tử vong, 415 người bị thương. (Mời xem thêm thông tin trong bài: "INFOGRAPHIC: Những con số khủng khiếp nhất dịp Tết 2015").
Trên trang cá nhân của mình, khi nói về nguyên nhân dẫn đến tai nạn, TS Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia) nhắc đến một vài nguyên do như uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy...
Cũng trên trang cá nhân của TS Hùng, nhiều độc giả đã "hiến kế" về những cách xử lý cũng như mức xử phạt để phần nào giảm bớt những tai nạn thương tâm.
Tịch thu xe bán đấu giá, phạt lao động công ích
"Muốn giảm tai nạn giao thông trước mắt phải giảm lượng người tham gia giao thông bằng xe gắn máy. Xe gắn máy mặc dù rẻ nhưng cái giá phải trả thì quá đắt", độc giả Hieu Nguyen viết.
Độc giả Truong Nguyen Huy thì lại "hiến kế" nên bổ sung thêm hình phạt đó là lao động công ích.
Độc giả này viết: "Em có ý kiến là ngoài phạt tiền người tham gia giao thông có sử dụng bia rượu thì phải thêm hình phạt lao động công ích ít nhất 7 ngày như ở các nước phát triển".
Theo bạn đọc Huy Minh Nguyễn, với những trường hợp sử dụng bia rượu lái xe, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều thì đề nghị tịch thu xe bán đấu giá công khai lấy tiền nộp ngân sách đảm bảo sẽ hạn chế hẳn các vụ tai nạn.
Bạn Huy Minh Nguyễn bày tỏ: "Về lâu dài, Nhà nước cần giảm thuế ô tô để người dân được tiếp cận và sử dụng phương tiện an toàn cho tính mạng. Mỗi lần ngồi lên xe máy ra đường không khác gì một chiến sỹ ra trận".
Độc giả Tran Nhat Quang cho rằng, việc xử lý tai nạn cũng tồn tại quá nhiều bất cập.
Những người vô ý thức khi tham gia giao thông lại đương nhiên trở thành bên nguyên trong trường hợp có khởi tố do tai nạn gây ra.
Khi đó, người điều khiển phương tiện đúng luật lại trở thành bị cáo với thiệt hại về thời gian, tài chính và danh dự không nhỏ.
"Người nhậu say, phóng xe bạt mạng, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều....mà gây tai nạn nếu lỡ có chết thì người nhà vẫn phải đền bù thiệt hại cho bên kia sau khi ma chay. Chừng vài vụ như vậy thì thiên hạ khắc ý thức dần thôi", độc giả này nhấn mạnh.
Một vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Làm "lèn ngang" trên tất cả các tuyến đường
Ngoài ra, trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải, độc giả Phan Thanh Hậu (Quảng Nam) đã đưa ra 3 ý kiến nhằm giảm thhiểu tai nạn giao thông đường bộ.
Cụ thể, bạn Thanh Hậu cho rằng nên làm “lèn ngang” đường thật cao trên tất cả các tuyến đường, nhất là các tuyến đường chính, có lưu lượng xe đông, cứ 500 mét ta làm một lèn.
Điều này có tác dụng hạn chế “bắt buộc” tốc độ khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, nên thành lập các trạm giao thông, tại đây, khi bắt gặp người vi phạm thì đưa họ đến và đưa sách “Luật An toàn giao thông” cho họ đọc, nghiên cứu đến khi nào kiểm tra họ thuộc, hiểu rõ hành vi vi phạm của mình.
Sau đó kiểm tra lại nếu tốt, cho họ tiếp tục đi, nếu chưa tốt thì cho họ tiếp tục học.
Cuối cùng, độc giả Thanh Hậu viết: "Khi có tai nạn giao thông, thường thì xe lớn phải đền bù cho xe nhỏ, người đi xe máy phải đền bù cho người đi xe đạp, người đi xe đạp đền bù cho người đi bộ. Đây là điều bất hợp lý.
Chúng ta phải xử lý công bằng việc “ai là chủ thể của gây ra tai nạn”, điều này sẽ giúp cho người tham gia giao thông ý thức được trách nhiệm của mình hơn".
Độc giả Trịnh Văn Minh chia sẻ trên VOV Giao thông, nếu giảm được tốc độ của lái xe ở khu vực ngã ba, ngã tư bằng cách làm gờ giảm tốc thì sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.