Đó là GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam.
Ông được gọi là vị Giáo sư già với 2 cái nhất là bởi vừa qua ông là tân Giáo sư cao tuổi nhất năm 2014 và ông là vị Giáo sư trong ngành nghệ thuật múa đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư Lê Ngọc Canh (81 tuổi) nguyên là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian.
Tôi “ngoan cố” chưa “gác kiếm”
Tìm đến nhà ông trong ngõ 10 phố Láng Hạ (Hà Nội), tôi thấy có vài học trò đến chúc Tết, xin bài giảng, nhận đề tài luận văn…
Ở tuổi 81 ông vẫn đang giảng dạy, hướng dẫn đề tài cho cử nhân, nghiên cứu sinh của trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Văn hóa Hà Nội, TP.HCM…
Thấy tôi thắc mắc đến tuổi này ông vẫn làm việc mặc dù đã nghỉ hưu 15 năm nay, GS Canh hiền từ nói: “Học trò đến với tôi là niềm vui, giảng dạy là động lực hàng ngày.
Tôi còn có điều kiện sức khỏe thì “nhả” kiến thức cho các em, mình già cỗi rồi nên nhiều người bảo “rửa tay gác kiếm” nhưng tôi còn ngoan cố.
Đến lúc ông trời không cho tôi làm thì thôi tức là khi nào chân đi bước 1 run rẩy, ngáp ngắn ngáp dài, chân đo giường thì tôi nghỉ”.
Nghỉ hưu từ năm 2000 nhưng GS Canh không cho phép mình an hưởng tuổi già. Hàng ngày ông vẫn làm việc từ 8 giờ sáng, không đi thực tế nghiên cứu văn hóa, giảng dạy, chấm thi, hướng dẫn luận văn thì ngồi viết công trình.
Mặc dù bị bà xã và các con không cho đi làm nữa, gàn ông nhưng ông xua tay không chịu: “Không cho đi làm thì tôi ốm, đi làm là thuốc chữa bệnh kích thích trí nhớ, động viên tinh thần”.
Thấy ông làm nhiều việc, bạn bè gọi ông bằng cái tên dí dỏm “đánh bắt xa bờ” hay “người trên từng cây số”. Ấy là bởi mọi ngõ ngách Việt Nam ông đều gần như đi hết.
Lúc ông ở Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, lúc lại thấy ở Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Cà Mau…GS nói rằng đi để có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa, đi thực tế gặp nghệ nhân múa, những người dân tộc.
Ông kể từ ngày nghỉ hưu ông còn đi nhiều hơn, ra nhiều sách hơn là bởi ông không vướng bận việc quản lý nữa thay vào đó có thời gian rảnh.
Cách đây 5 năm (khi đó ông 76 tuổi) ông xắn quần móng lợn đi bộ 5-7 cây số vào vùng dân tộc thiểu số Châu Ro, Châu Mạ của tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu nghệ thuật múa.
Có lần vào bản muộn quá không có gì ăn phải nhịn đói đi ngủ hay có hôm đi thực tế ăn mì tôm qua bữa…
Tham công tiếc việc, “tự hành hạ” bản thân nhưng vị GS già này cho rằng: “Nếu tôi nghỉ lại thấy người khó chịu, phải ngồi viết hoặc đi dạy, nghiên cứu…thì tôi mới thấy khỏe ra.
Tôi cứ âm thầm mưa dầm gió bấc nhưng tôi thấy hứng thú vì đó là vốn, lương khô của mình”.
Hiện nay ông có 17 cuốn sách của riêng mình và 24 cuốn ông tham gia chủ biên được xuất bản.
Ông tính trung bình mỗi năm một cuốn sách về văn hóa, nghệ thuật chủ yếu về múa và đó đều là những cuốn giáo trình do cơ sở đào tạo, sinh viên yêu cầu ông viết.
Trên ngăn tủ của ông có nhiều bằng khen của Nhà nước.
Ông nói rằng việc ông làm là do yêu nghề, say nghề chứ không phải vì “danh” Giáo sư. “Gần đây bạn bè, học trò động viên tôi tại sao đủ điều kiện mà không làm hồ sơ công nhận Giáo sư cách đây chục năm trước.
Giờ nhận được chức danh cao quý này tôi vui vì quá trình phấn đấu của mình với nghề chứ không phải điều gì khác.
Tôi tâm niệm phải viết nhiều nếu không thì sau này đi mà không có để lại điều gì thì…phí quá”, vị Giáo sư 81 tuổi tâm sự.
Những giọt nước mắt về “ơn” quân đội và vợ
GS.TS Lê Ngọc Canh sinh ra tại làng Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), nổi tiếng có nhiều người học giỏi, đỗ tiến sĩ.
Ông kể rằng nhà ông nghèo lắm, nghèo nhất làng, bố mẹ không có mảnh đất cắm dùi phải đi ở nhờ và chỉ buôn bán lặt vặt nuôi 4 anh em khôn lớn.
“Ngày xưa tôi “thất học” vì nhà nghèo quá, học đến lớp 1-2 trường làng rồi nghỉ. Có lẽ vì thế nên lúc nào tôi cũng thèm học lắm”!, vị GS này nói.
Ký ức nghèo khó của tuổi thơ là đĩa cơm nắm mỏng mẹ mua ở chợ về chia làm 6 phần cho cả gia đình, là những ngày tháng ăn bã đậu, thỉnh thoảng có ngày được củ khoai, ngô hàng xóm cho…khiến ông không thể quên.
12 tuổi - một mình ông ra Hà Nội giúp việc cho người chú họ trên Hàng Ngang. Đến năm 13 tuổi, ông xin vào quân đội làm “cảm tử quân thiếu niên Thủ đô”.
“Quân đội dạy tôi học văn hóa, dạy hát, múa, dạy làm người…38 năm trong quân đội, ơn quân đội đến tuổi này rồi tôi không thể nói hết được. Nếu không có quân đội thì tôi không được như ngày hôm nay”, giọng GS nghẹn ngào khi nhắc lại.
Ôn lại những năm tháng học tiến sỹ ở nước ngoài, mắt ông đỏ hoe: “Giờ vợ tôi là Thượng tá quân đội, Nhà giáo nhân dân đã về hưu và tôi luôn nghĩ rằng “ơn vợ” tôi nhiều lắm.
Năm 1968 tôi được cử sang Bungari học tiến sỹ, lúc đó con trai đầu của tôi chỉ có 3 ngày tuổi.
Ngày tôi đi, bà ấy bế con trai còn đỏ hỏn đứng ngoài sân khóc tiễn và dặn tôi rằng: “Anh phải đi, em sẽ cố chịu đựng. Anh ở lại thì mất tất cả”.
Nghĩ lúc đó khổ lắm! Những ngày xa xứ nhìn ngoài trời tuyết trắng xóa nghe bài dân ca rồi nhìn thấy bữa ăn ngon mà òa khóc thương vợ con ở quê nhà lam lũ nghèo đói”.
Ông kể rằng, trước ngày lên đường sang Bungari, ông đạp xe từ Hà Nội lên Sơn Tây để mua cho con trai cái bô nhưng không có, lúc đó 12 giờ đêm vẫn chưa về đến nhà.
Và khi sang kia học, món quà đầu tiên mà ông gửi về cho vợ là chiếc bô nhỏ cho con.
Câu chuyện cuộc đời ông đong đầy nước mắt cũng giống như những giọng nhật ký yêu thương, tủi hờn của người vợ gửi sang Bungari cho ông suốt nhiều năm trời khiến tôi càng khâm phục, kính trọng ông hơn.
Ở tuổi này rồi nhưng GS.TS Lê Ngọc Canh không cho phép mình nghỉ ngơi. Vị Giáo sư già với “hai cái nhất” nói đùa rằng:
“Tôi cứ cần cù bù trình độ. Ngày xưa khi tôi lấy bằng tiến sỹ ở Bungari (1973), đồng đội nói đùa rằng: “Không phải thằng Canh nhà mình. Thằng Canh ngày xưa nó khù khờ lắm!”.
GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh (81 tuổi) nguyên là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian (nay Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học VN).
Sau 18 năm được phong PGS, năm 2014 ông được Nhà nước công nhận là Giáo sư. Ông có nhiều cuốn sách được giải thưởng như Đại cương nghệ thuật múa, Nghệ thuật múa thế giới, Nghệ thuật múa chèo, Múa tín ngưỡng dân gian VN…
Ông đã đi đến các nước Đức, Rumani, Tiếp Khắc (Séc), Ba lan, Nhật Bản… và thông thạo hai thứ tiếng Nga và Bungari.
Video vị giáo sư già khóc khi kể lại câu chuyện "ơn vợ":