Ở thời điểm cuối tháng 2/2014 khi người dân tìm thấy gốc gỗ huê "khủng” ngâm dưới suối, nhiều người bán tính bán nghi về chất lượng của gốc gỗ này và cho đến thời điểm hiện tại thì giá trị thực của gốc gỗ có thể được đánh giá qua mắt thường bởi những vết nứt sâu hoắm tồn tại ở vỏ ngoài của gốc cây.
Những vết nứt này có độ sâu khác nhau và được sắp xếp đều răm rắp theo những thớ gỗ đặc trưng của từng loại cây. Độ sâu của vết nứt này tùy thuộc vào từng vị trí nhưng theo quan sát thì vết nứt đã ăn sâu vào lõi gỗ.
Có thể thấy thực tế rằng, việc gốc gỗ ngâm lâu dưới nước đã bị mục nát giờ đây bị “giam cầm” và chịu sức nóng của những đợt nắng lên đến 40độC nên những vết nứt “chân chim” ấy hiện rõ và ăn sâu vào thân gỗ.
Gốc huê "khủng" này nổi tiếng bởi khối lượng lớn và gặp lúc thương lái Trung Quốc đang thu mua. Tại thời điểm đó cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đánh giá nó 15 tỷ đồng. Một con số đáng mơ ước của làng nghèo nơi phát hiện ra gốc cây.
Tuy nhiên, đó cũng là con số ảo bởi vì giá cả trồi lên trụt xuống vào từng thời điểm và bị thao túng bởi các đầu lậu buôn gỗ huê. Khi thích thì giá trên trời còn khi không muốn đó chỉ là những khúc củi mục chẳng ai để ý đến.
Không ít người ở Quảng Bình biến thành “đại gia” sau một đêm vì gỗ Huê lên giá nhưng cũng quá nhiều người trắng tay nợ nần chồng chất vay mượn mua gỗ thì gặp phải lúc rớt giá…
UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định tịch thu gốc gỗ và làm sạch để đưa vào bảo tàng tổng hợp của tỉnh cho người dân đến tham quan.