Về lại nhà Bá Kiến ở làng “Vũ Đại”

camnhung |

Tại đây, vẫn còn ngôi nhà cổ của "Bá Kiến" nổi tiếng.

Người ta biết đến "Bá Kiến" và làng "Vũ Đại" thông qua tác phẩm "Chí Phèo" của cố nhà văn Nam Cao. Nhưng, rất ít ai biết đến những câu chuyện thăng trầm xung quanh ngôi nhà Bá Kiến thực, vốn là nguyên mẫu trong tác phẩm xuất sắc của cố nhà văn này.

"Báu vật" của làng

Men theo tỉnh lộ 972 dọc sông Châu khoảng 40km thì đến làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, phủ Lý Nhân (nay là xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam)- một địa danh đi vào văn học một thời. Tại đây, vẫn còn ngôi nhà cổ của "Bá Kiến" nổi tiếng.

Hiện có rất ít tư liệu chính thống nói về xuất xứ của ngôi nhà này, tuy nhiên người dân ở đây vẫn xem ngôi nhà cổ giống như "báu vật" của làng. Cũng bởi một điều, ngôi nhà đã từng chứng kiến bao thăng trầm của những tầng lớp người trong xã hội xưa, nó cũng là chứng tích ghi dấu về một chế độ phong kiến ở Bắc kỳ thời bấy giờ. Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 900m2, cửa ngoảnh theo hướng Tây-Nam.

Ngôi nhà Bá Kiến còn được lưu giữ tới nay

Theo những tài liệu và căn cứ vào xuất xứ của nó, căn nhà hiện nay đã tồn tại trên 100 năm. Những hoa văn và cấu trúc của căn nhà hiện vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn và được thiết kế rất đặc biệt. Nhà được kết cấu theo kiểu lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp. Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam với 4 hàng cột và tổng cộng 16 cột chủ yếu bằng gỗ lim. Chân cột được kê đá tảng, là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu và giống nhau đến 99%. Mái nhà được lợp duy nhất một loại ngói âm dương theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng mưa được làm bằng gỗ. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc các hoa văn, chữ nho, hình rồng...

Trên nóc nhà (thượng ốc) có khắc dòng chữ nho nói về thời gian chính xác năm xây dựng ngôi nhà. Tường nhà phía sau được làm bằng vôi trộn với mật mía, bồ hóng, vỏ cây Bời Lời và một số vật liệu khác. Gạch dùng để xây tường và lát nền được nung bằng rơm. Mặc dầu đã nhiều tuổi và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rồi thời tiết nhưng căn nhà hiện vẫn còn nguyên vẹn và được gìn giữ cẩn thận.

Năm 2004, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức chương trình "Tìm lại Nam Cao" và hoàn thành công trình tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Năm 2007, ngành VHTT&DL tỉnh Hà Nam quyết định lưu giữ ngôi nhà "Bá Kiến" để góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao. Mới đây, địa phương đã cho xây dựng thêm khu nhà vệ sinh, nhà tắm để phục vụ khách đến tham quan và trồng thêm vườn chuối ngự phía trước nhà tạo nên một khung cảnh mang dáng dấp làng quê Việt Nam xưa.

Căn nhà đặc biệt

Đằng sau tác phẩm "Chí Phèo" của cố nhà văn Nam Cao, ít ai biết đến những gì còn in dấu về làng quê của ông. Ngôi nhà "Bá Kiến" hiện tại chính là nguyên mẫu trong tác phẩm của ông. Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi, trải qua nhiều đời chủ và 2 lần "chết hụt", vốn từng thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Bá Bính, tên thật là Trần Duy Bính (không rõ năm sinh, mất năm 1946) được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo". Đây có lẽ là lý do để cuộc đời nguyên mẫu cũng như ngôi nhà của ông này.

Một số chi tiết trên căn nhà được chạm trổ công phu

Tuy nhiên, gốc gác ngôi nhà vốn là của cụ Cựu Hanh một lái buôn giàu có. Vào những năm 1910, cụ thuê gần 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, phủ Lý Nhân về làm ròng rã mấy tháng trời mới xong. Cụ Hanh để lại cho con là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó Cựu Cát đã gán ngôi nhà cho cụ Bá Bính. Bởi vậy, tên chủ nhân của ngôi nhà này gắn liền với tên "Bá Kiến" được người dân truyền tụng bấy lâu nay.

Sau khi cụ Bá Bính mất, cụ đã để lại gia sản này cho con trai là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo thừa kế. Khi lâm vào nợ nần, Binh Tảo có ý định bán nhà, và chính cụ Trần Thế Lễ bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu- một Việt kiều mua lại để định cư. Được biết, giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500đồng (tương đương với hàng chục cây vàng thời bấy giờ). Chủ nhân cuối trước khi UBND tỉnh Hà Nam có quyết định lưu giữ ngôi nhà này là ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu.

Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng. Hiện giờ ngôi nhà đang giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi đồng thời, đón tiếp các du khách thập phương về đây tìm hiểu và tham quan.

Căn nhà và số phận

Những vị cao niên trong làng mỗi khi nhắc lại về số phận của căn nhà trên đều cho rằng, căn nhà cũng có số phận như con người. Chúng đều vận cho mình sự may rủi nhất định. Cũng bởi gắn với cái duyên nào đó, căn nhà đã hai lần phải "chết hụt" vì những tai nạn và những biến đổi của lịch sử.

Ngôi nhà đặc biệt ấy vốn không do Ngụy viên Bắc Kỳ Bá Bính xây dựng, ông có được căn nhà từ việc gán nợ thế nhưng căn nhà ấy rơi vào chủ nhân khác cũng do nợ nần.

Nói về chuyện ngôi nhà 2 lần suýt "chết hụt" chúng tôi đã may mắn gặp được cụ Trần Bá Huấn (81 tuổi), người cùng làng và biết khá rõ về ngôi nhà này. Cụ Huấn chính là một trong 2 du kích địa phương trực tiếp dập lửa cứu ngôi nhà khi thực dân Pháp phóng hỏa đốt.

Cụ Huấn kể lại: "Năm 1953, thực dân Pháp mở trận càn quét nhằm vào các làng xã nơi đây, trong đó có làng Đại Hoàng. Khi ấy tôi mới 19 tuổi, tham gia du kích địa phương và làm nhiệm vụ cắm chông. Hôm đó, lúc giặc đến làng, tôi và đồng chí Huỳnh trú ẩn tại một căn hầm bí mật gần ngôi nhà Bá Bính. Thực dân Pháp càn tới, dùng chất hóa học bôi lên cột nhà sau đó phóng hỏa đốt. Nhưng lúc lửa bắt đầu bén thì bọn chúng có kèn báo hiệu rút quân. Chúng tôi lên khỏi hầm thì thấy cột nhà đã cháy, lửa bắt đầu lan lên mái. Hai anh em vội vã dùng xô, gàu múc nước để dập lửa. Lần ấy, căn nhà đã thoát nạn".

Lần thứ 2, cũng xảy ra khiến ngôi nhà quý giá này thiếu chút nữa không còn tồn tại. Câu chuyện gắn liền với con trai cụ Bá Bính- tức Binh Tảo, vốn là con trai của bà cả. Sau khi bà cả chết, cụ Bá Bính đã lấy vợ hai. Binh Tảo nghiện rượu, những đồ đạc trong nhà ông đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị ông đem ra rao bán. Người hỏi mua là ông Trần Thế Lễ, người vốn nổi tiếng là giàu có trong vùng thời bấy giờ. Ông Lễ gạ mua căn nhà với mục đích xẻ lấy 16 cột gỗ được làm bằng lim. Rất may, khi ý định ấy chưa được thực hiện thì một người Việt kiều là cụ Cai Hậu đã hỏi mua với mục đích định cư lâu dài. Cũng lần ấy, số phận căn nhà nhờ thuộc về cụ cai Hậu mà thoát khỏi "án tử".

Trên thực tế, cụ Bá Bính và nhân vật "Bá Kiến" trong truyện và trong phim hoàn toàn khác nhau. Thời bấy giờ, cụ Bá Bính kiêm luôn 3 chức vụ quan trọng. Cụ là ngụy viên Bắc kỳ tương đương với đại biểu quốc hội ngày nay đồng thời kiêm Chánh tổng (phụ trách xã) và chức lý trưởng (phụ trách việc làng). Cũng từ cụ Bá Bính, căn nhà gỗ ấy đã trở thành một "báu vật" không chỉ của riêng làng Đại Hoàng mà còn là một tài sản quý giá của người dân Việt Nam.

Theo Hải Quyết

Pháp luật & Xã hội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại