“Chạy” đăng ký kết hôn
Chị Minh Thùy quê ở Tiền Giang, học đại học xong chị ở lại Hà Nội xin việc tại một nhà xuất bản. Ở thành phố này, chị quen và yêu anh Nam Nguyễn. Anh Nguyễn cũng không phải là người Hà Nội, mà là dân Quảng Trị. Vì là dân ngoại tỉnh, chưa có nhà ở Hà Nội, chưa vào biên chế cơ quan nên hộ khẩu thường trú của hai anh chị đều ở quê.
Đầu tiên là việc đi xin tờ khai đăng ký kết hôn. Do chị Thùy đã xa quê lâu ngày, UBND xã nơi chị đăng ký thường trú trước kia cũng không hề biết thông tin về tình trạng hôn nhân của chị nên không thể xác nhận. Quay ra Hà Nội, chị “chơ vơ” vì nơi ở hiện tại chỉ là nơi tạm trú, trong khi nhà đi ở thuê, chị đã chuyển 5, 7 lượt. Đến cơ quan nơi công tác, nhà xuất bản trả lời chị đang trong giai đoạn thử việc, chưa là người chính thức của cơ quan nên không xác nhận. Chị nói khó mãi, cơ quan đồng ý xác nhận nhưng với điều kiện chỉ xác nhận thời gian chị làm việc tại đây (trước kia chị từng qua 3, 4 cơ quan khác)
Làm thủ tục đăng ký kết hôn
Anh chồng tương lai của chị Thùy cũng trong tình trạng tương tự. Còn khó hơn vì anh là lao động tự do, không thuộc sự quản lý của cơ quan tổ chức nào.
Theo quy định của Nghị định 158/CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân. Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó. Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
Vì quy định nói trên, những trường hợp như chị Thùy, vì khó khăn trong thủ tục, nhiều người đã “buông xuôi” hoặc vất vả cậy nhờ người khác.
Dự kiến, việc sửa đổi Nghị định 158/CP lần này sẽ theo hướng nếu một người đã qua nhiều nơi cư trú (thậm chí cả ở nước ngoài) chỉ cần xác minh ở nơi cư trú hiện tại. Các giai đoạn trước có thể cho đương sự tự cam đoan.
Có thể đăng ký ở nơi tạm trú
Một trong những quy định được coi là bước tiến mới trong công tác đăng ký hộ tịch theo Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch và Thông tư 01 hướng dẫn thi hành là “Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Việc cho phép trẻ em được đăng ký khai sinh tại nơi đăng ký tạm trú của người mẹ đã tạo thuận lợi lớn cho người dân khi họ công tác, làm ăn xa mà không thể quay về nơi có hộ khẩu thường trú.
Tiếp theo quy định về đăng ký khai sinh, và nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ thực tế, Nghị định sửa đổi Nghị định 158 quy định này “mở” cho công dân có thể đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú (hiện Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch chỉ cho đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký thường trú).Nhiều ý kiến đồng tình với quy định nói trên vì cho rằng, với quy định bắt buộc phải về nơi đăng ký thường trú như hiện nay sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Chính vì quy định này nên nhiều người đã “trốn” đăng ký kết hôn vì lo ngại tốn kém tiền bạc, công sức.
Theo Pháp luật & Xã hội