Có mặt tại cánh đồng thôn Núi Bé (khu giáp ranh giữa xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) chúng tôi không khỏi giật mình bởi cảnh tượng ở đây. Hàng nghìn mét vuông đất ruộng đang bị cày xới, tạo thành thùng, vũng gây mất mỹ quan. Kế đó, gần chục chiếc thùng phi đựng dầu mỡ phục vụ hai chiếc máy xúc, máy ủi hoạt động suốt ngày đêm cùng với những đống đá trơ trọi được vứt ngổn ngang khắp ruộng. Không chỉ vậy, con suối Vai Chồ (bắt nguồn từ đỉnh núi 833 thuộc địa phận xã Liên Sơn chạy xuống) trước đây trong xanh, nay đặc quánh bùn đất.
Anh N.V.H, người dân địa phương đưa chúng tôi vào sát bãi vàng cảnh báo: "Đây là bãi vàng tự phát của một nhóm đối tượng có máu mặt ở địa phương. Muốn tiếp cận anh em phải hết sức cẩn thận, cảnh giác bởi nhóm này việc gì cũng có thể làm". Tiếp tục men theo con đường đầy sỏi đá lởm chởm, hai bên đường lúa đã được thu hoạch chỉ còn trơ lại những gốc rạ. Trước mắt chúng tôi có rất nhiều thùng, vũng đã được khai thác đang đọng lại màu nước đục ngầu. Ngoài ra, những con lạch chuyên phục vụ cấp, tưới nước cho hoa màu cũng chẳng khá hơn là bao.
Máy xúc hoạt động rầm rộ ngày đêm
Chị N.T.N, một người dân bức xúc: "Nếu tiếp tục mang đất ruộng ra cày xới, khai thác vàng như hiện nay chẳng mấy chốc người nông dân sẽ bị chết đói. Bởi độ phì nhiêu của đất đã bị người ta múc lên, bơm tưới nước đổ đi thì có ruộng cũng như không. Đó còn chưa kể tới nguồn nước vốn trong xanh của suối Vai Chồ chuyên dùng tưới cho cây cối hoa màu bây giờ toàn bùn đất, ô nhiễm nghiêm trọng".
Cùng chung tâm trạng, ông T.V.C cho biết: "Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi gia cầm nhưng hơn nửa tháng qua bị nguồn nước của con suối đầu độc khiến đàn vịt của gia đình đổ bệnh chết hàng loạt. Nước vàng, đặc sệt như thế thì con gì sống nổi?. Đãi vàng tất yếu phải sử dụng hoá chất tại thảm đãi thì mới lấy được vàng. Hoá chất trộn vào nước khiến ngan, vịt uống vào sinh bệnh, cứ thế rồi chết dần chết mòn. Không biết vai trò của cấp chính quyền ở đâu mà lại để bọn vàng tặc lộng hành, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân?!".
Chính quyền: Bảo kê?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng khai thác vàng ở khu vực này đã từng diễn ra vào khoảng những năm 1982 - 1983 và nở rộ vào những năm 1992 - 1993. Đến đầu năm 2011, một số đối tượng lại ngang nhiên cày xới đất nông nghiệp tìm vàng. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 đến nay, các nhóm vàng tặc thoả sức lộng hành. Họ trang bị các máy xúc, máy ủi hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, dọc theo con suối những thửa ruộng bị moi móc tạo nên cảnh hoang tàn.
Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, gần đây, một số người dân có ruộng cấy tại cánh đồng Vai Táo (chạy dọc theo con suối) được các đối tượng khai thác vàng thuê với giá 20 triệu đồng /sào để đãi vàng. Từ đó, các nhóm vàng tặc khai thác kiểu cuốn chiếu: Khai thác từ hạ nguồn tiến dần lên phía thượng nguồn con suối.
Ông Nguyễn Huy Phong, chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến khẳng định: Trước năm 1992 -1993 đúng là có việc khai thác vàng trên địa bàn. Tuy nhiên, từ đó đến nay không còn tình trạng này nữa".
Trả lời câu hỏi của PV rằng vì sao dòng nước suối bị đục ngầu, ruộng cấy bị đào sâu, băm nát; máy móc hoạt động rầm rộ nhưng chính quyền không biết?, ông Phong lý giải: Mới đây, vào khoảng ngày 15/11 có 14 hộ dân thôn Núi Bé làm đơn xin cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp (diện tích 5.200m2) do đó đơn vị thi công có đưa máy xúc, máy ủi vào san lấp. Đồng thời ông Phong cũng khẳng định: "Họ lắp giàn, phun nước đãi được cái gì thì tôi không biết nhưng chắc chắn mấy cái máy xúc không thể làm ô nhiễm dòng suối được và cũng không thể có hoá chất gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tới người dân được"?!
Theo Phụ nữ ngày nay