Bắt đầu từ sáng nay, Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện. Nhóm phải đẩy giờ lên sớm hơn là học sinh THPT, TCCN, CĐ và ĐH, học trước 7h, các bậc còn lại bắt đầu từ 8h.
Ngay từ 6h30, khi đường phố còn vắng vẻ thì nhiều cổng trường THPT và ĐH đã tấp nập học sinh, sinh viên. Trước các cổng trường THPT Việt Đức, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Học viện Báo chí, ĐH Công đoàn... không xảy ra tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân chủ yếu là thời điểm này ít người đi làm và một số ĐH, CĐ sinh viên chưa đi học trở lại.
7h30, phố Thợ Nhuộm ùn ứ nhẹ bởi nhiều phụ huynh đỗ ôtô hai bên đường để đưa con vào trường mầm non 20/1. Ảnh:Tiến Dũng.
Trong khi đó, dù 8h mới bắt đầu giờ học sáng nhưng 7h đã có rất nhiều phụ huynh đưa con đến trường mầm non, tiểu học, THCS theo như lịch cũ để kịp giờ đi làm. Để con xuống sân Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình), chị Minh (phố Đội Cấn) cho hay, cơ quan chị ở xa mà 8h đã bắt đầu giờ làm nên phải đi từ sớm.
"Con gái mới lớp 1 để ở nhà thì không có ai đưa đi học nên mẹ phải đưa con đến trường trước giờ vào lớp một tiếng", chị Minh chia sẻ.
Sau một tiếng đầu giờ đường thông thoáng, 7h30 nhiều tuyến phố ở thủ đô bắt đầu xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Phố Thái Thịnh - nơi có trường Tiểu học và THCS Thái Thịnh - dòng người ken đặc đang cố nhích từng bước. Con đường cạnh đó đang làm dở cũng bị ùn ứ vì ai cũng cố len vào để mong thoát khỏi cảnh ùn tắc.
Khoảng 5 cán bộ tự quản phường Thịnh Quang đứng ra dẹp đường nhưng không làm giao thông khá hơn. Anh Tuấn (phố Vĩnh Hồ) cho hay: "Thường ngày tôi vẫn đi làm lúc 7h45 và đường đã thoáng rồi nhưng hôm nay tắc dài quá, mất 10 phút mới nhích được khoảng 200 mét".
Dù bị ùn tắc nhưng chị Ngọc ở khu tập thể Thái Thịnh lại không thấy sốt ruột. Chị cho biết, trước đây thường đưa con gái đi học lúc 7h30 rồi đi làm luôn, nhưng hôm nay đưa con đến lớp xong, chị lại về nhà bởi 9h công ty mới làm việc.
Tương tự, 7h30, tuyến phố nhỏ hẹp Hồ Đắc Di - nơi có Tiểu học Bế Văn Đàn - ùn tắc kéo dài. Người và xe bị kẹt cứng, không thể nhúc nhích nên dù trường học nằm ngay cạnh đó nhưng nhiều học sinh và phụ huynh cũng đành chấp nhận đến muộn vì không thể di chuyển được.
Chị Minh (phố Nam Đồng) cho biết, lên ôtô từ 7h30 nhưng tới hơn 8h vẫn chưa thể qua được con phố này. "Tôi bị chôn chân tại chỗ mất 40 phút, không thể tiến mà cũng chẳng thể lùi để đi đường khác được", nhân viên văn phòng này chia sẻ.
Theo chị Minh, nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc, một phần là do phố Nguyễn Lương Bằng cấm taxi vào giờ cao điểm nên nhiều xe đã len lỏi vào các con phố gần đó đưa đón khách để tránh bị phạt.
Phố Hồ Đắc Di ùn tắc gần 40 phút. Ảnh: Hồng Anh.
Gần 8h, tình trạng tắc nghẽn cũng xuất hiện trên phố Nguyễn Văn Huyên (đoạn qua THCS Lê Quý Đôn và Dịch Vọng). Do 8h các em bắt đầu học nên ôtô, xe máy của phụ huynh tập trung khá đông trước cổng trường. Đưa con đi học rồi vòng xe quay lại đi làm, anh Thái (đường Cầu Giấy) lo lắng: "Tắc đường thế này thì tôi đến cơ quan muộn mất. Giờ con học và giờ mình làm sát nhau quá".
Trong khi đó, ở nhiều tuyến phố trung tâm, giao thông khá thoáng, chỉ một vài điểm bị ùn ứ nhẹ. 7h30, mầm non 20/10 (phố Thợ Nhuộm) bắt đầu đón học sinh và cũng từ lúc này tuyến phố liên tục bị ùn ứ nhẹ bởi ôtô, xe máy của phụ huynh đỗ hai bên đường đưa trẻ tới trường.
Tuy nhiên, một số bảo vệ trường cho hay, do thời điểm đón trẻ muộn hơn thường ngày nên giao thông khu vực này không ùn tắc như trước đây.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Tôi không bao giờ thấy tắc đường" Trao đổi với báo chí ngày 31/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói: "Tôi đi làm lúc 6h30, hơn 19h tôi mới về nên không bao giờ thấy tắc đường. Mọi người cũng thế thôi. Ngày Tết vắng, đường Hà Nội đi thoải mái". Cũng theo ông Thăng, điều chỉnh giờ làm việc đã được thế giới làm từ lâu, giờ Việt Nam mới áp dụng. Nói chung, mọi người dân nếu có ý thức tự điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ không bị tắc đường. "Một đằng thì anh cứ nhao ra đường vào giờ ấy, nhưng anh chậm một tiếng. Một đằng anh tự điều chỉnh giờ sao cho phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn. Quan trọng là ý thức của mỗi người", người đứng đầu ngành giao thông nói. Thừa nhận trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng Bộ trưởng Thăng cho hay, quan trọng là không có tiền. "Ai chả muốn làm tàu điện ngầm, ai chả muốn làm đường sắt trên cao ngay, nhưng nguồn lực của mình có hạn thì phải dần dần, không thể làm ngay". |
Theo Nhóm phóng viên
VNE