LTS: Không có bí kíp võ công nhưng với võ lâm đồng đạo thì lão võ sư Nguyễn Văn Thơ, người sáng lập môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông đã để lại cho hậu thế cả một gia tài võ thuật đồ sộ.
Bất cứ ai học võ cũng đều nương vào “gia tài” này, đó là triết lý “chiêu thức lợi hại nhất là chiêu thức đơn giản nhất”.
Cũng từ triết lý này, lão võ sư đã cho ra đời tuyệt kỹ “so đũa” lừng danh thiên hạ.
>>Tuổi thơ dữ dội của cao thủ võ Việt được ví như Hoàng Phi Hồng
>>Trận tỉ thí như phim kiếm hiệp rúng động Hà Nội
>>Binh khí bí mật và đòn hiểm rợn người của võ sư Sơn Đông
Tuyệt chiêu khốc hiểm
Võ sư Phạm Xuân Tùng bảo, theo đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ luyện võ, tập những bài nhàm chán và cực khổ ấy bản thân ông nhiều lần cũng thấy nản.
Tuy nhiên, sau này, khi tiếp cận với công phu của môn phái, rồi triết lý quyền thuật của đại lão sư, ông mới thấy sự khổ luyện ấy là vô cùng cần thiết.
Theo đó, công phu của Thiếu Lâm Sơn Đông là đánh nhập nội sâu, áp sát đối phương để ra đòn. Khi giao chiến, môn đồ Sơn Đông thường sử dụng những động tác cài, gài, khóa, bẻ và loại bỏ đối phương bằng những động tác nhanh, mạnh, dứt khoát.
Và, đòn chí tử để “kết thúc cuộc chơi” đó là tuyệt kỹ “so đũa”. Võ sư Tùng kể, trước đây, dạy môn sinh, đại lão võ sư thường lấy hình ảnh đôi đũa ra để nói về đòn đánh này. Theo đó, đôi đũa tượng trưng cho đôi cánh tay người.
Võ sư Xuân Tùng biểu diễn tuyệt kỹ "so đũa" trứ danh.
Người này người kia có thể tay dài, ngắn khác nhau nhưng độ chênh lệch thì không nhiều. Khi giao chiến, người tay dài có thể lợi thế hơn, những với người luyện võ thì lợi thế đó không phải là tất cả.
Giao chiến, so tay cũng không khác gì việc so đũa cho bằng. Chân đũa tiếp xúc với mặt mâm trước chưa hẳn đã hay bởi chân tiếp xúc sau thường có uy lực hơn.
Bởi thế, nếu không thể là chân đũa trước thì hãy là chân đũa sau miễn sao đòn đánh ra được gọn gàng, chính xác, đầy sức mạnh.
Theo võ sư Xuân Tùng, đòn so đũa là tuyệt kỹ của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông và được đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ đúc kết từ cách đánh nhập nội sâu, cài, gài, tì, bẻ của môn phái.
Và, đòn đánh “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” này là tinh hoa của triết lý “chiêu thức hợi hại nhất là chiêu thức đơn giản nhất” mà sư phụ ông đã đúc kết.
Cũng theo võ sư Tùng, trước đây, khi dạy môn sinh, ngay những ngày đầu tiên đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ đã dạy học đòn hiểm này.
Theo võ sư Tùng, đây là đòn đánh nền tảng nên các võ sinh phải tập suốt đời để mỗi tình huống giáp chiến thì có một kiểu “so đũa” khác nhau, có khi là cả cánh tay, có khi chỉ là cùi chỏ.
“Thường thì cú đánh so đũa thường được… triển khai ở phần ngực, mặt đối phương, đánh ở tầm cao là hiệu quả nhất vì đối phương cũng chỉ thường nhắm mặt mình mà đánh.
Chỉ cần lắc, nghiêng người tránh cú đánh và nhân đối phương mất thăng bằng thì đều có thể hạ nốc ao bằng cú so đũa thần sầu”, võ sư Tùng giảng giải.
>> Xem thêm thông tin về Bí kíp võ công của các cao thủ võ Việt
Trận đấu để đời
Võ sư Phạm Xuân Tùng theo đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ học võ từ năm 1976. Võ sư Xuân Tùng bảo, ngoài những kỹ năng võ thuật ra thì ông còn học được ở thầy mình sự đức độ, khiêm nhường.
Sư phụ ông luôn dạy “thiên hạ nhân thiên hạ tài” nên không bao giờ có thứ võ công nào là thiên hạ vô địch. Người này giỏi còn có người khác giỏi hơn, ở đời hơn nhau là sự bao dung, nhẫn nhịn.
Võ sư Xuân Tùng biểu diễn Thái cực quyền.
Võ sư Xuân Tùng bảo, càng về sau này ông càng thấm thía lời dạy của sư phụ. Võ sư Xuân Tùng mưu sinh bằng nghề buôn bán.
Năm 1992, ông qua Cam-pu-chia để nhập “hàng thùng”. Nơi ông lấy hàng là chợ Mới, cách cửa khẩu Mộc Bài (Long An) chừng 50 cây số.
Đóng hàng xong thì có đám bốc vác tìm đến đòi bảo kê chuyện vận chuyển hàng. Tuy mới sang, đất khách quê người nhưng ông không chấp nhận việc “ăn chặn” trắng trợn đó. Hai bên xảy ra xô xát.
Hai tên mặt mày bặm trợn lao vào chực ăn tươi nuốt sống ông, thế nhưng bằng những động tác võ thuật, ông đã hạ đo ván cả hai. Thậm chí, tên vào sau dính tuyệt kỹ “so đũa” đã nằm thẳng cẳng.
Khi đám lưu manh gọi nhau đến truy sát thì cũng vừa lúc cảnh sát ập tới. Họ đưa tất cả về đồn cảnh sát và tổ chức… hòa giải, (Có lẽ uy thế của băng nhóm lưu manh kia quá lớn nên cảnh sát cũng phải dè chừng).
Sau buổi hòa giải, để giữ hòa khí và làm ăn lâu dài, ông đành nghiến răng để toán lưu manh kia chuyển hàng của mình ra tới cửa khẩu.
Mỗi chuyến ông đánh rất nhiều hàng và bán rền rĩ cả năm. Năm 1993, ông quay lại Cam-pu- chia lần thứ hai. Lần này thì ông đã gặp nạn.
Vừa đặt chân tới chợ Mới thì toán lưu manh lần trước đã vây lấy ông. Lần này, chúng dẫn theo một người đàn ông quốc tịch Thái Lan. Nhìn điệu bộ ông biết hắn ta vẻ là đại ca cầm đầu hoặc ít ra thì cũng là một người có vai vế trong băng nhóm này.
Người đàn ông ấy bảo, hắn đã chờ ông suốt một năm qua. Hắn muốn được cùng ông so tài cao thấp.
Hắn bảo, nếu hắn thua thì từ nay về sau đám đàn em sẽ bốc và chuyển hàng không công cho ông, còn nếu ông thua thì cứ theo luật cũ mà làm. Không còn đường từ chối nên ông đã nhận lời thách đấu.
Hai người quy định sẽ dùng khoảng thời gian là 3 phút để phân định thắng thua. Nhìn kiểu thủ thế ông biết đối phương là một cao thủ quyền Thái.
Võ sư Xuân Tùng kể, ông đã từng giao đấu với nhiều người, nhiều môn phái võ thuật khác nhau nhưng quyền Thái thì chưa bao giờ ông thử sức. Bởi thế, thấy đối thủ kỳ công đợi mình cả năm trời thì ông cũng thấy hơi nao núng.
Quần thảo nhau được chừng hai phút, lợi thế nghiêng hẳn về võ sư Xuân Tùng. Thấy đối phương chẳng có gì đặc biệt, ông đã quyết định kết thúc trận đấu.
Nhắm ngực đối phương ông tung cước quyết định. Thế nhưng, như biết được ý đồ của ông, bởi cao hơn nên võ sĩ người Thái đã co ống quyển lên chặn, tì chân ông xuống. Ra đòn hỏng ăn nhưng ông vẫn quyết định lao vào quyết hạ ngay đối thủ.
Thế nhưng, vừa bay người vào thì ông thấy trời đất quay cuồng rồi mắt mũi tối sầm. Sau khi hóa giải đòn đánh của ông, võ sĩ người Thái đã xoay người phang thẳng ống quyển rắn như thép vào ngực ông.
Cú đánh ấy quá mạnh khiến ông ngất lịm. Khi tỉnh dậy, thấy ngực mình nhói buốt, chẳng buôn bán gì nữa, ông thu dọn hành lý về nước.
Về nhà, thấy khó thở, thấy người khác lạ, đi khám ông thấy mình bị gãy mấy xương sườn và tràn dịch phổi. Bây giờ, ngực trái ông vẫn còn vết lõm, dấu tích của trận tỉ thí năm nào.
Mong ước bất thành
Hầu hết các môn phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đều có tên giống với các môn phái nổi tiếng của Trung Quốc, riêng Sơn Đông thì không.
Võ sư Phạm Xuân Tùng kể, khi thành lập môn phái, lên Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hà Nội đăng ký, đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ cũng không biết đích xác sư phụ mình thuộc môn phái nào.
Tuy nhiên, khi được hỏi, chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, ông lấy luôn tên môn phái là Sơn Đông để tưởng nhớ tới sư phụ mình, ông chủ gánh thuốc người Sơn Đông (Trung Quốc). Sau này, mãi tới năm 2001, môn phái mới lấy tên đầy đủ là Thiếu Lâm Sơn Đông.
Gia nhập môn phái, rồi mấy chục năm cận kề đại lão võ sư, võ sư Xuân Tùng luôn ước ao một ngày nào đó sẽ đến tỉnh Sơn Đông để tìm gốc tích môn phái cũng như thăm viếng gia quyến sư ông, võ sư Trần Vi Sìn.
Năm 2003, ông sang Quảng Châu đánh hàng điện tử. Tại đây, gặp gỡ nhiều võ sư nhưng tất thảy họ đều khẳng định Trung Quốc không có môn phái nào có tên là Sơn Đông.
Nhìn quyền cước ông đánh thì những võ sư ấy đều khẳng định công phu đó có dính dáng đến Thiếu Lâm.
Theo những võ sư này thì Sơn Đông thời phong kiến là mảnh đất nghèo khó, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Tội phạm, lục lâm thảo khấu cũng thường được chính quyền đày về nơi đó.
Đất khó, người dữ nên quan quân đồn trú ở đây cũng đều là bậc anh tài. Trải qua nhiều năm, tinh thần thượng võ, mê võ đã ngấm vào tất thảy người dân nơi đây.
Người ta bảo ở Sơn Đông, ra đường chạm mặt 3 người thì thấy 2 người biết võ, chạm mặt 5 người thì thấy 1 cao thủ.
Năm 2005, sau nhiều ngày chuẩn bị, ông quyết định lên đường tìm đến Sơn Đông. Thế nhưng, ở tỉnh rộng lớn giáp biển này, ông không thể nào tìm được tung tích cụ Trần.
Không tìm được tung tích sư ông, võ sư Xuân Tùng buồn bã quay về Quảng Châu. Và, cũng trong năm này, tại Quảng Châu có diễn ra một sự kiện võ thuật lớn thu hút nhiều võ sư nổi tiếng trong tỉnh.
Biết sự kiện trên có sự xuất hiện của các võ sư có gốc gác từ Sơn Đông, võ sư Xuân Tùng vội vàng tìm đến.
Tại sự kiện này, trước mặt nhóm võ sư quê gốc Sơn Đông, ông đã biểu diễn những bài võ đặc trưng của môn phái mà mình đã được học để những mong họ nhận ra võ ấy bản quyền của ai.
Xem ông biểu diễn, một lão võ sư lớn tuổi ra chiều đăm chiêu bảo, nếu không lầm thì nhà người này còn có một bài võ vô cùng cương mãnh. Nghe lão võ sư này nói vậy, võ sư Xuân Tùng đã nghĩ ngay đến bài “Hỗn nguyên” mà ông đã dày công khổ luyện.
Và, chỉ thi triển vài chiêu thức thì lão võ sư lớn tuổi kia khẳng định ông biết “cha đẻ” của những bài võ mà võ sư đến từ Việt Nam vừa biểu diễn. Tuy nhiên, biết thì cũng chẳng ích gì.
Theo lão võ sư này thì gia đình sở hữu những bài võ trên đã rời quê đi từ mấy chục năm trước và không ai biết họ đi đâu.
Ngay sau chuyến đi ấy, trở về Hà Nội võ sư Xuân Tùng đã kể lại toàn bộ câu chuyện cho sư phụ mình nghe. Hai thầy trò bàn nhau là sẽ đến Sơn Đông một lần nữa, dù không gặp người (con cháu sư phụ Trần) thì cũng thắp nén hương ở quê ông để tỏ lòng tưởng nhớ.
Tuy nhiên, sắp đến ngày lên đường thì đại lão võ sư lăn đùng ra ốm. Lịch lấy hàng đã định, võ sư Xuân Tùng vẫn phải lên đường.
Sang Quảng Châu được 3 ngày, chưa kịp đóng hàng thì ông thấy ruột gan như lửa đốt. Sốt ruột, ông vội vã về. Tới nhà thì được tin sư phụ ông mệt nặng. Hai ngày sau thì đại lão võ sư mất, thọ 90 tuổi.
Ngày đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ còn khỏe thì Thiếu Lâm Sơn Đông quy tụ được nhiều người tham gia và là một môn phái mạnh của làng võ phía Bắc. Khi đại lão võ sư mất, nội bộ môn phái có nhiều biến động, anh em ly tán nên võ phái yếu dần.
Võ sư Xuân Tùng bảo, đã mấy phen ông cùng với mấy anh em tâm huyết gây dựng lại võ phái, tuy nhiên, bởi nhiều lý do nên việc lớn ấy bất thành.
Đam mê võ thuật, không muốn những tinh hoa võ thuật của đại lão võ sư thất truyền nên năm 2011, võ sư Xuân Tùng đã quyết định thành lập võ phái mới trên nền tảng Thiếu Lâm Sơn Đông.
Sơn Đông Lạc Hồng là tên của võ phái mới ấy và hiện do võ sư Xuân Tùng làm chưởng môn.
Tuyệt kỹ so đũa của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông