Liên quan đến dự án Luật Căn cước công dân vừa được Quốc hội thảo luận, chiều 24/6, lãnh đạo Tổng cục VII (Bộ Công an) đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin rõ hơn xung quanh đề án cấp CMND mới 12 số, mã số công dân (mã số định danh cá nhân) và việc đổi tên Chứng minh nhân dân (CMND) thành Thẻ căn cước công dân.
Tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội thể hiện sự đồng tình với các đại biểu Quốc hội trong việc giữ nguyên tên gọi CMND thay vì gọi là thẻ căn cước công dân. Theo ông Vệ, tên gọi CMND đã được sử dụng trong nhiều các giao dịch dân sự, thể hiện trên các loại giấy tờ như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, hộ khẩu, thẻ ngân hàng... nên khi xây dựng dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã đề xuất giữ nguyên tên gọi CMND để tránh gây ra những xáo trộn.
Liên quan đến vấn đề này, cũng đã có ý kiến đề xuất tạm dừng cấp CMND 12 số cho tới khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (dự kiến năm 2016) thì cấp đổi CMND 9 số thành thẻ căn cước công dân luôn để tránh việc phải thay đổi giấy tờ nhiều lần.
Tuy nhiên, tướng Trần Văn Vệ cho hay: Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý CMND. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Công an đã lập đề án đề triển khai cấp CMND mới 12 số tại 15 địa phương. Những địa phương này đều đã xóa bỏ công nghệ cấp, quản lý CMND 9 số cũ kỹ.
Theo vị tướng này, thẻ căn cước công dân và CMND mới 12 số chỉ khác nhau về tên gọi nên nếu dừng việc cấp CMND lại thì trên hệ thống cũng đang tồn tại một số lượng lớn thông tin CMND 12 số. Nên chăng chỉ cần dùng tên CMND, không dùng tên thẻ căn cước nữa thì khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực cũng vẫn chỉ có CMND 9 số và 12 số, tới năm 2020 sẽ cấp toàn bộ CMND 12 trên cả nước.
Theo ông Vệ, CMND 12 với cấu trúc 12 số sẽ đảm bảo đủ kho số cấp cho toàn bộ công dân Việt Nam trong thời hạn 500 năm mới phải tính toán việc quay vòng số cũ. Được biết, để chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đang sử dụng hệ quản trị cơ sơ dữ liệu của Công ty Oracle (Mỹ), hãng IBM (Mỹ) cung cấp hệ thống máy chủ và hệ quản trị dữ liệu vân tay của hãng Cogent (Mỹ).
Theo thống kê của Tổng cục VII, cho đến ngày 23/6, Bộ Công an đã cấp được 218.000 CMND mới trong đó: Hà Nội cấp 211.600 CMND, Hải Phòng gần 4.000 CMND, Thái Bình 512 CMND, trung tâm CMND quốc gia cấp 2.000 CMND. Theo kế hoạch từ nay tới cuối năm 2015, Bộ sẽ cấp tại 7 tỉnh phía Bắc bao gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và 3 địa phương phía Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh.
Sự bất cập nếu tiếp nối quản lý hệ CMND 9 số
Theo Thiếu tướng Trần văn Vệ, 3 con số đầu tiên trong dãy 9 số của CMND cũ thể hiện nơi đăng ký thường trú của công dân, 6 số tiếp theo là thứ tự để cấp cho công dân khi làm CMND. CMND 9 số chưa có quy định về quản lý đối với các công dân sinh ra tại nước ngoài nên nếu quy định thêm vào sẽ không đủ khoảng số để quy định đối với tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
“Suốt một thời gian dài, công dân thay đổi nơi thường trú thì cơ quan công an lại phải cấp lại số CMND mới, dẫn tới tình trạng rất nhiều người sở hữu 3-5 số CMND. Ở những địa phương có số dân số đông như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, chỉ một thời gian nữa sẽ không còn số để cấp”, tướng Vệ nói.
Còn Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và quản lý dữ liệu dân cư quốc gia (Tổng cục VII) khẳng định: Nếu giữ lại kho CMND 9 số sẽ dẫn tới tình trạng không đồng bộ hóa khi phải phân chia, quản lý kho số giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ngành liên quan sau này.