“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, chứ không nhằm vào nước khác và không bao giờ đi xâm lấn bờ cõi của nước khác. Chúng tôi xây dựng quân đội mạnh nhằm bảo vệ hòa bình, để ai có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cũng phải tính đến nhân tố này” - đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.Giải thích cho việc mua 6 tầu ngầm, đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Việc làm bình thường này của chúng tôi rất công khai và minh bạch như tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn báo chí trong nước”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-la 10.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng khẳng định Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Liên quan đến những diễn biến gần đây, đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: hiện ở biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Vùng biển này chưa phân định được nên thỉnh thoảng trên biển Đông vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Không chỉ có vụ việc ngày 26/5 (vụ tàu Bình Minh 02) vừa qua mà vào năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ báo cáo với Liên Hiệp Quốc về đường ranh giới ngoài của thềm lục địa, tàu của Việt Nam cũng bị tàu của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Ngoài ra còn có các vụ Trung Quốc bắt tàu cá, ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí ở biển Đông trong vùng đặc quyềnkinh tếcủa Việt Nam.“Những vụ việc như vậy vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực” - đại tướng nhấn mạnh.
Bản đồ "đường chín khúc" mà Trung Quốc tuyên bố là tranh chấp đa phương.
Về việc hoạch định vùng đánh cá cho ngư dân, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn tuân theo Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và hướng dẫn khu vực đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho ngư dân. Tuy nhiên, đôi khi ngư dân Việt Nam cũng vi phạm vùng biển của các nước xung quanh và ngư dân các nước vi phạm vùng biển của Việt Nam.
“Đối với những vụ việc này, chúng tôi cho rằng cần xử lý theo luật pháp quốc tế, theo tinh thần láng giềng hữu nghị và nhân đạo, chứ không được xâm phạm thân thể và tài sản của ngư dân. Chúng tôi cũng thấy cần phải có hợp tác chặt chẽ về nghề cá giữa các nước, có tuần tra chung của hải quân, thiết lập đường dây nóng để duy trì an ninh trật tự trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn” - ông nói.
Hằng năm vào mùa cá sinh sản, Trung Quốc thường ban hành lệnh cấm đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá vào cả vùng biển của Việt Nam. “Đây là việc làm chúng tôi không đồng tình và đã phản đối qua đường ngoại giao” - đại tướng nêu rõ.Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam cũng chủ trương những tranh chấp song phương ở biển Đông thì giải quyết song phương, những tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương. Ví dụ như “đường chín khúc” mà Trung Quốc tuyên bố là tranh chấp đa phương. “Đường chín khúc này không có cơ sở pháp lý, không đúng với UNCLOS 1982. Trung Quốc cần đàm phán giải quyết với các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, trên tinh thần hữu nghị đưa ra giải pháp công bằng hợp lý mà các bên có thể chấp nhận, để đạt được mục đích hòa bình và phát triển trong khu vực” - đại tướng nhấn mạnh.
Theo VnMedia.vn