Vi phạm luật pháp quốc tế
Ngày 26/11, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo xác nhận, tàu Hải đăng 05 của công ty bị hai tàu hải cảnh số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa vào ngày 13/11.
Cụ thể, theo tường trình của thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga và các thuyền viên, từ 11g - 13g ngày 13-11, khi tàu Hải Đăng 05 đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây thì bị các tàu Trung Quốc vây ép, chĩa súng thẳng vào tàu Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay:
Sự việc này xảy ra tại khu vực biển các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đã xây dựng trái phép các đảo này thành các đảo nhân tạo, đồng thời, mục đích âm mưu lưu dài biến thành các căn cứ quân sự.
"Với bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 thì không có khu vực 12 hải lý mà đây là vùng biển quốc tế, tất cả các tàu, kể cả tàu chiến đều có quyền đi qua đây.
Việc tàu Hải đăng 05 đi qua khu vực biển đó là quyền của Việt Nam, chưa nói đến, các bãi đá này đều thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Hành động của các tàu hải cảnh, tàu chiến của Trung Quốc tiến hành vây ép, thậm chí, mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05 là vi phạm luật pháp quốc tế.
Không những thế, ở đây, hành động của tàu Trung Quốc cũng đã vi phạm vào tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.", tướng Rinh nêu.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc đang đe dọa tàu Hải Đăng 05 - Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp (Tuổi trẻ).
Tướng Rinh cũng bày tỏ sự lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược này của các tàu Trung Quốc đối với tàu của Việt Nam đang làm công tác nhân đạo.
"Chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành động vi phạm luật pháp quốc tế này của Trung Quốc và Người phát ngôn Bộ Ngoài giao cũng cần cung cấp rõ thông tin cho nhân dân Việt Nam, thế giới, đồng thời, tỏ rõ phản đối những hành động này.
Đồng thời, yêu cầu không được tái diễn những hành động trên. Và dù Trung Quốc có những hành động ngang ngược, sử dụng vũ khí để đe dọa nhưng chúng ta vẫn kiềm chế, thực hiện đúng quy định của luật pháp quốc tế để giữ gìn hòa bình, ổn định", tướng Rinh nhấn mạnh.
Hành động của Trung Quốc luôn trái ngược với lời nói
Cùng với đó, tướng Rinh cũng nhìn nhận thực tế, mặc dù Trung Quốc có những lời nói bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình, "dân tộc có gen hòa bình"... nhưng đi kèm đó là các hành động hoàn toàn trái ngược.
"Chúng ta luôn coi Trung Quốc là một nước láng giềng, đối tác và tôn trọng họ nhưng trên thực tế, trong những vấn đề còn tranh chấp giữa hai nước, họ lại luôn không nhất quán, lời nói với hành động không đi cùng với nhau.
Những lời nói, tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc dường như đều thể hiện sự mị dân nhưng sau đó, lời nói lại không đi cùng với việc làm", tướng Rinh cho biết thêm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cũng chia sẻ, thời kỳ ông còn công tác tại Bộ Quốc phòng thường xuyên tiếp nhận các thông tin về các hành động ngang ngược của Trung Quốc và sau đó, các thông tin này đều được thông báo rõ cho nhân dân biết.
"Trước đây, đã nhiều lần tàu tiếp tế của chúng ta đưa hàng ra các đảo và tàu Trung Quốc vẫn liên tục bám sát, theo dõi nhưng chúng ta vẫn thực hiện đúng quyền của mình theo luật pháp quốc tế.
Những lần Trung Quốc tấn công các tàu cá hay cắt cáp tàu thăm dò của chúng ta... thì Việt Nam đều lên án mạnh mẽ, phản đối, đưa thông tin chính xác tới cộng đồng quốc tế", tướng Rinh cho hay.
Tướng Rinh cũng kịch liệt phản đối ý kiến cho rằng, những hành động ngang ngược này của Trung Quốc chỉ là "tiểu cục" hay do "địa phương" mà không phải là "đại cục" hay có chỉ đạo từ "trung ương".
"Theo quan điểm của Trung Quốc thì các hành động ngang ngược trên Biển Đông như hành động trên là tiểu cục do địa phương chỉ đạo chứ không phải từ Trung ương.
Nhưng theo tôi, một đất nước, một quân đội hay một hành động gì trên Biển Đông thì không thể không có sự được phép của chính quyền cấp cao.
Ngay như sự việc tàu chiến 995 của Trung Quốc vây ép, đe dọa tàu Việt Nam, tôi không rõ là ở đơn vị nào nhưng cũng phải có chỉ huy chỉ đạo xuống mới được làm như vậy.
Do đó, không thể tùy tiện được mà phải có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao", tướng Rinh đánh giá.
Một lần nữa, tướng Rinh cũng đề nghị, các cơ quan chức năng của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao cần lên tiếng, phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược này của phía Trung Quốc và yêu cầu không được tái diễn.