Bộ tộc người Mảng chỉ duy nhất có ở Lai Châu, họ cư trú trên địa bàn 20 bản của 8 xã thuộc huyện Sìn Hồ và Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Truyền thuyết khâu miệng
Tục xăm cằm của người Mảng bắt nguồn từ truyền thuyết về thần Chông Gô Chươi Lụa. Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa ở bản Mảng nọ có đôi vợ chồng trẻ chịu thương, chịu khó, biết thương yêu nhau và sống rất hạnh phúc.
Người Mảng với tục xăm cằm.
Họ lấy nhau thấm thoát đã hai mùa lúa mới đi qua, chị vợ mang thai và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Nhưng cũng từ khi sinh con chị vợ lại sinh thêm căn bệnh lười, tham lam và ngoa ngoắt. Mọi công việc nặng nhẹ chị đều dồn hết lên vai người chồng, nhà có gì ngon chị ta ăn bằng no, bằng chán mà không để ý đến chồng. Đã thế mỗi khi không hài lòng chị ta lại lu loa, đay nghiến, ăn vạ ầm ĩ...
Mặc dù gia đình và dân làng đã nhiều lần khuyên bảo, nhưng chị vợ không những không nghe mà còn quá quắt hơn. Một hôm đứa con nhỏ bị ốm, không chịu ăn gì. Chị vợ sai chồng ra suối bắt cá. Dù đã rất cố gắng nhưng đến tối về anh chồng cũng chỉ bắt được mấy con cá, con cua bé tí. Thấy vậy chị vợ cất tiếng mắng chửi chồng thậm tệ.
Bực bội và tủi thân nên anh chồng bỏ ra bờ suối ngồi ôm mặt khóc than cho thân phận. Anh kể nỗi khổ của mình với trời đất, và cầu xin cho người vợ thay đổi tính nết để gia đình được sống hạnh phúc như trước đây...
Làm lễ cúng trước khi xăm cằm
Khi anh chồng đang ôm mặt khóc, bỗng thần Chông Gô Chươi Lụa hiện ra, ôn tồn hỏi: Có chuyện gì? Sao trời đã tối mà con còn ngồi đây khóc? Người chồng liền đem hết sự tình kể cho vị thần nghe. Nghe xong, thần Chô Gô Chươi Lụa bảo: Con về lấy 2 chiếc lá xanh cắm ở hai đầu cầu thang rồi lấy kim khâu bớt miệng vợ con lại.
Trước khi về nhà, thần Chô Gô Chươi Lụa còn đưa cho anh chồng một sợi dây đen và dặn thêm: Con bảo với vợ con, nếu không nghe theo sau này chết sẽ không được đi qua cổng trời và phải chịu hình phạt cực hình.
Tình yêu không cần bịt miệng
Theo lời dặn, về nhà anh chồng lấy 2 chiếc lá xanh cắm ở 2 đầu cầu thang và dùng sợi dây mà thần Chô Gô Chươi Lụa đưa cho để chuẩn bị khâu miệng vợ. Về phía chị vợ, từ khi biết chuyện thì khiếp sợ không dám hé răng cãi câu nào.
Lúc này chị ta mới thấy ân hận. Vốn sẵn lòng thương yêu vợ, anh chồng không đành lòng khâu miệng vợ như lời thần dặn. Anh bảo vợ: Nếu nàng hứa từ nay chừa những thói hư tật xấu thì ta sẽ có cách để nàng không bị khâu miệng. Sau khi chị vợ hứa sẽ thay đổi, anh chồng bèn dùng kim châm thành từng lỗ xung quanh miệng vợ. Sau đó anh lấy lá cây chàm dùng để nhuộm vải giã nát bôi lên những vết kim châm giả làm những vết chỉ đen.
Xăm cằm khi đến tuổi trưởng thành.
Từ sau hôm đó, chị vợ đã thay đổi hẳn tính nết, biết kính yêu cha mẹ, chịu thương, chịu khó, nhường nhịn chồng, con, sống chan hòa với mọi người. Cũng từ đấy, đôi vợ chồng trẻ trở lại những ngày sống hạnh phúc như khi mới cưới.
Thấy cuộc sống của đôi vợ chồng kia ngày càng hạnh phúc, người dân trong bản ai nấy đều vui mừng và mong muốn con cái mình khi lớn lên cũng có cuộc sống viên mãn như đôi vợ chồng kia.
Nhớ lời của thần Chô Gô Chươi Lụa, mong được thần che chở, giúp đỡ nên dân làng cũng học theo cách làm của người chồng. Lâu dần việc làm đó trở thành tục xăm cằm.
Trải qua sự kết tinh của thời gian cùng với những quan niệm về tâm linh vốn có trong cuộc sống thường ngày, tục xăm cằm của người Mảng đã trở thành nét văn hóa tâm linh độc đáo và là nghi lễ không thể thiếu đối với mỗi thanh niên, nam nữ người dân tộc Mảng khi đến tuổi trưởng thành.
Theo lý giải của các cao niên dân tộc Mảng, tình yêu của anh chồng đã chiến thắng cả lệnh của thần linh. Tình yêu không cần bịt miệng, miệng phải được mở để nói những lời yêu thương.
Quan niệm bí ẩn
Theo quan niệm của người Mảng, xăm cằm không chỉ nhắc nhở đến bổn phận của người vợ, người chồng mà còn là sự thiêng liêng, tôn kính. Hình xăm trên cằm mỗi người không chỉ thể hiện cho sự trưởng thành của người đó mà nó còn thể hiện tín ngưỡng tâm linh.
Hình xăm trên cằm mỗi người không chỉ thể hiện cho sự trưởng thành của người đó mà nó còn thể hiện tín ngưỡng tâm linh.
Theo quan niệm của người Mảng, xăm cằm biểu tượng cho sức mạnh của đấng tối cao, là sự che chở, giúp đỡ cho con người chống lại những rủi ro, tai kiếp của thiên nhiên và cầu mong về một đức tính hiền dịu, đảm đang của mỗi người.
Nó thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ, trách nhiệm hơn trong hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Đồng thời, nó cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm, niềm tự hào của bậc làm cha, làm mẹ đối với các thành viên. Bất cứ người Mảng nào, khi trưởng thành nếu không xăm cằm, ngoài việc không khẳng định được sự trưởng thành của mình, khi chết sẽ không qua được cổng trời.
Người không có hình xăm, khi chết hồn sẽ không được nhập cùng dòng họ mà phải đi lang thang. Người không có hình xăm, nếu muốn vào cổng trời sẽ phải chịu hình phạt, hồn sẽ phải đeo một cái cối giã gạo to mà quai đeo được làm bằng một con rắn hổ mang quanh cổ và phải đi qua cây cầu nhỏ làm bằng một cây gỗ bắc qua một khe sâu không có tay vịn...
Với những quan niệm tâm linh đó, thanh niên dân tộc Mảng khi đến tuổi trưởng thành (từ 12 - 18 tuổi) đều được các cao niên có uy tín hay bố mẹ nhắc nhở và tổ chức xăm cằm theo một nghi lễ chứa đựng những bí ẩn không thể lý giải.
Theo Trần Hòa
Bee.net