Là cán bộ về mảng LGBT của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường iSEE, đồng thời cũng là một người đồng tính nam công khai, Lương Thế Huy không nhớ, trong điện thoại của mình đã có bao nhiêu số mà Huy viết tắt bằng cụm từ DICT (tạm đặt là nạn nhân).
Đó là trường hợp các bạn trong cộng đồng LGBT gọi tới bị bạo hành hay gặp vấn đề gì đó. Mỗi lần những số điện thoại bắt đầu bằng cụm từ ấy xuất hiện, Huy lại ngần ngại khi bắt máy. Nhưng vì bổn phận, vì trách nhiệm của một cán bộ về mảng LGBT của iSEE, Huy luôn ưu tiên cho những số điện thoại này.
“Điều quan trọng nhất bởi vì bên kia đầu dây không chỉ là cuộc gọi mà bên kia đầu dây còn là một con người. Và đó không chỉ là tín hiệu điện thoại, đó còn là tín hiệu của sự sống, tín hiệu của sự hi vọng mà mình đang là người nắm giữ sự hi vọng đó”, Huy chia sẻ.
Và Huy bắt đầu bằng câu chuyện là góc khuất của những người sống trong thế giới thứ ba, những câu chuyện mà mỗi lần kể lại đều khiến Huy thấy buồn.
Đó là câu chuyện của bạn Thanh Vân (Hải Phòng) yêu bạn Hương Nhung (Sài Gòn). Khi Vân bị gia đình phát hiện mình bị đồng tính và yêu người cùng giới, Vân đã chạy trốn khỏi sự kìm kẹp của gia đình. Huy là người đã dẫn Vân tới nhà tạm lánh của Trung tâm hội phụ nữ. Một thời gian sau đó, việc gia đình đưa Vân trở về với sự “kìm kẹp” và Vân lại chạy trốn khỏi gia đình đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
“Cho tới lần cuối cùng tôi nhận được một số điện thoại từ Singapore và tôi rất bất ngờ khi đó lại là Vân. Cuộc điện thoại rất lâu. Đó là những tâm sự chất chứa của Vân kể về việc bạn được gia đình đưa ra nước ngoài như thế nào, những khó khăn khi bạn ở Singapore, bạn bị lừa và… bị hiếp dâm. Vân cũng nói rất nhớ người yêu của mình ở Việt Nam. Đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng tôi nghe được từ Vân. Từ đó tới nay tôi không nhận được cuộc điện thoại nào từ Vân nữa”, Huy buồn khi kể chuyện của Thanh Vân.
Trong một nghiên cứu về trẻ em đồng tính đường phố, khi phỏng vấn việc các em hủy hoại, tự làm hại bản thân, Huy đã nghe được không ít các câu chuyện đau lòng.
“Các em kể là các em dùng dao lam hay đầu thuốc lá châm vào thể. Bởi vì các em nói, khi cảm thấy đau khổ, các em dùng dao lam cứa tay, nhìn thấy dòng máu chảy ra các em thấy rất thoải mái. Đó là lúc tôi hiểu, nỗi đau về thể xác có thể làm chết một con người đang sống nhưng nỗi đau về tinh thần có thể làm một con người đang sống mà như đã chết. Khi đó người ta dùng nỗi đau về thể xác để bù lấp lại sự khắc khoải về tinh thần. Em mà tôi phỏng vấn đã chỉ cho tôi những vết châm, những vết cứa trên cơ thể và nói rõ: vết này là lần cãi nhau với mẹ, vết này là lần em giận người yêu… Đó là lần đầu tiên trong đời tôi có ý niệm: Nỗi đau cũng là danh từ có thể đếm được”, Huy kể lại câu chuyện mà mình đã trực tiếp nhìn, trực tiếp nghe trong thế giới của các em đồng tính nhưng không được sống với chính mình.
Đó là tâm sự chát đắng của một bạn chuyển giới nam. Bạn ấy kể chuyện là ra đường chào mẹ nhưng mẹ không dám nhận con, giống như gia đình đã bỏ bạn ấy. Và lúc đó, người bạn chuyển giới nam ấy chỉ muốn tự tử.
Hay những phát ngôn chất chứa tâm trạng của một bạn chuyển giới nữ: “Cuộc đời em không bao giờ lên xe hoa mà chỉ có thể lên xe tang mà thôi” hay: “Hát đám ma cho người ta nhưng không biết tới đám ma mình có ai hát cho không?”.
Tất cả những tâm sự ấy đều khiến Huy thấy nặng trĩu trong lòng.
“Gần đây tôi gặp một bạn nữ tên Thanh. Bạn ấy bị gia đình từ bỏ từ sớm và phải tự lập trong cuộc sống của mình. Thanh yêu một bạn nữ khác tên Trang. Khi bị gia đình Trang phát hiện, họ đã kiên quyết đưa Trang về quê và cắt đứt liên lạc giữa hai người. Nhưng Thanh vẫn có gắng tìm về quê để được gặp Trang. Gia đình Trang biết và đã có những đáp trả về mặt bạo lực.
Sau đó, Thanh đã có những phản ứng tiêu cực. Một đêm tôi nhận được tin nhắn của Thanh với nội dung: “Anh nhắn giùm em, có được tình yêu của Trang là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời của em. Em không cần gì hơn nữa, mong Trang ở lại sống tốt. Qua kiếp sau em sẽ cố gắng là người đàn ông thực sự để yêu Trang và được gia đình Trang chấp nhận. Cảm ơn anh thời gian qua đã giúp đỡ em. Em đi trước. Em chào anh”.
Sáng hôm sau, tin nhắn tiếp theo tôi nhận được là từ hàng xóm của Thanh và nói là Thanh đã tự tử”, mặc dù có “thâm niên” gỡ rỗi câu chuyện của nhiều bạn trong cộng đồng LGBT nhưng khi kể lại câu chuyện của Thanh, có lúc giọng Huy cũng nghẹn lại.
Lúc đó, Huy chợt nhớ Thanh đã từng nói: “Chỉ khi nào pháp luật thừa nhận Hôn nhân đồng tính thì bọn em mới có lý lẽ để đấu tranh cho tình yêu của mình”.
“Pháp luật có thể có tác động và thay đổi như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của các bạn?”, đó là câu hỏi mà cá nhân Huy đặt ra.
Tất nhiên trong rất nhiều trường hợp mà Huy tham vấn, cũng có trường hợp tham vấn mang lại kết quả tốt. Đó là trường hợp một bạn đồng tính nam muốn công khai với gia đình nhưng không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu để mọi người hiểu. Qua những lần nói chuyện với Huy, người bạn đồng tính nam ấy đã có được sự ủng hộ từ mẹ.
“Đó là những trường hợp vui vẻ hiếm hoi từ những số điện thoại mang tên DICT hiện lên mà tôi thấy thoải mái khi tiếp nhận”, Huy bộc bạch.
Qua thực tế công việc, qua những trải nghiệm của bản thân, Huy nhận thấy: “Đa phần các cuộc điện thoại gọi tới tôi tư vấn càng ngày càng ít. Có thể họ đã tìm được hạnh phúc của mình, có thể họ đã giải quyết được vấn đề của bản thân, cũng có thể họ đã tìm được giải pháp khác mà tôi không phải là giải pháp duy nhất và hữu dụng cho họ nữa, cũng có thể họ đã không có cơ hội để gọi cho tôi…”.
Công khai mình là người đồng tính nam đồng thời hoạt động khá tích cực cho hôn nhân đồng giới, Lương Thế Huy luôn mong muốn: “Trên rất nhiều con đường mà người ta đi tiếp, tôi rất mong sẽ có con đường gọi tên là “Đường về nhà”. Và tôi tin, với mọi nỗ lực của mình thì xã hội, mọi người hay tình người sẽ giúp con đường về nhà ngắn hơn, bớt gập ghềnh hơn và tươi sáng hơn. Và thực tế, có rất nhiều tín hiệu cần có sự hồi đáp”.
Tên nhân vật và địa chỉ của nhân vật được kể đã thay đổi.