Theo đó, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Trước đó, tại buổi thảo luận về Luật thủ đô, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, để quản lý tốt dân cư nội thành thì cần có điều kiện nhập khẩu. Quy định này để đảm bảo cuộc sống cho người nhập cư và người đang sống, phù hợp với quy mô dân số theo quy hoạch. Ông cũng cho rằng, những người lao động tự do vẫn hoạt động bình thường, sinh sống tạm trú, mà không nhập khẩu.
"Tâm lý những người ở tỉnh ngoài muốn về thủ đô cũng là bình thường, nhưng vì lợi ích chung của thủ đô thì phải chấp nhận điều kiện tương đối. Chính quyền không thể cấm máy móc, cũng không thể mở hoàn toàn", ông Nghị khẳng định.
Luật thủ đô mới cũng cho phép Hội đồng nhân dân Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20).
Tuy nhiên, trong Luật thủ đô không quy định nội dung cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.
Luật thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.