TS. Vũ Ngọc Hoàng: "Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo"

TS.Vũ Ngọc Hoàng |

Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ vừa đưa ra những con số rất đáng suy ngẫm về sự phát triển của đất nước.

Sáng nay (18/6) đã diễn ra Hội thảo Quốc gia do Hội nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức.

Với chủ đề "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm, trong hội thảo, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ đã đưa ra những con số rất đáng suy ngẫm về sự phát triển của đất nước. 

Ông nhấn mạnh: Đây là ý kiến cá nhân của mình và mong rằng báo chí cách mạng Việt Nam không thể đứng ngoài "câu chuyện này":

"Nước ta, sau gần 30 năm công nghiệp hóa, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo tôi có thể nói là chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn.

Năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapore.

Hiệu quả đầu tư chỉ bằng một nửa so với các nước, cũng tức là mất mát hoặc lãng phí quá nhiều.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương. Ảnh: Việt Dũng - Tuổi trẻ.

Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD.

Còn Việt Nam theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025 sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3000 USD (tính theo giá 2005).

Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn Việt Nam ta già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là cả đời vẫn nghèo, không ngóc lên được.

Trước khi Đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1,3 lần so với Việt Nam, đến nay chỉ số ấy đã lên trên 3,5 lần, tức là tiềm lực kinh tế của Trung Quốc mạnh lên gấp bội so với trước đây.

Từ đó các sức mạnh khác của họ cũng tăng lên nhiều.

Khoảng 50 năm trước, Hàn Quốc và Việt Nam có trình độ phát triển tương tự nhau, sau chiến tranh 1953, họ là nước nghèo nhất thế giới, có lúc bị đói phải ăn vỏ thông, vậy mà đến nay kinh tế Hàn Quốc đã bỏ Việt Nam rất xa, đến mức không tưởng tượng nổi.

Đến nay đã có hơn 10 vạn người Việt Nam sống ở Hàn Quốc, và hơn 10 vạn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam (năm ngoái tôi có nói con số này là 9 vạn, năm nay đã phát triển lên trên 10 vạn).

Nhưng khác một điều: Người Hàn Quốc làm ông chủ ở Hàn Quốc và làm ông chủ kể cả ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì làm thuê ở Hàn Quốc và làm thuê cả ở Việt Nam...

Những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, không thể giấu đi, mà phải chỉ rõ và tìm cho ra nguyên nhân, kể cả nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, từ đó mà xác định các giải pháp hữu hiệu để thoát ra, để tiến lên.

Làm được như vậy mới hoàn thành sứ mệnh đối với dân tộc và do đó mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phải đổi mới một cách căn bản và đúng hướng mới giải quyết được tình hình tụt hậu hiện nay, mới chống được tham nhũng, lợi ích nhóm.

Vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình thấp mà nước ta đang rơi vào và tránh nguy cơ chệch hướng sang “CNTB thân hữu”, - một sự tha hóa nguy hại đất nước và suy đồi văn hóa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại