Ts. Nguyễn Xuân Thủy: “Bí thư Hoàng Trung Hải nói chưa thật chính xác”

Xuân Tùng (Thực hiện) |

“Tôi cũng đồng ý với ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội là quản lý tốt thì ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm nhưng không thể chiếm 30% được…”, Ts. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông trao đổi với PV Infonet.

- Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ vấn đề về hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức báo động vì từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn.

Ông Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, để giải bài toán trên không nên chỉ nhìn vào hạ tầng mà phải chú trọng vào công tác quản lý và nếu làm tốt, đồng bộ, có thể giải quyết được 30% các vấn đề nóng về giao thông vận tải hiện nay.

Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, việc này muốn nói được định lượng như vậy phải có một quá trình theo dõi, nghiên cứu lâu dài, có sự thống kê, giám sát rất chặt chẽ.

Bây giờ nói ùn tắc và tai nạn do quản lý kém và sự yếu kém này chiếm tới 30% theo tôi thì chưa chính xác, chưa đúng thực tiễn.

Bởi vì quản lý của chúng ta hiện nay là đã cố gắng lắm rồi.

Từ công an đến thanh tra giao thông đến chính quyền thành phố, Bộ Giao thông vận tải đến Ủy ban An toàn giao thông… đều đã có sự phối hợp và thường xuyên ra quân để phân luồng, phân làn, giám sát việc sử dụng bia rượu, mũ bảo hiểm…

Do vậy, việc nói rằng quản lý chiếm 30% là không chính xác. Phải thừa nhận yếu tố quản lý là quan trọng nhưng chiếm tới 30% là quá cao.

Qua thực tế quan sát tại một ngã tư sẽ thấy khi đèn đỏ bật lên mọi người bắt đầu dồn lại, dòng xe bị ùn ứ kéo dài. Trong khi đó đường thì hẹp, nhiều ngã tư không có cầu vượt dẫn đến việc các phương tiện chen chúc nhau.

Hoặc là có những nơi người ta đang thi công như đường Nguyễn Trãi hoặc Xuân Thủy lòng đường quá hẹp, buộc các phương tiện phải dồn nén nhau và do người ta muốn đi đến cơ quan đúng giờ cho nên buộc phải cố chen lấn.

Vậy cái đó do đâu, có phải do tổ chức không?

Tôi cho rằng công an dù có bao nhiêu người đi chăng nữa cũng không làm được vì dòng xe như vậy, hơn nữa nhiều nơi mật độ đi lại tăng 200-300% so với mặt đường, hạ tầng cho nên giống như dòng nước đi qua cống, cống quá hẹp buộc phải ứ đọng lại.

Cái này cũng không phải do tổ chức được. Muốn dòng nước chảy cống phải mở rộng ra cũng như hạ tầng phải phát triển lên phải hiện đại hóa lên.

So sánh hạ tầng của chúng ta với một thành phố khác tương tự như Maxcova (Nga) cũng trên 10 triệu người nhưng đường người ta rộng.

Người ta có 300km tàu điện ngầm và hàng trăm km ô tô buýt. Tuy nhiên chúng ta chỉ có 1.000 xe buýt chưa bằng số xe buýt của Maxcova, trong khi đó đường sắt đô thị rất phát triển, cách đây 30-50 năm.

Như vậy, theo tôi nguyên nhân rất quan trọng là hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng của ta quá yếu kém.

Còn khi chúng ta đã có nền tảng hạ tầng tốt, phương tiện giao thông công cộng khá phát triển thì việc quản lý sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả và khả thi hơn.

Do đó, việc bảo do quản lý là chính thì chưa thật chính xác. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy là quản lý tốt thì ùn tắc và tai nạn sẽ giảm nhưng không thể chiếm 30% được.

Theo tôi việc quản lý chỉ có hiệu quả từ 15-20%, còn 60-70% vẫn do hạ tầng giao thông công cộng. Khi hai yếu tố này phát triển lên thì vấn đề ùn tắc và tai nạn sẽ giảm ngay, văn hóa giao thông cũng sẽ nâng lên ngay.

- Tuy nhiên, trên thực tế, cách đây mấy năm khi đó đường phố cũng ùn tắc trầm trọng, Hà Nội đã tiến hành phân làn, phân luồng hoặc gần đây nhất là cử cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động… xuống đường điều tiết giao thông, việc ùn tắc đã giảm.

Ông nói sao về việc này?

Nếu nói phân luồng, phân làn hay cảnh sát giao thông thì chỉ làm cái này trên nền tảng của hạ tầng thôi.

Nếu thời gian qua, những năm 2012-2013, Hà Nội và TPHCM không xây thêm ở mỗi thành phố hàng chục cầu vượt nữa thì công an có đứng ở ngoài đường bao nhiêu cũng chịu.

Vì các ngã tư, các dòng phương tiện xung đột nhau thì không có cách nào giải quyết được. Công nhận nếu công an túc trực thường xuyên, việc quản lý tốt hơn thì sẽ giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, việc phân luồng cũng đã thất bại. Phân luồng 4-5 năm mất hơn 20 tỷ đồng cuối cùng lại phải bỏ đi. Thực ra chúng ta đã thất bại trong việc phân luồng.

Tôi không phủ nhận việc quản lý. Việc quản lý rất quan trọng. Thật ra giao thông đô thị phải có 5 trụ cột. Thứ nhất là hạ tầng. Thứ hai là giao thông công cộng.

Thứ ba là quản lý nhà nước. Thứ tư là vấn đề giảm bớt mật độ trong đô thị bằng cách giảm bớt xây dựng các nhà cao tầng trong đô thị. Thứ năm là giáo dục văn hóa giao thông.

5 cái trụ cột đó không thể thiếu cái nào cả nhưng nếu bảo quản lý là chính thì tôi cho rằng không đúng.

Nếu một thành phố có hệ thống giao thông công cộng, hệ thống hạ tầng lạc hậu thì quản lý cũng chịu thôi vì nó nằm trong một tình thế ma trận khép kín các công trình kiến trúc và các dòng xe đan chéo nhau thì anh quản lý kiểu gì cũng không làm được.

- Ông vừa cho rằng, trong 5 yếu tố để đảm bảo chống ùn tắc giao thông có yếu tố hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay sau khi Hà Nội thực hiện việc di dời trường học, nhà máy ra ngoài nội đô thì nhiều công trình cao ốc lại mọc lên.

Vậy, phải chăng chính việc “nhồi nhét” các cao ốc trong nội đô là nguyên nhân khiến đường phố Hà Nội càng ngày càng ùn tắc nghiêm trọng như hiện nay?

Đúng vậy. Rõ ràng đây là vấn đề quản lý đô thị của chính quyền thành phố như thế nào. Chúng ta rời một bộ phận ra nhưng lại xây một tòa nhà to hơn, mật độ dân số cao hơn.

Việc này đồng tiền đã đánh mất đạo đức của cán bộ. Ngay như Bộ Giao thông vận tải tôi vừa họp ở đó về, một mảnh đất cực kỳ đẹp, Bộ đã bắt đầu xây dựng cơ sở mới nhưng đất này sẽ biến thành đất gì đây?

Nếu anh làm một cái gì đó mật độ thấp, không xây những nhà 15 tầng vào nữa sẽ đảm bảo việc giãn dân. Còn nếu cứ làm xô bồ như hiện nay, nhiều trường, nhiều cơ quan chuyển đi nhưng nhà cao tầng mọc lên thì điều đó không bao giờ làm được.

- Như vậy điều Bí thư Hà Nội nói nếu quản lý tốt có thể giảm 30% vấn đề nóng của giao thông là hoàn toàn đúng?

Cái quản lý ở đây thì chỉ là phần mềm thôi. Quản lý và quy hoạch là tốt. Còn nếu nói như Bí thư nói thì quản lý ở đây hoàn toàn là phần mềm.

Tức là vấn đề giám sát, chính sách còn nếu quy hoạch xây con đường nào trước, xây đường sắt đô thị trước hay là làm tòa nhà cao tầng trước thì hai việc này phải đi với nhau. Nếu quản lý không thì khác rồi.

Quản lý là trên nền tảng hạ tầng hiện có anh tổ chức, quản lý nó cho hợp lý cho nó thanh thản giao thông.

Tuy nhiên, nếu trên nền tảng đường quá hẹp, cầu quá chật, phương tiện giao thông công cộng quá ít, anh quản lý cũng có tác dụng nếu anh quản lý tốt, khoa học thì sẽ có hiệu quả hơn nhưng hiệu quả cũng chỉ có mức độ vì cái gì vật chất cũng phải đi trước.

Còn nữa....

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại