Ao trái tim giữa lưng chừng trời
Sau trận mưa đêm, rừng núi Xín Mần thêm sinh động với sắc xanh tươi của cây cối, đỏ ngầu của những con suối cuồn cuộn nước và tiếng reo của những dòng thác. Theo con đường ngược dốc là là mây như dẫn lên trời, chúng tôi tìm đến ao tình yêu gắn với chuyện tình đôi lứa ở xã Thèn Phàng (Xín Mần). Hỏi thăm người dân, thật lạ, người địa phương chỉ biết “ao hình trái tim” chứ tuyệt nhiên lắc đầu trước “ao tình yêu”.
“Ao đó nằm cạnh đường ấy mà, đi một đoạn nữa là đến”, một người dân địa phương chỉ dẫn. Quả thật, trên đường dẫn đến trung tâm xã Thèn Phàng, một ao nước hình trái tim nằm trên đỉnh núi, bao vây xung quanh là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt mắt. Dưới ánh nắng của buổi trưa hè, hình trái tim với mặt nước in màu trời, chiếc ao như một nét chấm phá giữa bốn bề núi non với những cung ruộng bậc thang…
Ý định đến ngắm ao tình yêu đã được chúng tôi ấp ủ từ lâu, vừa bởi vẻ đẹp quyến rũ của nó, vừa bởi nó chứa đựng một “truyền thuyết” đẹp về tình yêu đôi lứa. Người ta truyền tai nhau, rằng người trai La Chí đã thức trọn một tuần trăng, để làm nên chiếc ao hình trái tim, thể hiện tình yêu với người con gái, để bốn mùa, quanh năm suốt tháng, trái tim hiện hữu của tình yêu ấy… Truyền thuyết thời hiện đại, nhân vật chính được nhắc đến là chàng trai tên Sìn Văn Tinh.
Theo lời kể, Tinh mồ côi từ nhỏ, nhà lại đông anh em, sống trong nghèo khó. Lớn lên, Tinh đẹp, mạnh mẽ như con ngựa rừng. Đến một ngày, trái tim của chàng trai hiền lành thổn thức khi gặp người con gái bản bên tên Sùng Thị Vẻ. Ngay từ cái nhìn ban đầu, Tinh đã thầm thương trộm nhớ, nhưng rồi, vì nghèo, vì khổ mà không dám ngỏ lời…
Cũng theo truyền thuyết, khi ấy chỗ Tinh và Vẻ ở còn hoang sơ vài chục nếp nhà. Chỗ nào có nước, dân bản vỡ đất, làm ruộng bậc thang. Một mùa, hai mùa làm ruộng… Rồi một ngày, chàng trai La Chí không thể nén mãi mối tình thầm lặng với người con gái bản bên (…)
Rồi, đến một ngày, làng bản ngỡ ngàng, nơi khoảnh đồi của Tinh, trên chót cùng, một chiếc ao hình trái tim tràn trề nước. Không quản bao công sức của người trai bản, đất cũng mở lòng…
Phải chăng chính vẻ đẹp của ao hình trái tim này giữa bốn bề núi rừng, non nước đã khiến người nay họa thêm những nét chấm phá tạo thành câu chuyện tình lãng mạn này?
Gặp người bước ra từ “truyền thuyết”
Thấy chúng tôi cứ đứng chụp ảnh mãi cái ao hình trái tim, vài người dân địa phương hiếu kỳ chạy ra xem. “Ao này có truyền thuyết tình yêu của người La Chí hay lắm đúng không chị?”, tôi hỏi. Người phụ nữ lắc đầu, bảo là người từ trong Đắk Lắk ra đây, không biết. Một cậu học sinh lớp 9 nhanh nhảu. “Em có nghe thấy ai kể gì về câu chuyện ấy đâu ạ. Mà ở đây không có người La Chí đâu. Đa số là người Nùng mà anh”. Nhìn vẻ quả quyết của cậu thanh niên, chúng tôi đầy nghi ngờ. “Ngày xưa ông đào cái ao này ở ngay cạnh ao, nhưng giờ chuyển vào trong kia rồi. Anh đến đó hỏi thì biết ngay”, cậu thanh niên mau mắn tư vấn.
Chiếc xe máy ì ạch leo dốc đưa chúng tôi đến nhà ông Sìn Văn Tính. Ông Tính được giới thiệu là “ông chủ nhà máy gạch” và tác giả của chiếc ao độc đáo này. Ngồi trò chuyện trong ngôi nhà khang trang xây bằng gạch, vợ chồng ông Tính cười khi chúng tôi hỏi về chiếc ao và truyền thuyết về tình yêu đẹp.
Ông Tính kể, cũng biết có bài báo viết về “ao tình yêu”. “Có không ít nhà báo và cả du khách thăm quan vào tìm hỏi thăm. Hai vợ chồng tôi đều là người Nùng cả, làm gì có chuyện đó đâu. Nhưng cũng không sao. Mọi người nói chắc để vui thôi”. Ông Tính cũng bảo, xã có người La Chí nhưng ở cách đây gần chục cây số…
Nhấp ngụm nước chè, ông Tính kể, chiếc ao gắn bó với thủa cơ hàn, khi còn sống trong căn nhà đất tường trình ẩm thấp… “Ngày xưa chỗ đó chúng tôi làm ruộng để cấy, nhưng do đất chua phèn, lại một nửa thường xuyên ngập nước, một nửa khô hạn, không làm ăn được”, ông Tính chậm rãi nhắc lại. Cũng vì thế, hai vợ chồng ông quyết định đào ao, thả cá. “Hai vợ chồng tôi đào mất hơn 3 năm mới xong, khoảng từ 1994 đến 1997. Cũng vất vả lắm, ngoài đất, còn phải bứng cả đá tảng mang đi chỗ khác nữa”, ông Tính kể.
“Năm đó mình lấy vợ, có con lâu rồi thì làm gì có chuyện đào ao hình trái tim để tỏ tình nữa”, ông Tính cười, bảo ban đầu ao cũng không có hình trái tim, chỉ là sau này việc sửa chữa, nối các đoạn bờ ao với nhau thì mới thành hình. “Ở dưới ao không thấy gì đâu, lên trên đường đứng ngắm thì mới thấy giống trái tim thôi”, ông Tính cười.
Dù không phải là chứng nhân tình yêu, nhưng ao hình trái tim của ông Tính cũng là một sự độc đáo ở vùng cao Thèn Phàng. Ao rộng hơn nghìn mét vuông và sâu hơn 2m, ông Tính thả cá trắm, cá chép vừa để làm thức ăn cho gia đình, vừa để tăng gia kinh tế. “Đợt rồi tôi mới thả gần 1.000 con giống. Tôi không cho ăn thức ăn tăng trọng, nên sau một năm, con to nhất chừng hơn 5 lạng”.
Ham làm, lại thuận vợ thuận chồng, từ cuối năm 2011 đến nay, gia đình ông Tính còn dựng thêm lò gạch. Đây trở thành nguồn thu nhập chính cùng với làm ruộng, nuôi cá. Xưởng gạch của ông cung cấp cho các công trình xây dựng nhỏ, hộ gia đình trong vùng và cả bên Hoàng Su Phì. “Năm ngoái, chúng tôi làm được gần 90 vạn gạch, bán ra thu về được 900 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng”, ông Tính cho hay.