Lời thách thức sau vụ vượt ngục
Tường nhà giam đã bị đục thủng một lỗ, bên cạnh là dòng chữ của tên siêu tội phạm để lại như trêu ngươi: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”, ký tên Nguyễn Ngọc Truyện (tên thật của BHĐ)... Một tổ trinh sát được thành lập, các anh cùng thề sẽ sinh tử với tên tội phạm đặc biệt này.
Sau khi Thị đội Long Xuyên bàn giao BHĐ cho Công an tỉnh An Giang, hắn bị giam giữ chung với bốn đối tượng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, giữa tháng 5-1980, BHĐ đã tổ chức cuộc vượt ngục gây kinh ngạc không chỉ với lực lượng công an, quân đội mà bất cứ cơ quan nào.
Bạch Hải Đường bị bắn tới ba phát súng vào chân, bị trọng thương. Khi về nhà tạm giam, hắn gần như kiệt sức, chân gần như không còn cử động được. Việc đầu tiên của cán bộ quản giáo lúc đó là điều trị vết thương cho BHĐ. Khi vết thương bắt đầu khô và lành dần, hắn đã tổ chức vượt khỏi trại giam cùng bốn đối tượng khác.
Các đồng chí lãnh đạo các phòng ban nghiệp vụ và công an tỉnh khi đến hiện trường phòng giam mà BHĐ đã tổ chức để “ra ngoài”, đều không tin vào mắt mình.
Phòng giam giữ được xây dựng kiên cố. BHĐ đã bị còng tay chân. Nhưng vì sao hắn có thể thoát thân với một lỗ thủng trên bức tường trại giam và bỏ lại tất cả những chiếc còng? Sau này, khi bắt được BHĐ lần thứ ba, bức màn bí mật về cuộc vượt ngục mới được hắn khai nhận tỉ mỉ.
Thông tin BHĐ đào thoát khỏi trại giam đã gây sửng sốt đối với mọi người, kể cả những cán bộ, chiến sĩ công an An Giang. Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng đã đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt lại bắt đầu. Nó gian nan, gay cấn và nguy hiểm hơn. Bởi hơn ai hết, BHĐ khi ra khỏi trại lần này đã trở thành con mãnh hổ ghê gớm hơn trước để tồn tại ngoài vòng pháp luật!
Bạch Hải Đường đào thoát khỏi trại giam là một việc hết sức nguy hiểm cho xã hội. Lãnh đạo Công an An Giang, nhất là lực lượng cảnh sát hình sự phải mất ăn mất ngủ vì cái tin BHĐ trốn trại. Nhiều cuộc họp khẩn cấp diễn ra tại Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhằm huy động tất cả lực lượng nghiệp vụ để truy bắt bằng được BHĐ.
Đội trọng án của Phòng Cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ chủ chốt, truy bắt BHĐ. Sau một tháng, rồi hai tháng trời ròng rã truy tìm, tung tích của BHĐ vẫn biệt vô âm tín. Tất cả các đối tượng hình sự ở An Giang và các tỉnh lân cận có quan hệ với BHĐ đều được các trinh sát “bám”, nhưng vẫn không có chút manh mối nào.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự nhận định có thể BHĐ chỉ còn những chỗ ẩn nấp là gia đình những người thân. Nhưng việc xác minh được người thân của hắn ở đâu cũng là một thách thức. Từ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... đều có người thân của BHĐ.
Thời gian đã trôi qua hơn hai tháng, BHĐ vẫn không hề xuất hiện. Có ý kiến cho rằng BHĐ đã chết do những vết thương bị bắn? Đồng chí Nguyễn Thanh Sang - Trưởng Phòng CSHS và các đồng chí trong Đội trọng án gần như ngồi trên đống lửa vì nhiệm vụ cấp trên giao vẫn chưa hoàn thành.
Đồng chí Sang chỉ đạo Đội trưởng Đội trọng án lúc đó là đồng chí Phạm Thanh Sơn phải truy bắt bằng được cả bốn đối tượng vượt ngục cùng đêm với BHĐ. Có thể những tên này sẽ biết BHĐ đang ở đâu. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, một đối tượng hình sự tên là Th. đã bị bắt.
Rất may là qua khai thác tên Th., các đồng chí đã có manh mối về nơi ẩn náu của BHĐ. Nguồn tin quý giá từ tên Th. làm các đồng chí mừng như mở cờ trong bụng. Đồng chí Nguyễn Thanh Sang đã nhanh chóng báo cáo Ban Giám đốc công an tỉnh xin ý kiến rồi tổ chức vây bắt.
Chỉ thị của lãnh đạo công an tỉnh cho Phòng CSHS là không được để BHĐ trốn thoát và sống ngoài vòng pháp luật, phải bắt bằng được. Nếu không, ngành công an sẽ phải có lỗi với nhân dân!
Nhận nhiệm vụ nặng nề là đồng chí Phạm Thanh Sơn, lúc đó là thượng úy, Đội trưởng Đội trọng án (sau này đồng chí làm Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang, nay đã mất). Đồng chí Sơn là một trong những CSHS tài năng nhất của Phòng CSHS. Anh có tư duy phá án tốt và đặc biệt là rất giỏi võ.
Lúc đó, giới giang hồ ở Sài Gòn thì khiếp đảm đồng chí D.M.N, còn ở An Giang, thì các đối tượng hình sự đều rất “ngán” Phạm Thanh Sơn. Nếu đã đụng độ với Sơn, tất những tên giang hồ đều phải thúc thủ, dù trong tay chúng đang cầm loại hung khí gì.
Sau khi xác định được địa điểm mà BHĐ đang ẩn náu, tổ công tác do đồng chí Phạm Thanh Sơn phụ trách, cùng với hai trinh sát của đội trọng án là Lê Trường Thanh và Nguyễn Trường Sơn được giao nhiệm vụ truy bắt BHĐ. Cùng đi có tài xế lái xe và đối tượng Th. có nhiệm vụ dẫn đường.
Trước khi lên đường, đồng chí Nguyễn Thanh Sang chỉ đạo: “Các đồng chí đang nhận nhiệm vụ rất nặng nề. Tôi tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trên xe có xăng đủ chạy suốt ba ngày. Nếu dọc đường không đủ xăng thì cứ ghé vào đổ rồi... ký sổ. Tôi sẽ đến thanh toán!”.
Sau cái bắt tay chắc nịch của trưởng phòng với từng người trong tổ công tác, ngày 25-7-1980, tổ công tác đặc biệt lên đường, hướng về thị xã Sóc Trăng - nơi mà Bạch Hải Đường đã ẩn trú suốt hai năm trong nhà một người thân và trong một ngôi chùa.
Đồng chí Lê Trường Thanh đang diễn tả lại cảnh ôm BHĐ để đồng chí Sơn bắn vào chân hắn
Ba giờ chiều 25-7-1980, tại căn nhà nằm ở ngoại ô thị xã Sóc Trăng, khu vườn có nhiều cây cối, nắng vẫn gắt, soi qua từng tán cây. Trên chiếc võng, một người nằm vắt vẻo, chân trên võng, chân chống dưới đất đu đưa, mắt lim dim ngủ. Tiếng một người đàn ông gọi khẽ bên tai:
- Truyện ơi. Mày có khách này! - giọng người anh rể vang lên làm BHĐ chồm dậy.
- Trời đất. Anh Th. Sao tìm được em? - Bạch Hải Đường vồn vã nhận ra “chiến hữu” Th. ở chung phòng giam đã được hắn kéo ra cùng trong đêm vượt ngục tại trại tạm giam cách đó hai năm.
Hai gã đàn ông ôm chầm lấy nhau ra chiều rất thân thiết.
- Dạo này chú thế nào rồi?
BHĐ: - Thì em toàn lo nghỉ ngơi và điều trị vết thương chứ có làm ăn gì đâu anh. Với lại nghe nói mấy ổng đang tìm em dữ lắm anh ạ!
- Còn anh thì thế nào?
Th. cười: - Anh đâu có dám “xông ra” nữa. Chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Cuộc hàn huyên của Th. và BHĐ kéo dài đến khoảng sáu giờ chiều. BHĐ định gọi anh rể đi chợ mua ít đồ về nhà lai rai với bạn hiền. Nhưng Th. ngăn:
- Thôi không cần đi chợ đâu chú. Phiền hà nhà anh chị. Anh em mình kéo ra quán nào đó gần đây ngồi cho thoải mái đi. Bao nhiêu lâu mới gặp lại!.
BHĐ đồng ý. Sau vài phút thay y phục chỉnh tề, BHĐ và Th. đưa nhau ra một quán nhậu bình dân gần nhà anh rể để tiếp tục ôn lại chuyện xưa.
Vừa tìm xong chỗ ngồi, chưa kịp ăn thì BHĐ chợt nhận ra hai bóng người đi bộ bên kia đường. Linh tính mách bảo hắn có chuyện chẳng lành...
Còn nữa!