Sở hữu một bộ sưu tập đá khổng lồ, trị giá bạc tỷ, với anh Đoàn Giàu (1963) - nghệ nhân đá, hội viên Hội sinh vật cảnh Việt Nam ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng – không chỉ là niềm vui mà còn là một niềm tự hào, hãnh diện. Bởi trong những viên đá thiên nhiên kì lạ của anh, có một viên đá “độc nhất vô nhị” được mang tên “Chân dung Bác”. Viên đá vân thạch này đã được thiên nhiên khắc lên đó một hình người có gương mặt giống “Vị cha già của Tổ Quốc”…
Cái thú tiêu dao
Chuyện anh Giàu đến với thú săn đá cũng tình cờ. Chả là gần 15 năm trước, anh là tài xế lái xe tải, cứ chạy xe đường dài thức hôm thứ khuya mệt quá nên anh nghĩ nghề ấy không hợp với mình. Vậy là anh nghỉ quách cái nghề “dọc đường gió bụi” bên cái vô lăng xe và về nhà mở một cửa hiệu gỗ mỹ nghệ “kiếm ăn”. Anh em văn nghệ sĩ giao lưu với nhau, rồi anh lại tiếp xúc với anh em trong trường ĐH Khoa học xã hội và tự nhiên TP.HCM, thấy mọi người chơi đá cũng hay hay. Và anh tò mò rồi lần dò chơi thử đá và không ngờ mê đá luôn.
Người ta bảo tìm trầm thì phải lên núi, tìm đá thì phải ra suối, xuống sông. Bởi vậy chuyện anh Giàu đi tìm đá không cố định nơi nào, thời gian nào. Có chuyến anh đi trong ngày nhưng có chuyến vài ba ngày. Từ Lâm Đồng cho đến núi Ba Hồ (Ninh Thuận), Đồng Nai, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, nơi nào cũng đều có dấu chân anh đến. Hành trang đi săn đá của anh cũng thật hết sức đơn giản. Chỉ có cơm nắm, nước uống, xà beng và giỏ đựng đá. Gian nan vất vả, lội suối, băng rừng, bám mặt xuống đất để mò mẫm những viên đá. Mọi mệt nhọc sẽ tan biến hết khi bất ngờ tìm thấy một viên đá đẹp. Bởi vậy, anh mê đá đến mức nhiều lúc “quên ăn quên ngủ”.
Anh bảo “chơi” đá trước hết và khó nhất là phải có con mắt nghệ thuật. Sau đó mới tới việc chọn đá và đặt tên cho các tác phẩm. Chính vì vậy, trong quá trình đi săn đá cùng bạn bè, lúc nào anh cũng cầm theo một cuốn sổ tay để phân loại đá. Chính cuốn sổ tay này đã giúp việc tìm và xác định đá của anh được chính xác hơn. Anh Đoàn Giàu cho biết: “Có rất nhiều loại đá để trưng bày nhưng mình chủ yếu tập trung vào các loại chính: Cô Thuận thạch, Thấu Lậu thạch, Quái thạch, Tượng hình thạch, Viên Cước thạch và Thanh Tú thạch. Mấy năm qua đi tìm đá, mình phát hiện vùng Đa Mi – Hàm Thuận thật đặc biệt. Đá ở đó nhiều lắm và toàn đá quí không hà. Đá đạt chất liệu và giá trị nghệ thuật cao. Nói thật, những viên đá “đặc biệt” khiến mình thành danh trong nghề đều tìm được ở vùng đó đó!”.
Những viên đá kì lạ
Trong cái nắng xuân, ngắm nhìn viên đá đẹp nơi góc nhà với những đường nét hoa văn xanh vàng lóng lánh, chúng tôi không khỏi trầm trồ. Viên đá ấy có tên “Có phải là ông?”. Anh Giàu cho biết: “Tác phẩm này, gốc là mình mua đá thiên nhiên tại thôn Kim Lệ, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Hồi đó (năm 2007) mình mua nguyên lô, cả 20 tấn, mất gần 200 triệu đồng. Mình định mua về làm đá mài để giao lưu trao đổi mua bán. Ai dè, khi mài ra mình phát hiện viên đá này sao giống giống hình Lý Thường Kiệt, người viết bài Nam Quốc Sơn Hà nổi tiếng trên sông Như Nguyệt năm xưa. Mà không phải chỉ mình nghĩ vậy không, mà bạn bè trong giới chơi đá của mình nhìn cũng thấy như thế. Viên đá mã não này là loại vân thạch. Người ta trả giá rất cao nhưng mình không bán. Mình đặt tên nó là “Có phải là ông?””.
Rồi viên đá hoa văn đồ thị do thiên nhiên tự tạo, anh mài dũa lại có tên “Quan Âm thạch tượng”. Viên này tìm được từ 10 năm trước ở làng Đan Ó, xã Đa Mi – Hàm Thuận. Thực ra thì anh mua lại của người ta. Hôm đó tại bãi săn đá, có người mua nhiều viên đá tự nhiên này, anh cầm lên xem, thấy nó là lạ, đem mài thử dưới nước một chút, thấy có “hiện tượng lạ”, vậy là anh năn nỉ họ bán. Người ta không biết sự bí ẩn của viên đá nên đồng ý bán lại cho anh Giàu với giá rất rẻ. Về nhà, anh mang đá ra mài tác chiến mới phát hiện viên đá có hình y chang Quan Thế Âm Bồ Tát đang cầm nhành liễu ban phước cho đời.
Sẽ là thiếu xót nếu không nhắc đến viên đá kì lạ có hình y hệt một trái tim của con người, nó đang nằm trên giá đỡ của anh. Viên đá trơn lu, không trầy trụa, là loại đá kết cuội, do thiên nhiên tạo ra, được anh Giàu tìm thấy ở Đa Mi – Hàm Thuận năm 2004. Theo ý nghĩ của nghệ nhân Đoàn Giàu, trái tim tượng trưng cho sự bất diệt của một vị thiền sư tự hỏa thiêu thời Ngô Đình Diệm ở Huế. Trái tim của vị thiền sư đó dù bị lửa nung đốt nhưng vẫn không bị cháy. Vì vậy, anh mới đặt tên cho tác phẩm này là “Tâm thạch” (Trái tim đá). Tại Hội triển lãm Festival Hoa Đà Lạt năm 2005, một Việt kiều nữ đã trả giá viên đá này 2.000 USD mà anh không bán. Rồi tại Công viên Tao Đàn, một nghệ nhân Hội sinh vật cảnh Duy Xuyên – Quảng Nam đã trả giá 2.500 USD nhưng anh cũng không bán làm chi.
Chưa hết, đá quý của anh còn có viên đặc biệt nữa. Năm 2006, anh có mua một cục đá hình tròn của anh em đi săn đá. Về nhà, anh mài ra thì thấy viên đá này da dưa màu xanh, giống y như trái dưa hấu tròn vậy. Anh tưởng tượng sự trung hiếu của Mai An Tiêm khi bị vua cha đày ra đảo hoang, anh vẫn nhớ về đất liền nên trồng dưa hấu rồi hái quả, khắc tên rồi thả xuống biển cho dưa trôi về đất liền với cha. Vì lẽ đó mà anh đã đặt tên cho tác phẩm đá này là “Sự tích An Tiêm”.
Mấy lần anh kể về những viên đá quý của mình nhưng khi có người hỏi mua, anh lại không bán. Tò mò, tôi muốn biết anh đánh giá như thế nào về một viên đá đẹp. Anh bảo: “Mình không dám “múa rìu qua mắt thợ”! Nhưng theo mình nghĩ, “chơi” đá thì ba yếu tố quan trọng nhất là: tướng thạch, sắc thạch và chất thạch…sẽ làm cho viên đá đẹp một cách hài hòa. Chất liệu phải cứng, có độ tuổi cho phép để khi di chuyển không bị vỡ, hư. Khi có được tướng, sắc, chất thì mình sẽ xét về tứ diện: trước, sau, trên, dưới, bốn mặt đấy. Khi nó đã hoàn thiện một cách toàn diện rồi thì viên đá rất hiếm!”. Để làm cho những viên đá “bắt mắt”, anh Giàu đã “phụ gia” thêm cho đá loại dầu ZALE. Đây là một loại dầu của Thái Lan, loại dùng để thoa lên tóc dành cho nam giới. Anh dùng dầu này thoa lên tay rồi sau đó vuốt nhẹ lên điểm nhấn để tăng thêm vẻ đẹp của tác phẩm đá.
Và “Chân dung Bác”
Trong vườn nghệ thuật ngày xuân của anh, có một tác phẩm “độc nhất vô nhị” khiến anh nổi danh như cồn trong giới chơi đá. Đó chính là “Chân dung Bác”. Bảy năm trước, trong một lần đi săn đá ở xã La Dạ thuộc Đa Mi – Hàm Thuận, khi ngồi nghỉ chân ở một con suối, anh tình cờ nhặt được viên đá. Lúc đầu, anh “khoái” vì nó là viên đá đen, mà đá ở Lâm Đồng thì chất liệu số một, chủ yếu là đá đen và đá hoa văn. Anh tâm sự: “Nói thật, là duyên số trời phú cho mình hay sao đấy. Chứ cái bãi đá này mình đã đi hơn 10 chuyến rồi, anh em tìm đá gần như “tàn bãi” rồi mà đâu có thấy viên đá nào đẹp như thế đâu. Mình nhìn, cảm nhận ban đầu tưởng tượng là cảnh rừng thu hiện lên trên đá. Mang về nhà, đá hãy còn dơ và nhớt. Mình rửa và định hướng tác phẩm là “vùng đất hứa”. Vì vân đá vàng nổi lên trên bề mặt cho thấy sự hoang vắng, một thời điểm nào đó con người sẽ tới khai hoang và sống trên vùng đất này.
Bãi đất vàng hoang hóa, có những cành tre héo khô, trụi lá. Ai dè, khi tẩy rửa sạch, mình mới phát hiện ra mặt bên kia của viên đá lại có hình người. Lúc đầu mình nghĩ đó là chân dung của một người cha già. Nghĩ thì nghĩ thế nhưng chưa dám đặt tên tác phẩm là gì cả. Đây cũng là tác phẩm mà mình nhìn hoài trong thời gian lâu mà vẫn chưa quyết định được tên gọi. Thú thật, tìm một viên đá có hình người thì dễ nhưng đặt tên nó giống ai mới là điều khó!”.
Mùa xuân 2006, anh mang “vườn nghệ thuật” của mình đi triển lãm tại Thảo Cầm Viên ở TP.HCM. Chị Hiền Lương – Giám đốc Thảo Cầm Viên và con trai của chị ấy (anh con trai học ở ĐH Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng bức chân dung hình người màu vàng nhạt nổi lên bề mặt viên đá rất giống Bác Hồ. Một số nghệ nhân chơi đá và anh em bạn bè với anh xem kỹ lại viên đá và cũng nói giống Bác thật. Thế là anh về sưu tầm lại những hình ảnh của Bác, thấy cũng giống thật. Và từ đó, anh quyết định đặt tên cho viên đá kì lạ này “Chân dung Bác”!
Khi xem viên đá, người ta rất tâm đắc bởi nó lạ và độc đáo. Như anh Bùi Đức Tầm – Chủ nhiệm CLB đá cảnh thuộc trường ĐH khoa học xã hội và tự nhiên TP. HCM, một thành viên đá của Đông Nam Á cũng thích viên đá này cực kì. Anh ấy cứ gọi điện và trao đổi với anh Giàu là muốn có “Chân dung Bác” trong bộ sưu tập của mình để đưa vào Viện bảo tàng trưng bày. Anh Giàu thấy anh Tầm thích quá nhưng không thể bán được nên phải nói dối rằng “Chân dung Bác” là của con gái nên không mua bán hay trao đổi được.
Thật lòng anh cũng sợ mích lòng người quen lắm nên mới nói thế. “Mình nghĩ, tiền quý lắm! Mình không dư giả về tài chính nhưng “Chân dung Bác” và “Quan Âm thạch tượng” là những tác phẩm có một không hai nên tuyệt đối không thể bán được. “Nhân thạch cảm ứng thiên” mà! Mình nghĩ thiên nhiên cảm ứng lối chơi của mình nên mới cho mình một viên đá mang hình vị cha già của Tổ Quốc. Mình thực sự may mắn mới sở hữu được một tài sản tuyệt vời đến thế!” – anh Giàu tâm sự.
Thời gian gần đây, anh còn có tác phẩm “hàng độc” để phô trương thanh thế là “Ngọa hổ tầm dương”, tức là con cọp đang rình con dê. Anh tìm thấy nó đầu mùa mưa năm 2007 ở huyện Di Linh. Nó cũng là viên đá thiên nhiên, loại bán quý mã não. Ở Nha Trang có người đến thăm “vườn nghệ thuật” của anh, đã tự ra giá “Ngọa hổ tầm dương” 1.500 USD. Anh Giàu đã từ chối không bán viên đá có hình con cọp này. Vì tỉ lệ viên đá về hình học, kích thước con hổ tương xứng với một con hổ thật đang thu nhỏ, đẹp. Một viên đá đẹp, toàn diện theo chủ nhân đánh giá: giống thật, đẹp, tỉ lệ hài hòa và quan trọng là đá bán quý. Đó là loại đá mà giới chơi yêu chuộng. Do đó, hôm Hà Nội tổ chức lễ hội Thăng Long ngàn năm văn hiến vào năm 2010, đúng vào năm Dần, anh đã mang “ông ba mươi” ra đó triển lãm. Tác phẩm đó đã đánh giá cao, khiến anh rất vui. Anh dự định qua Tết này sẽ tiếp tục đi sưu tầm một ít đá ở miền Trung.
Gọi anh là tỷ phú đá quý Việt Nam cũng được. Đá của anh không bán nên vô giá!