Trung úy Cảnh sát biển kể chuyện bị tàu Trung Quốc tấn công

Hoàng Anh |

(Soha.vn) - Anh Đăng lại đang chuẩn bị lên tàu sau kì nghỉ phép. Anh tâm sự, cuộc sống gia đình nhờ vợ lo toan, anh phải ra khơi vì với anh, BIỂN cũng là một phần máu thịt.

Ngày 14/5, chúng tôi tìm về nhà Trung úy Phạm Khả Đăng (SN 1987, trú tại xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) - Phó thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033 - Cảnh sát biển vùng 2, để nghe những chia sẻ của anh về cuộc sống trên biển.

Anh Đăng đang chuẩn bị "lên tàu" sau kì nghỉ phép. Anh tâm sự, cuộc sống gia đình nhờ vợ lo toan, anh phải ra khơi vì với anh, BIỂN cũng là một phần máu thịt.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 nhỏ, đơn sơ, anh Đăng đang chăm sóc từng chút cho người cha Phạm Khả Thảo (56 tuổi) bị xuất huyết não, phải nằm 1 chỗ suốt cả năm nay. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Tình (52 tuổi) bị căn bệnh ung thư biểu mô di căn da cũng đang nằm quằn quại với những cơn đau thể xác.

Người bố cũng đang mắc chứng bệnh xuất huyết não, chỉ nằm, ngồi một chỗ mà không thể đi lại được

Người bố cũng đang mắc chứng bệnh xuất huyết não, chỉ nằm, ngồi một chỗ mà không thể đi lại được

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, bố là cựu chiến binh chiến trường Campuchia nên từ nhỏ anh Đăng đã định hướng lớn lên sẽ tham gia quân đội để bảo vệ đất nước.

Năm 2006, sau khi hết học cấp 3, anh Đăng thi đậu vào trường Học viện Hải quân, khoa Cảnh sát biển. Năm 2011, anh Đăng ra trường và được giữ chức Phó thuyền trưởng Cảnh sát biển 4033 với quân hàm Thiếu úy. Kể từ đó, cuộc sống của anh Đăng gắn liền với biển đảo, với nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Anh Đăng kể, lần gần đây nhất tàu anh phụ trách bị tàu Trung Quốc ngang ngược quấy phá, va chạm trên Biển Đông là vào đầu tháng 4/2014. Khi tàu CSB 4033 do anh làm Phó thuyền trưởng đang làm nhiệm vụ bảo vệ gần quần đảo Hoàng Sa đã bất ngờ bị 1 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đến quấy phá.

Từ xa, phát hiện chiếc tàu Trung Quốc lao với tốc độ nhanh vào vùng biển đang được bảo vệ, tàu anh Đăng lập tức xin ý kiến chỉ huy rồi lao nhanh ra phía trước để tuyên truyền, yêu cầu chiếc tàu lạ chuyển hướng, không được đi vào vùng cấm. Tuy nhiên, phớt lờ báo hiệu của tàu CSB Việt Nam, con tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng tốc rồi đâm thẳng vào mũi tàu CSB 4033.

Cú đâm mạnh ở tốc độ khoảng 22 hải lý/giờ đã khiến con tàu CSB 4033 bị thủng một lỗ lớn ở mũi tàu, dàn đèn hành trình và nhiều vật dụng khác của tàu cũng bị hư hỏng. Bị tàu Trung Quốc đâm nhưng các chiến sĩ trên tàu không hề nao núng. Trái lại, các chiến sĩ càng quyết tâm hơn, tiếp tục cho tàu CSB 4033 lao ra chặn đầu và tuyên truyền để tàu Trung Quốc chuyển hướng đi nơi khác.

“Lúc đó khoảng hơn 4h chiều, chúng tôi phát hiện 1 con tàu Trung Quốc chạy với tốc độ cao khoảng 22 hải lý đang lao thẳng vào vùng biển của ta. Lúc này đội hình chúng tôi có 9 thuyền gồm 2 tàu CSB, 2 tàu kiểm ngư và tàu hải quân cùng nhiều tàu cá bảo vệ xung quanh sợi dây cáp thăm dò. Nhận được lệnh chỉ huy, tàu chúng tôi đã lao ra để chặn đầu và tuyên truyền buộc tàu này phải chuyển hướng đi nơi khác. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu đó rồi ngang ngược lao thẳng vào khiến tàu của chúng ta bị thủng một lỗ lớn”, anh Đăng kể lại.

Vợ anh Đăng gánh vác việc nhà, chăm sóc cha mẹ bệnh nặng

Sau khoảng 30 phút kiên quyết đấu tranh, tàu CSB 4033 đã ngăn chặn thành công khi con tàu Trung Quốc cố tình lao vào vùng biển cấm đang được lực lượng chức năng Việt Nam bảo vệ.

“Khi đã đuổi được tàu Trung Quốc đi, vì sợ tàu này tiếp tục quay lại quấy rối nên chúng tôi vẫn ở lại canh gác, bảo vệ. Đến 19h tối, được sự đồng ý của chỉ huy cho về đảo để tiếp nhiên liệu, sửa chữa, chúng tôi mới tức tốc quay về đảo Lý Sơn. Lúc này không có thợ hàn tàu nên chúng tôi phải đổ bê tông vào vị trí thủng của mũi tàu. Khoảng 4h sáng hôm sau, chúng tôi đã cho tàu ra để tiếp tục bảo vệ việc thăm dò trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, anh Đăng kể lại.

Ngày 11/4 vừa qua, khi trở về đảo Lý Sơn, anh Đăng nhận tin mẹ phải nhập viện vì bệnh ung thư. Quá lo lắng, anh đã xin chỉ huy nghỉ phép để về chăm mẹ, chăm cha. Được biết, anh Đăng còn có 3 người em. Trong đó người em trai thứ 2 hiện đang học ở Học viện Hải quân, du học ở Nga. Người em trai út đang theo học trường Học viện Hậu cần. Riêng người em gái hiện đang học Đại học Hà Tĩnh. Do hoàn cảnh éo le nên chị Nguyễn Thị Mận (vợ mới cưới của anh Đăng) cũng đã phải bỏ việc trong Đà Nẵng để về chăm lo bố mẹ chồng.

Ngày 14/5, mặc dù chưa hết phép nghỉ, bệnh của mẹ và cha vẫn còn nguy hiểm nhưng nóng lòng với tình hình tàu Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, anh Đăng vẫn quyết định quay trở lại cơ quan để cùng tàu ra làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Mẹ anh Đăng đang bị bệnh nặng.

Mẹ anh Đăng đang bị bệnh nặng.

Trao đổi với phóng viên vào vào ngày 14/5, anh Đăng chia sẻ: “Chiều tối nay tôi sẽ trở về đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ của mình, mặc dù chưa hết phép, bệnh của cha mẹ vẫn còn nguy hiểm. Tôi nghĩ anh em trong đó vất vả nên cũng lo và chủ động đi vào trước. Mình là thế hệ trẻ và đây là nhiệm vụ của mình nên mình sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm. Bằng mọi cách phải bảo vệ chủ quyền không cho Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam”.

Qua báo điện tử Trí Thức Trẻ, anh Đăng cũng muốn nhắn nhủ tới tất cả người dân Việt Nam là anh và các đồng đội của mình sẽ cố gắng hết sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Nghẹn ngào trước giờ chia tay với người chồng mới cưới tiếp tục đi làm nhiệm vụ, chị Mận vẫn gửi gắm những lời yêu thương và động viên chồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rồi sớm trở về với gia đình. “Ở nhà, bố mẹ đã có em chăm lo, anh cứ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ đất nước”, người vợ trẻ nghẹn ngào trong vòng tay ôm rất chặt .

Cảnh sát biển quyế tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại