Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không giải phóng Tây Nguyên sẽ không có chiến thắng 30/4”

Khả Danh |

(Soha.vn) - Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên là sự kiện mở đầu quan trọng nhất, tạo điều kiện thuận lợi để rồi sau đó chỉ cần 4 ngày đêm, quân ta đã giải phóng hoàn toàn Sài Gòn.

Tôi gọi điện cho Trung tướng Thước vào một ngày trung tuần tháng 4. Biết tôi muốn trao đổi về chiến thắng lịch sử 30/4, ông bảo: “Đến ngay nhé, bác đang nằm viện, nhưng vẫn nói chuyện được. Đến ngay vì cuối chiều bác còn tiếp một nhà báo nữa”.

Mở đầu câu chuyện với tôi, Tướng thước nói: “Càng ngẫm càng thấy sự tài tình của Bộ Chính trị trong việc tính toán chiến lược, chọn đột phá khẩu là giải phóng Tây Nguyên. Trận đánh này có ý nghĩa quyết định tới cả chiến dịch, vì sau khi khi giải phóng xong Tây Nguyên thì Tư lệnh quân đoàn 3 tiếp tục phát lệnh tấn công vào 3 tỉnh khu 5 là Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, tạo đà cho chiến thắng oanh liệt ngày 30/4”.

Chiến dịch Tây Nguyên (gọi tắt là chiến dịch 275) là sự kiện mở đầu cho cuộc tổng tấn công Mùa xuân năm 1975. Lúc ấy, ông Nguyễn Quốc Thước là Thiếu tá – Tham mưu trưởng chiến dịch, thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng để nhận lệnh.

Tướng Thước chia sẻ: “Lúc bấy giờ chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong giai đoạn 1975-1976, và nhấn mạnh thời cơ là năm 1975, mà muốn thực hiện được kế hoạch ấy thì phải giải phóng được Tây Nguyên.

Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu, thời Pháp xâm lược nước ta đã từng tuyên bố rằng nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương. Sau đó, Mỹ cũng nhận ra điều này nên chúng đã điều một lực lượng hùng hậu gồm các sư đoàn không quân, bộ binh… tinh nhuệ nhất để chiếm đóng. Lúc này, tại Tây Nguyên, quân cách mạng chỉ có sư đoàn nên việc phối hợp với lực lượng tăng cường rất khó khăn. Chúng ta đã tương kế tựu kế, lừa địch kéo quân lên phía bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai).

Ta tổ chức nhiều trận đánh giả để lừa địch, giữ nguyên các máy vô tuyến điện tại vị trí cũ, hàng ngày phát sóng thông tin đều đặn, giữ nguyên đường dây điện thoại để đánh lạc hướng khi chúng định vị các thiết bị liên lạc của ta”.


	Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Với sự tính toán khôn ngoan ấy, địch vẫn dự đoán ta đóng quân ở phía Bắc. Tuy nhiên, lúc đó thì quân ta với khoảng 3 nghìn chiến sĩ, hàng nghìn xe tô tô, hàng trăm xe pháo, xe tăng… bí mật di chuyển vào phía Nam Tây Nguyên bằng đường hậu phương, tránh xa tầm kiểm soát của địch.

Tướng Thước hồi tưởng: “Đêm 10/3, quân ta bắt đầu đánh vào Buôn Ma Thuột. Lúc này, kẻ địch vẫn kiêu ngạo cho rằng quân ta phải sớm rút ra chứ không thể trụ lại lâu ở địa bàn này, vì chúng không hề biết xe tăng và pháo binh của ta đã áp sát tất cả các vị trí. 

Sau 32 giờ đồng hồ, quân ta giải phóng xong Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, quân địch lúc đó vẫn còn rất mạnh với 6 vạn quân chủ lực, có cả không quân, biệt kích, bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp. 

Ta đã phải cử hai sư đoàn chặn đứng tất cả các con đường từ Kon Tum, Pleiku, đường từ Bình Định, đường từ Ninh Hòa, chặt đứt mọi liên lạc của địch. Chúng đưa sư đoàn 23 đổ xuống phía Đông hòng cứu vãn Buôn Ma Thuột, nhưng đã bị sư đoàn 10 của ta tiêu diệt hoàn toàn”.

Theo Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, thời cơ thuận lợi của chiến dịch đã mở rộng hơn rất nhiều, khi chỉ trong mấy ngày đêm mà quân ta đã giải phóng xong Tây Nguyên, Tư lệnh chiến trường phát lệnh tiếp tục tấn công vào khu 5, giải phóng luôn Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

“Toàn bộ chiến trường phía Nam của địch giống như một con rắn bị chặt thành 3 khúc, địch chỉ còn lại ‘khúc đầu’ là Huế, Đà Nẵng và ‘khúc đuôi’ là Sài Gòn. Ngày 25/3, quân ta bắt đầu giải phóng Huế, Đà Nẵng. 

Trong thời gian ấy, nhân dân các tỉnh ven biển miền Trung, phía Nam Tây Nguyên và một số tỉnh ở Nam Bộ, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương và của quân chủ lực, đã nổi dậy đánh địch giành quyền làm chủ. Nhận định thời cơ đã đến, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho toàn quân dồn lực lượng thành 5 quân đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn”, Tướng Thước chia sẻ.

Ngày 26, quân ta bắt đầu đánh vòng ngoài, đến ngày 29 mới thọc sâu vào phía trong và giải phóng Sài Gòn. “Lúc ấy, tôi là Tham mưu trưởng quân đoàn 3, đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng toàn bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đánh vào những cứ điểm quan trọng nhất của địch. 

Thế nhưng thời khắc thiêng liêng húc đổ cánh cổng sắt ở sân bay Tân Sơn Nhất để anh em lao vào thì cũng là lúc 3 chiếc xe tăng của ta bị địch bắn cháy, 15 anh em hy sinh. Nhưng trước lúc hy sinh, còn có chiếc tăng bị địch bắn gãy nòng vẫn cố gắng lao thẳng vào địch quyết tử. Chiến sĩ của ta dũng cảm như vậy đấy. 

Mất mát đau thương thì ở chiến trường anh em chúng tôi đều đã nếm trải trong suốt 10 năm chiến dịch, nhưng cảm xúc trước giờ giải phóng chỉ còn tính bằng phút thôi mà vẫn phải chứng kiến sự hy sinh thì thật xót xa”, Tướng Thước hồi tưởng.

Năm 1997, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước về Hà Nội công tác và trở thành Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X. Sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, được nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi tình hình thời sự nóng bỏng của nước nhà và kịp thời có kiến nghị tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ. 

Rồi, ông lại cùng với những đồng đội còn sống trở về giải quyết chính sách cho những anh em, đồng chí đã hy sinh ngoài chiến trận, giúp các gia đình tìm hài cốt đồng đội ở những cánh rừng Tây Nguyên một thời máu lửa.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không giải phóng Tây Nguyên sẽ không có chiến thắng 30/4” TP.HCM: Đường phố thông thoáng chào đón ngày Giải phóng miền Nam

(Soha.vn) - Những con phố thông thoáng, khang trang, những quán hàng “thảnh thơi”, rực rỡ cờ hoa chào mừng 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất Nước là những hình ảnh được PV ghi nhận vào sáng ngày 30/4 tại TP.HCM

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không giải phóng Tây Nguyên sẽ không có chiến thắng 30/4” Vượt trăm km để dự nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình ngày 30/4

(Soha.vn) - Rất nhiều người đã vượt hàng trăm km để dự nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình ngày 30/4.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không giải phóng Tây Nguyên sẽ không có chiến thắng 30/4” Những hình ảnh xúc động về người lính Trường Sa

(Soha.vn) - Các anh đến từ những vùng quê khác nhau, hoàn cảnh, giọng nói khác nhau nhưng tất cả đều có chung vẻ rắn rỏi, cương nghị trong sắc da ngăm đen, mặn nồng của sóng và gió biển.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại