Trung thu buồn của trẻ em vùng rốn lũ

myle |

Những ngày Trung Thu sắp tới, trẻ em vùng rốn lũ Thanh Hóa chỉ mong có đủ cơm ăn mỗi ngày.

Mặc dù cơn lũ đã đi qua được hơn nửa tháng nhưng hậu quả mà nó để lại tại Quảng Phú, Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) vẫn còn đó. Những ngôi làng vẫn còn hoang tàn xơ xác, hàng trăm ha mía, lúa hoa màu chết trắng. Cuộc sống sau lũ của người dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn, miếng cơm manh áo đã trở thành niềm trăn trở khôn nguôi.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Những đứa trẻ nơi quê nghèo không chờ đợi, hy vọng nhiều vào Tết trung thu.

Có lẽ vì thế mà trẻ em nơi vùng quê nghèo này đã thiệt thòi càng thiệt thòi hơn. Khi nơi phồn hoa phố thị, trẻ em được đi chơi, được mua quần áo đẹp, mua đèn lồng, bánh trung thu…khi Tết trung thu về, thì nơi đây, trẻ em không dám mơ một mâm cỗ đầy, những chiếc bánh trung thu hay những chiếc đèn lồng.

Tại xã Xuân Châu, nhiều con đường vẫn còn nhầy nhụa trong bùn đất, những đổ nát của nhiều ngôi nhà chưa được sửa sang khiến không gian ở xã nghèo này càng thêm hoang tàn hơn. Anh Nguyễn Đức Vạn, xã Xuân Châu bùi ngùi: “Lũ cuốn đi hết rồi, mọi năm còn tạo điều kiện sắm tết cho mấy đứa nhỏ cho có lệ nhưng năm nay chắc là không có gì. Cũng thương mấy đứa nhỏ nhưng biết làm sao được”.

Cháu Vân Anh, 5 tuổi, xã Xuân Châu khoe: “Cháu còn giữ cái đèn trung thu năm ngoái, năm nay mẹ không có tiền mua cho cháu nên cháu dùng lại. Nó vẫn còn mới lắm ạ”.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Cô Tạ Thị Oanh (áo đỏ), Hiệu trưởng trường mầm non Quảng Phú chia sẻ về khó khăn của đơn vị sau cơn lũ đi qua.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Cận kề ngày Tết trung thu, nhưng ở đây, người lớn còn tất bật bộn bề với ruộng vườn với những lo toan “cơm áo gạo tiền”, những đứa trẻ chỉ biết ước mơ chứ không dám vòi vĩnh một thứ quà cáp gì cho mình.

Lũ trẻ dường như cũng quen rồi nên chúng gần như dửng dưng khi nói về Tết trung thu, trung thu đến rồi đi, không chờ đợi cũng không hy vọng…

Khi gặp một số cháu chừng 5,6 tuổi, chúng tôi hỏi tết trung thu các cháu có đi chơi đâu không thì lũ trẻ tròn xoe mắt ngơ ngác. Trung thu đối với trẻ vùng quê nghèo dường như vẫn còn là điều gì đó lạ lẫm và “xa xỉ” lắm.

Chị Phạm Thị Thắm, thôn 9, Quảng Phú cho biết: “Mọi năm cũng mua cho mấy đứa nhỏ vài gói bánh hay kẹo, đúng là cũng chẳng đáng là bao nhưng năm nay lũ về, tài sản trong nhà, lúa, mía mất trắng hết, giờ gạo cũng không có mà ăn thì nói gì đến sắm trung thu cho các cháu. May mà còn có các nhà hảo tâm giúp đỡ nhân dân chứ không chúng tôi không biết sống thế nào”.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Nụ cười tươi của trẻ khi nói về ước mơ có một cái Tết trung thu đủ đầy.

Trong cái nắng gay gắt giữa trưa, hai chị em Lê Thị Lệ, học sinh lớp 3 và Lê Văn Vọng, học sinh lớp 1, trường tiểu học Quảng Phú vẫn phải giang nắng để giúp mẹ phơi rơm. Đôi chân trần lấm đất, người gầy khô, đen nhẻm, cô bé Lệ quệt ngang những giọt mồ hôi đang chảy trên trán chia sẻ: “Mai mới đến trung thu nhưng chắc mẹ không mua bánh cho đâu. Còn phải để tiền mua gạo nữa”.

Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào trường mầm non Đá Lát, cách trung tâm UBND xã Quảng Phú 7km, ngôi trường tồi tàn nằm chênh vênh trên một quả đồi, nơi có những ánh mắt ngây thơ đang ê a tập hát. Không khỏi ứa nước mắt khi nhìn các cháu trong căn nhà ẩm thấp, lũ lụt đã làm hư hỏng hết tất cả các đồ chơi cũng như đồ dùng học tập.

Những cháu học tại đây hầu hết là con của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi hỏi các cháu Tết trung thu bố mẹ có mua quà cho không thì các cháu đều lắc đầu, đôi mắt thơ ngây tỏ vẻ ngơ ngác đến tội nghiệp.

Khi hỏi các cháu thích gì trong ngày Tết trung thu thì các cháu đều bảo thích có đèn ông sao, thích có bánh trung thu, thích được đi chơi. Cô bé Nguyễn Thị Yến Nhi, 5 tuổi còn thỏ thẻ: ‘Cháu thích được như các bạn ở trên ti vi, hôm qua cháu xem ti vi thấy các bạn có quần áo đẹp, được đi chơi nhưng tết trung thu nhà cháu chỉ được ông Châu (ông xóm trưởng - PV) cho gạo thôi”.

Cô Tạ Thị Oanh, Hiệu trưởng trưởng mầm non xã Quảng Phú tâm sự: “Xã Quảng Phú là một xã miền núi của huyện Thọ Xuân, bình thường đời sống của bà con nhân dân cũng đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng đợt lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi tất cả khiến cho đời sống của người dân nơi đây càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế mà việc sắm Tết trung thu cho các cháu còn nhiều hạn hẹp”.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Hai đứa trẻ vẫn phải giang nắng phơi rơm cùng mẹ giữa trưa trong ngày cận kề trung thu.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Chiếc đèn lồng năm cũ được bé Vân Anh giữ lại cho năm nay.

“Hôm qua trường cũng đã kếp hợp với chính quyền địa phương cùng một số đoàn hảo tâm tổ chức tết trung thu cho các cháu. Nói là tổ chức Tết trung thu cho “oai” nhưng thực ra là mua một số bánh kẹo để các cháu được ngồi lại, vui chơi cùng nhau để các cháu nhớ về cái ngày của mình”.

Ông Lê Bá Lộc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Mặc dù sau cơn lũ còn nhiều việc cần phải làm, những xã, các cấp các ngành cũng không thể quên được ngày của các cháu nhỏ. Địa phương cũng đã trích số tiền 3 - 5.000đ cho mỗi cháu rồi giao xuống cho các chi đoàn tổ chức trung thu cho các cháu để các cháu phần nào đỡ tủi thân, bớt thiệt thòi”.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Một chiếc đèn ông sao được mua trong năm nay cũng là niềm vui xa xỉ của những đứa trẻ quê nghèo.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Niềm an ủi của các cháu nhỏ nơi đây là những phần quà từ những nhà hảo tâm.

trung-thu-buon-cua-tre-em-vung-ron-lu

Cơn lũ đi qua, để lại sau lưng người nông dân bao nỗi vất vả, khó khăn, những đứa trẻ nơi đây cũng không có được cái Tết trung thu đủ đầy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại