Buổi tuần tra định mệnh
Đã ba mươi ba năm trôi qua kể từ buổi chiều tuần tra định mệnh nhưng những ký ức về phút giây xả thân cứu người phụ nữ mang thai thoát khỏi lưỡi hái tử thần vẫn hiển hiện trong tâm trí người thương binh Phạm Văn Nhuận. Ngày 25/9/1980, trinh sát Phạm Văn Nhuận khi ấy mới tròn 20 tuổi đi làm nhiệm vụ tuần tra tại địa bàn xã Cổ Loa, huyện Đông Anh cùng một người đồng đội tên Huy. Khoảng 13h, anh phát hiện một người phụ nữ mang bầu đang đi lững thững giữa đường ray xe lửa, trong khi một đoàn tàu đang sầm sập tiến đến. Ở chiều ngược lại là chuyến tàu hàng cũng đang vào ga.
Mọi người xung quanh hô hoán nhưng tiếng tàu đã át mất tiếng gọi, người phụ nữ mang thai vẫn bình thản bước đi. Thấy đầu tàu còn cách người phụ nữ mang thai chỉ chục mét, trinh sát Nhuận lao tới dùng hết sức kéo chị ra khỏi đường ray. Người phụ nữ ngã ra một bên, may mắn thoát chết nhưng đoàn tàu lao tới và hất trinh sát Nhuận ngã xuống. Chân phải trinh sát Nhuận bị bánh tàu chẹt qua giữa gối, rồi cả cơ thể bị tàu kéo đi 125 m trước khi dừng lại.
Kể lại chuyện đã qua hơn ba mươi năm mà ông Nhuận vẫn bàng hoàng: “Khi đoàn tàu dừng lại, chân phải từ đầu gối trở xuống đã bị nát nhừ lẫn lộn cả xương, gân và vải quần. Tôi dùng chân trái đạp mạnh để đẩy bánh tàu, định rút cái chân phải đã nát ra nhưng không được. Không ngờ đoàn tàu lùi lại theo quán tính và cán đứt nốt chân trái. Máu từ các tĩnh mạch lớn ở chân phải bị nghiền nát trào ra, tôi giật chiếc cảnh phục đang mặc để buộc vào chân phải cầm máu rồi trườn ra khỏi đường ray. Lúc bấy giờ, mọi người đổ xô tới xem, anh Huy cũng vừa chạy tới. Tôi vẫn nhớ câu đầu tiên mà tôi hỏi anh Huy là: “Chị kia có sao không?”.
Ông Nhuận chia sẻ: “Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó mình lại có thể bình tĩnh đến như vậy. Từ khi xảy ra tai nạn cho tới lúc được đồng đội đưa vào bệnh viện Đông Anh cấp cứu tôi vẫn luôn tỉnh táo. Tôi nghe loáng thoáng có người bảo bị thương nặng mà tỉnh thế này chắc không sống nổi. Đồng đội tôi nghe thế thì bật khóc cả.
Ông Nhuận và vợ.
Lúc đó thủ trưởng đơn vị nắm tay tôi động viên: “Nhuận ơi em cứ an tâm, các bác sỹ nhất định sẽ chữa khỏi cho em, mọi người luôn ở bên em, em sẽ không sao đâu...”. Giờ nghĩ lại cũng thấy sợ thật, nhưng ở thời điểm đó mình chẳng kịp suy nghĩ gì thiệt hơn mà chỉ tâm niệm một điều: mình là một chiến sỹ công an, nhiệm vụ là bảo vệ an ninh tổ quốc và nhân dân, nên khi thấy dân gặp nạn thì mình phải giúp. Có lẽ chính vì tâm niệm đó mà hơn 30 năm qua chưa một lần ông đồng ý nhận sự cảm ơn của người mà mình đã cứu, bởi ông “không muốn người ta phải mang ơn mình”.
12 lần lên bàn mổ
Thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau tai nạn, nhưng phải thêm 12 lần ông lên bàn mổ vì vết thương bị hoại tử. Mỗi một lần phẫu thuật như thế đôi chân của ông lại ngắn đi một ít. Trong vụ tai nạn, chân trái của ông chỉ bị đứt bên trên mắt cá, còn chân phải thì trên đầu gối, nhưng sau những lần hoại tử, sau 12 lần phẫu thuật thì chân trái chỉ còn đến đầu gối, còn chân phải thì mất hoàn toàn.
Ông bảo, khi bị tai nạn, cái đau đớn về thể xác chỉ là nhất thời, còn quá trình phục hồi sau phẫu thuật thì mới thật là khăn khó và gian nan. Đang từ một người bình thường, khỏe mạnh, tự nhiên bị mất đi đôi chân, cái cảm giác lúc đó chẳng khác nào con chim bị gãy đi đôi cánh. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ tan vỡ hết. Suốt ngày chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc, lúc đó không thể diễn tả được là ông đã buồn và chán nản đến thế nào.
Vượt qua được những khó khăn về tinh thần được một chút thì ông lại gặp phải khó khăn khi làm quen với chân giả. Mỗi lần tập, phần da thịt tiếp xúc với chân giả bị trầy xước, chảy máu, sưng tấy, đau đớn vô cùng. Chỉ khi phần da thịt bắt đầu chai sần lên, không còn cảm giác nữa thì lúc ấy ông mới đứng được bằng chân giả. “Lần đầu tiên đứng trên đôi chân giả, tôi thấy mình cao lớn hẳn lên, chẳng khác nào những anh chàng tý hon nhờ phép lạ mà biến thành khổng lồ trong các câu chuyện cổ tích. Lúc ấy sung sướng lắm.”. – Ông Nhuận hóm hỉnh.
Hạnh phúc mỉm cười
Ông Nhuận chia sẻ: “Ông trời không bao giờ lấy đi của ai tất cả. Mình bị thương như thế nhưng rất may gặp được bà xã bây giờ, cũng là “thiên kim tiểu thư” của một gia đình nho giáo đấy, nhưng vì cảm tấm lòng và vì thương mà chung vai gánh vác gánh nặng cuộc đời với mình”.
Bà Hoàng Thị Kim Thanh tình cờ biết ông trong một lần đi thăm đồng đội cũ của bố, cũng là thương binh đang điều dưỡng ở trung tâm chỉnh hình Ba Vì. Ban đầu chỉ là sự quan tâm giúp đỡ những công việc nhỏ nhặt, khi thì bà lấy cho ông cốc nước, khi thì cái khăn tay... rồi đến những cánh thư động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Dần dần, cứ đến cuối tuần là bà lại vượt mấy chục cây số để lên thăm nom, săn sóc ông. Tình yêu của bà dành cho ông cũng gặp phải sự cản trở của gia đình bên ngoại nhưng bằng sự kiên trì cuối cùng họ cũng vượt qua tất cả để làm bạn đời của nhau.
Ông là thương binh, đi lại khó khăn, bà làm công nhân, lại phải nuôi hai con nhỏ nên cuộc sống của ông bà những ngày đầu chẳng hề dễ dàng. Năm 1992, ông Nhuận xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Không thể trông chờ vào đồng lương ít ỏi, hai vợ chồng phải xoay sở đủ nghề: Bán cơm bình dân, bán chè, trông giữ xe, nuôi lợn, rửa xe... để sống và nuôi dạy các con.
Cũng trong thời gian này ông bắt đầu tham gia Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật. Với suy nghĩ phải vượt lên chính mình, ngoài giúp đỡ vợ con bươn chải kiếm sống, ông đã tận dụng tối đa thời gian vào việc tập luyện thể thao và tham gia các hoạt động xã hội. Dù mang trên mình thương tật nặng nhưng ông khiến nhiều người phải thán phục vì chơi được rất nhiều môn thể thao khác nhau.
Mất cả hai chân, nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã trở thành VĐV xuất sắc.
Hiện ông là thành viên của Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật, Câu lạc bộ Văn hóa thể thao thương binh - cựu chiến binh, Nhóm hy vọng người khuyết tật, Câu lạc bộ tiếng hát thương binh Thành phố Hà Nội... Ở cương vị nào ông cũng xuất sắc, và là niềm tin của người thân, đồng đội. Ông cũng thường xuất hiện trên sân khấu trong chương trình của Câu lạc bộ trong những dịp lễ Tết. Nhắc đến đây, ông bật mí: Dịp 22/12 tới, Câu lạc bộ văn hóa thể thao thương binh thành phố Hà Nội của ông sẽ có một chương trình dành cho đồng đội được truyền hình trực tiếp tại Nhà hát lớn Hà Nội đấy.
Bây giờ, vợ chồng ông đã mãn nguyện vì hai con đều khôn lớn, trưởng thành. Cô con gái cả đã tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ loại giỏi, còn cậu con trai thứ hai hiện đã là Đảng viên, là thiếu úy công anh phường Trung Liệt, cậu đang bước tiếp trên con đường dang dở của ông.