Trẻ em Việt Nam coi học là cách duy nhất để thoát nghèo

camnhung |

Tại các nước phát triển, hầu hết trẻ em lại dành ưu tiên cho nghề vận động viên thể dục thể thao hay nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Giống như nhiều trẻ tại các nước đang phát triển, trẻ Việt Nam mong muốn được học đại học và sau này sẽ trở thành giáo viên và bác sĩ. Trong khi trẻ tại các nước phát triển muốn trở thành vận động viên thể dục hay nghệ sĩ.

Đây là kết quả cuộc điều tra Tiếng nói nhỏ, Ước mơ lớn do Liên minh ChildFund thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua. Hơn 5.000 trẻ em từ 10 đến 12 tuổi, tại 44 quốc gia đã tham gia nghiên cứu.

Từ trước đến nay, đa phần mọi người chỉ chú ý đến việc "nói cho trẻ em nghe" mà quên mất cách "nghe trẻ em nói". Vì thế, cuộc điều tra mang đến cho các em cơ hội cất lên tiếng nói của mình, điều mà thường ngày các em không được người lớn lắng nghe.

Trẻ em Việt Nam mong muốn được trở thành bác sĩ hay giáo viên. Ảnh: Khánh Chi.

Kết quả cho thấy, cứ 5 trẻ em thì lại có 2 trẻ lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai với những công việc đòi hỏi sự giáo dục ở bậc đại học là giáo viên hoặc bác sĩ. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ chọn 2 nghề nghiệp này tương ứng lần lượt là 27% và 25%.

Trong khi đó, tại các nước phát triển, hầu hết trẻ em lại dành ưu tiên cho nghề vận động viên thể dục thể thao hay nghệ sĩ chuyên nghiệp.

“Trẻ em lớn lên trong nghèo khó nhận thức rõ hơn ai hết sức mạnh của giáo dục trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Các em muốn được học hành và hiểu rằng phương tiện hữu ích duy nhất để đẩy lui đói nghèo chính là thông qua giáo dục”, ông Jim Emerson, Tổng thư ký Liên minh ChildFund cho biết.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, nếu có một ngày rảnh rỗi để làm bất cứ điều gì mình muốn, sẽ có khoảng một phần ba trẻ em trên thế giới lựa chọn vui chơi (với bạn bè, trên sân bóng hoặc sử dụng máy tính/ trò chơi điện tử), tiếp theo là học hành hoặc làm bài tập (13%).

Trong khi đó, học tập lại là ưu tiên hàng đầu của trẻ em Việt Nam (26%). Chỉ có 1% trẻ lựa chọn sử dụng máy tính hoặc chơi trò chơi điện tử.

"Qua khảo sát, chúng tôi cũng biết được rằng trẻ coi ngôi nhà là nơi an toàn nhất. Dù thế, 30% trẻ em Việt Nam cho biết tăng cường giáo dục về xâm hại trẻ em và kỹ năng làm cha mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn", ông Emerson nhấn mạnh.

Ngoài ra, các vấn đề về an toàn - an ninh quốc gia, bệnh tật, nghèo đói và bạo lực đe dọa sự phát triển của trẻ em thu hút sự quan tâm hàng đầu của các em.

Theo Nam Phương

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại