Trẻ bị "phơi nhiễm" trước đồ ăn độc hại

camnhung |

Hàng hoá ở đây vô cùng phong phú, nhiều loại rất lạ không thể phân biệt được là đồ chơi hay đồ ăn.

Bánh, kẹo, nước ngọt, đồ khô… không có nguồn gốc rõ ràng, trên bao bì sặc sỡ in toàn chữ Trung Quốc được bày bán khá nhiều trước cổng các trường học với giá rẻ bất ngờ. Những đồ ăn này ai dám chắc không nhiễm các chất độc đang được cảnh báo.

Bánh kẹo siêu rẻ

Mì cay, thạch không nhãn mác chỉ với 2.000 đồng/gói bày bán tràn lan khắp các cổng trường học.Ảnh: Lệ Hà

Tại cổng trường cấp 1, Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, các hàng quà cho học sinh tràn ngập đồ ăn không rõ nguồn gốc. Mì cay giá 2.000 đồng/gói, thạch đủ màu không nhãn mác giá 2.000 đồng/cái, kẹo mút, nước ép hoa quả nhãn mác nhoè nhoẹt đủ thứ tiếng giá chỉ 1.500 – 3.000 đồng/lọ (tuỳ từng loại)… Các em học sinh không quan tâm đến chất lượng, chỉ cần biết rẻ và ăn được là mua. Tại phố Hàng Giầy, nơi được xem là trung tâm buôn bán bánh kẹo, cũng thấy các loại bánh kẹo không rõ nhãn mác được bày bán ê hề. Hàng hoá ở đây vô cùng phong phú, nhiều loại rất lạ không thể phân biệt được là đồ chơi hay đồ ăn. Từ đây, hàng được tung đi các điểm bán lẻ, đặc biệt là cổng các trường học.

Mới kiểm tra bề nổi

Gần đây, các chất độc hại liên tục được phát hiện có trong các loại thực phẩm được bán phổ biến cho người tiêu dùng. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra song tất cả chỉ được tiến hành sau khi báo chí, cơ quan chức năng tại các nước đưa ra cảnh báo. Các cuộc kiểm tra thị trường cũng chỉ được tiến hành theo đợt.

Theo kết quả kiểm tra mới đây của viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, có 17/30 mẫu hạt dưa chứa rhodamine B (một chất gây ung thư) với hàm lượng từ 4,9 – 146,5mg/kg; 27/30 mẫu ớt bột chứa rhodamine B hàm lượng 20,2 – 110,2mg/kg, đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Kết quả kiểm tra việc sử dụng phẩm màu trong thực phẩm của trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, trong 203 mẫu nguyên liệu gồm chín loại màu thì 100% màu xanh dương, tím nho, màu hồng đều là những màu không nằm trong danh mục cho phép và chỉ có hai trong số 32 mẫu xanh lá cây nằm trong danh mục cho phép.

Đó chỉ là những mẫu hàng được cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm, còn thực tế, nếu hỏi có bao nhiêu mặt hàng thực phẩm chứa chất độc hại đang được lưu hành trên thị trường, chắc cơ quan chức năng cũng... bó tay.

TS Trần Hồng Côn, chủ nhiệm bộ môn công nghệ hoá học, trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết, hiện nay, việc xét nghiệm một chất độc nào đó trong thực phẩm còn hạn chế. Để xét nghiệm cần có kinh phí và do đơn vị uy tín làm. Với điều kiện hiện nay, phần lớn chúng ta chỉ kiểm tra khi có khuyến cáo. TS Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) thừa nhận: “Chúng ta mới chỉ phát hiện được ngộ độc thực phẩm, còn các bệnh chuyển hoá, bệnh lâu dài mới phát tác như ung thư thì chưa”. Theo ông Khẩn, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống phân tích nguy cơ và cảnh báo nguy cơ chủ động nên dù đã có những đợt kiểm tra vẫn không thể phát hiện hết những sản phẩm chứa chất cấm.

Theo SGTT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại