Philippines và Việt Nam đang muốn Mỹ bày tỏ sự ủng hộ một cách dứt khoát hơn để giúp chống lại những xâm phạm từ phía Trung Quốc. Hôm 27/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua bản Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý để phản đối các hành động của Trung Quốc. Đáp lại động thái này, tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai đã cảnh báo rằng: “Các bên liên quan đang thực sự đùa với lửa, và tôi hi vọng Mỹ sẽ không để lửa bén vào mình.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho đến nay vẫn giữ vững quan điểm mà bà đã đưa ra ở hội nghị tháng 7 năm ngoái tại Hà Nội: Mỹ không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp lãnh thổ, nhưng Mỹ muốn đóng vai trò trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình vì lợi ích của mình trong khu vực và ủng hộ tự do hàng hải. Vì Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng cho nên đã đến lúc cần phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã có chuyến thăm Washington để kêu gọi Mỹ thực hiện bản Hiệp ước phòng thủ tương trợ năm 1951 giữa 2 nước. Theo nội dung hiệp ước, trong trường hợp Philippines bị tấn công, Mỹ sẽ cố vấn và hành động trước những mối đe dọa phổ biến. Truyền thông Philippines đang lùng sục tin tức để cố gắng tìm hiểu xem liệu bà Clinton và Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas có giữ vững cam kết này của Washington hay không.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Philippines đang trở lại quỹ đạo của Mỹ. Trong thời gian gần đây, Manila dường như đang thách thức Bắc Kinh, như vụ dẫn độ các công dân Đài Loan về Trung Quốc mà không hề tham vấn ý kiến Đài Bắc. Người tiền nhiệm của Tổng thống Aquino là bà Aroyo đã từng phá hỏng những nỗ lực đàm phán của các quốc gia Đông Nam Á như một khối liên kết chống lại Trung Quốc về vấn đề biển Đông, thay vào đó bà đã chọn giải pháp hoàn tất một thỏa thuận riêng với Trung Quốc vào cuối năm 2004 bằng cách hi sinh một số vùng đất tranh chấp để có thể tiếp tục xúc tiến thăm dò dầu khí chung với nước này.
Philippines đột ngột thay đổi thái độ từ nhượng bộ sang thách thức là kết quả của việc Trung Quốc đã đi quá xa trong vụ tranh chấp. Đặc biệt đáng báo động là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang cố tình gây rối trên lãnh thổ biển Đông. Các tàu quân sự của Trung Quốc dính líu đến hàng loạt vụ đụng độ ngay cả khi các nhà ngoại giao nước này lên tiếng kêu gọi hòa giải.
Mỹ và các đồng minh trong khu vực có hai mục tiêu chính. Thứ nhất là hoàn thiện Tuyên bố năm 2002 về ứng xử giữa các bên ở biển Đông – khu vực Trung Quốc thường xuyên vi phạm – thành một bộ luật ứng xử nghiêm ngặt hơn, trong đó quy định rõ các loại tàu và máy bay phải tuân theo quy tắc hành xử như thế nào. Bắc Kinh dường như đang phục hồi chính sách “khẳng định dần dần” theo cách biến biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc bằng việc đã rồi.
Mục tiêu thứ hai là yêu cầu Trung Quốc làm rõ cơ sở tuyên bố
chủ quyền trên các quần đảo và vùng biển thuộc khu vực lân cận ở biển
Đông. Singapore – nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc – gần
đây cũng đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những bằng chứng xác thực
chứng minh chủ quyền của mình hơn là những động thái mập mờ hiện tại
đang gây rất nhiều lo ngại trong cộng đồng hàng hải Quốc tế.
Tất nhiên Trung Quốc đang cố tình né tránh vấn đề này. Bắc Kinh có xu hướng ưu tiên đàm phán song phương với từng nước láng giềng ở Đông Nam Á, lợi dụng sức mạnh trội hơn về kinh tế và quân sự để gây áp lực buộc các nước trong khu vực phải nhượng bộ.
Hiện nay, khi các nước Đông Nam Á đã hợp nhất lại, sự can thiệp của Mỹ trở thành bước đệm quan trọng để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thuyết giáo hòa bình trong khi tàu thuyền của mình lại đi quấy rối tàu nước khác thì các nước Đông Nam Á sẽ tiến hành thắt chặt các thỏa thuận an ninh với Mỹ. Các tín hiệu từ Washington cho thấy Mỹ sẵn sàng trở thành đối tác cùng Đông Nam Á yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế hoạt động quân sự và ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Theo VIT