Tranh chấp biển Đông: Đài Loan bất ngờ lên tiếng đòi "chủ quyền"

vytran |

Trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, tối qua giới chức đảo Đài Loan lại lên tiếng khẳng định "chủ quyền" của hòn đảo này

Vẫn những lý lẽ đã nhàm, giới chức Đài Loan khăng khăng hai quần đảo này và vùng biển phụ cận (thuộc chủ quyền Việt Nam) dù xét trên khía cạnh lịch sử, địa lý hay pháp luật quốc tế đều thuộc về chính quyền "Trung Hoa dân quốc" - chính thể tồn tại ở Trung Quốc đại lục trước 1949 và tại Đài Loan từ 1949 đến nay vốn không được Bắc Kinh công nhận.

Lãnh đạo đảo Đài Loan - Mã Anh Cửu

Lực lượng quân sự Đài Loan hiện đang chiếm đóng đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù không tham gia vào bất cứ hoạt động đàm phán song phương hay đa phương nào liên quan đến chủ quyền biển Đông, nhưng giới chức Đài Loan vẫn thỉnh thoảng lên tiếng khẳng định chủ quyền mỗi khi xảy ra tranh chấp, gần đây họ còn tăng cường thêm lực lượng thủy quân lục chiến ra đảo Ba Bình.

Quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông mà giới chức đảo này đưa ra cũng tương tự như Bắc Kinh "chủ quyền ở tôi, gác lại tranh chấp, hòa bình cùng thắng, cùng chung khai thác", đồng thời một lần nữa bày tỏ mong muốn được tham gia cơ chế đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Điều đáng nói là những lần trước, mỗi khi biển Đông xảy ra sự vụ nào căng thẳng, Cơ quan ngoại giao của đảo Đài Loan đều lên tiếng gần như lập tức sau khi Bắc Kinh phát biểu với giọng điệu không khác nhau là mấy.

Riêng căng thẳng lần này bởi những vụ gây hấn liên tục của Bắc Kinh trên biển Đông, tuyệt nhiên không thấy giới chức đảo này phản ứng gì, ngay cả báo chí Đài Loan cũng ít đưa tin về sự kiện này cho tới khi một số học giả lên tiếng chỉ trích, chiều qua họ mới lên tiếng, tuy nhiên nội dung chỉ dừng lại ở chỗ "khẳng định chủ quyền" và kêu gọi các bên đồng ý cho tham gia đàm phán, tuyệt nhiên không bình luận gì về những sự vụ căng thẳng vừa qua.

Hạ Doanh Châu, cựu Thượng tướng không quân đang bị dư luận Đài Loan chỉ trích là "ăn nói hồ đồ"

Quan hệ chính trị hai bờ eo biển Đài Loan đã có những cải thiện rất lớn kể từ khi Mã Anh Cửu lên cầm quyền ở hòn đảo này, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Trên phương diện quân sự, mặc dù hiện tại hai bờ vẫn còn những khoảng cách nhất định, tuy nhiên rất nhiều học giả, cựu tướng lĩnh trên đảo Đài Loan lên tiếng cổ súy "hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền biển Đông" và quyền, lợi ích của người Hoa trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đặc biệt là Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giới tướng lĩnh về hưu trên đảo Đài Loan (thuộc Quốc dân đảng) thường xuyên qua lại Bắc Kinh và trao đổi với giới chức quân sự Trung Quốc đại lục về việc đẩy mạnh hợp tác song phương, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông núp dưới danh nghĩa hoạt động giao lưu của các cựu quân nhân trường quân sự Hoàng Phố.Trong bối cảnh biển Đông tiếp tục căng thẳng do Bắc Kinh liên tục gây hấn hiện nay, một số tướng về hưu của Quốc dân đảng đảo Đài Loan lại lên tiếng kêu gọi "dù là quân Quốc dân đảng (Đài Loan) hay quân Cộng sản (Trung Quốc) cũng đều là quân đội Trung Quốc" và cần hợp tác để "bảo vệ chủ quyền biển Nam Hải (biển Đông)".

Ý tưởng trên do La Viện, hàm Thiếu tướng thuộc viện Khoa học quân sự Trung Quốc đưa ra gần đây và được một số tướng về hưu của Đài Loan ủng hộ sau khi có một phái đoàn tướng lĩnh về hưu của đảo Đài Loan sang Bắc Kinh để trao đổi với giới chức quân sự Bắc Kinh những vấn đề cùng quan tâm núp dưới danh nghĩa một cuộc tọa đàm "Trung Sơn - Hoàng phố, tình cảm hai bờ".Giới truyền thông Đài Loan cho rằng phát ngôn trên của Hạ Doanh Châu, Thượng tướng, cựu Tư lệnh không quân và ông này đang phải đối mặt với những chỉ trích từ dư luận, tuy nhiên Hạ Doanh Châu đã bác bỏ thông tin này.

Theo Giáo Dục Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại