Trắng đêm mưu sinh trên bãi rác Nam Sơn

Xuân Phú |

“Sống trong rác, chết vùi trong rác”. Đó là câu nói vui của những người dân mưa sinh tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).

Cách QL3 khoảng 5km, mỗi đêm, bãi rác Nam Sơn đón gần 500 lượt xe chở rác thải đến đổ.
Với diện tích 83,5ha, trung bình một ngày, bãi rác Nam Sơn phải tiếp nhận lượng rác khổng lồ (4.200 tấn/ngày), chứa 90 % lượng rác của TP Hà Nội, khiến không khí quanh đây bị ô nhiễm nặng.
Tuy không khí ô nhiễm như vậy, nhưng 15 năm nay, người dân nơi đây vẫn phải chấp nhận sống chung với rác. Thậm chí, với họ, rác còn là nguồn sống của không ít người nơi đây. Có người nuôi 2 con học đại học nhờ rác, có người bỏ đi xây dựng, làm công nhân… nhưng rồi cũng phải quay về với rác.
Mỗi đêm, Trung tâm xử lý rác thải Nam Sơn chỉ mở cửa 3 tiếng (từ 2h đến 5h sáng) để người dân vào nhặt phế liệu. Theo ghi nhận của PV Infonet, trước khi mở cửa khoảng 1 tiếng đồng hồ, đoàn người xếp hàng để vảo bãi đã kéo dài gần 1km.
Đúng giờ mở cửa, đoàn người tranh nhau chạy vào vì ai cũng muốn chiếm được vị trí tốt ở trên bề mặt các núi rác mới đổ để bới phế liệu.
Mặc dù không khí rất ô nhiễm, nhưng không thể phủ nhận lợi ích xã hội của bãi rác Nam Sơn khi giải quyết được công việc ổn định cho một số lượng lớn người dân địa phương và các vùng xung quanh.
Hằng ngày, luôn có từ 500 đến 800 người vào thời kỳ cao điểm vào đây nhặt rác. Mỗi ngày một người có thể nhặt được khoảng gần 3 tạ rác chưa phân loại, nếu bán ngay cho các đầu mối thu mua thì cũng được khoảng 100.000 đồng/ngày/người.
Bên cạnh đó, cũng không ít lần vận may mỉm cười với họ khi nhặt được tiền, vàng và các vật giá trị. Được biết, cách đây 3 năm, có một cặp vợ chồng trong lúc bới rác đã nhặt được 14 cây vàng, còn gần đây nhất là hồi tháng 9, một người phụ nữ đã nhặt được túi tiền có hơn 30 triệu.
“Thường thì những thứ như: ví cũ, túi áo cũ hay những phong bì cưới xin, phúng viếng còn xót lại sẽ được ưu tiên nhặt trước bởi trong đó hay có tiền, vàng xót lại” – anh Hải, một người nhặt phế liệu cho biết.
Những người nhặt phế liệu cho biết, 15 năm nay họ đã quá quen với cái mùi này rồi, chỉ ngại nhất là sau những cơn mưa lớn, nước đọng lại rồi đến mấy ngày nắng gắt hoặc nắng hanh, khi đó mùi hôi thối bốc lên kinh khủng. "Hôm nào đi làm về mà không có cái mùi này là vợ lại nghi là đi chơi" - anh Nam vui vẻ nói đùa trong lúc nghỉ ngơi hiếm hoi.
Có lẽ với những người nhặt rác, đây vừa là công việc thường ngày họ phải làm để mưu sinh, cũng vừa như là nơi để họ tìm kiếm những vận may đang nằm sâu dưới đống rác đang chờ mỉm cười với họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại