Tràn lan “thần dược” tại các lễ hội

camnhung |

Tất cả đều ở dạng củ quả, rễ, hoa, lá, cây và được quảng cáo như những “thần dược” chữa được bách bệnh, giá bán thì “trên trời”.

Tại lễ hội chùa Hương và nhiều lễ hội khác ở miền Bắc đã và đang tồn tại một hình ảnh quen thuộc: Tràn lan các quầy hàng bày bán thuốc Nam với những lời quảng cáo như “Thần dược” để hút du khách thập phương, bất chấp quy định của pháp luật và những cảnh báo về sức khỏe.

Các quầy hàng bán thuốc nam tràn ngập ở chùa Hương. Ảnh internet

“Thần dược” không rõ nguồn gốc

Theo thông tin từ Ban quản lý khu di tích Hương Sơn (lễ hội chùa Hương, Hà Nội) thì trong mùa lễ hội năm nay, tại đây chỉ có vài quầy bày bán thuốc Nam được phép, dưới sự kiểm soát hoặc do chính hội đông y của huyện Mỹ Đức tổ chức. Sát thời điểm Tết Nguyên đán, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với phòng y tế huyện Mỹ Đức về công tác đảm bảo y tế mùa lễ hội, trong đó có lưu ý đến việc chấn chỉnh các quầy hàng bày bán thuốc Nam trong khu di tích, đảm bảo tuân thủ theo đúng pháp luật.

Thế nhưng từ khi khai hội chùa Hương đến nay, trong khuôn viên lễ hội này vẫn tràn lan hàng chục quầy hàng bày bán thuốc Nam với đủ các chủng loại khác nhau, từ thuốc chữa ho-hen, thuốc chữa viêm họng, nấm ngứa, hôi nách cho đến thuốc chữa yếu sinh lý, sa trĩ, mất ngủ, tiểu đường thậm chí cả thuốc cai rượu… Tất cả đều ở dạng củ quả, rễ, hoa, lá, cây và được quảng cáo như những “thần dược” chữa được bách bệnh, giá bán thì “trên trời”.

Cần hiểu rằng, không có ranh giới giữa cây độc và cây thuốc, bởi vì nhiều cây có chất độc được dùng làm thuốc, như các cây ô đầu, mã tiền, cà độc dược... Độc tính của chúng phụ thuộc vào cách chế biến, cách sử dụng và liều lượng đưa vào cơ thể. Nếu chế biến đúng (hoặc theo y học cổ truyền, hoặc y học hiện đại), sử dụng đúng bệnh và đúng liều lượng thì đó là thuốc; nếu chế biến không đúng cách, dùng không đúng bệnh, hoặc quá liều thì sẽ gây tác dụng phụ, gây ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.

Cũng vì vậy, việc sử dụng thuốc, dù là thuốc Nam cũng phải tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của thầy thuốc, của người có chuyên môn. Vậy nhưng trong số các quầy hàng bán thuốc Nam ở các lễ hội chiếm một tỷ lệ không nhỏ người bán không hề có chuyên môn về thuốc, chỉ kinh doanh theo thời vụ và đi tìm, mua thuốc Nam để bán theo kinh nghiệm dân gian. Khách hàng muốn mua thuốc nào thì bán thuốc ấy, không có chỉ định cụ thể về liều lượng uống, đối tượng uống, thậm chí cả cách pha chế để sử dụng… nên nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng là khó tránh khỏi.

Cần quản lý chặt

Người tiêu dùng thuốc cần có kiến thức để trở thành một người tiêu dùng thông thái. Đó là phải ý thức đúng hơn về quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”, đến các lễ hội cứ thấy có loại thuốc lạ, được giới thiệu, quảng cáo hay là mua về dùng thử dù không hề biết rõ về bản chất, tính chất của loại thuốc đó, sẽ biến mình thành vật thí nghiệm. Dùng thuốc phải theo sự hướng dẫn của thầy mới mong mang lại kết quả như mong muốn. Tuyệt đối không nên mua thuốc trôi nổi.

Với công tác quản lý, thiết nghĩ chúng ta đã có pháp lệnh hành nghề y dược học thì người bán thuốc phải có chứng chỉ hành nghề, phải có giấy phép hành nghề mới được cho bày bán thuốc. Vậy nhưng thực tế hầu hết các bà mế, ông lang bán thuốc ở các cửa Đình, cửa Chùa, nơi diễn ra lễ hội... đều không có chứng chỉ, giấy phép. Nên chăng ban tổ chức các lễ hội, chính quyền sở tại phải quản lý nghiêm, chặt chẽ hoạt động bán thuốc nam tự phát tại các lễ hội này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giải thích để người dân đi lễ hội tránh mua phải thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc, hình ảnh tốt đẹp của lễ hội dân gian.

Sẽ rà soát, quản lý

Trao đổi với phóng viên ANTĐ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, vệc kinh doanh, buôn bán thuốc, dù là thuốc tây hay thuốc Nam đều phải tuân thủ theo quy định của luật dược, nghĩa là người bán phải có giấy phép, chứng nhận hành nghề. Tuy nhiên với các loại thuốc Nam, hiện trong dân gian vẫn tồn tại và lưu hành nhiều sản phẩm là danh giới giữa thuốc và sản phẩm không phải là thuốc, đó là các loại cây, rễ, quả, lá dùng để ngâm rượu để xoa bóp… nên việc quản lý cũng không dễ.

Với riêng các hàng bán thuốc Nam ở chùa Hương theo phản ánh, khả năng họ là những hộ dân tự ý đến bày bán, kinh doanh. “Chúng tôi sẽ trao đổi lại với phòng y tế huyện Mỹ Đức để rà soát lại tình hình, nếu phát hiện các trường hợp người dân tự ý bày bán thuốc Nam trái phép sẽ xử lý, không cho hoạt động nữa” - ông Yên nhấn mạnh.

Theo ANTD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại