Trần Đăng Khoa: Lại thêm một “tối kiến”

daquynh |

Một chính sách không hợp lòng dân, không thể thực hiện được thì có nên đưa ra không?

Đó là cái “sáng kiến” đề xuất quy định: Người tham gia giao thông phải đi xe chính chủ.

"Đối với xe lưu thông trên đường, nếu Cảnh sát giao thông kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển.

Đối với phương tiện ô tô, tiền xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Xe máy- 1 triệu đồng. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh".

Lại thêm một “sáng kiến” thành “tối kiến". Bởi không có tính khả thi. Ở Việt Nam, công chức đi làm chủ yếu bằng xe máy. Đa phần xe mua đi, đổi lại.

Nhiều xe nhặt từ bãi rác ở Nhật Bản từ những năm 80, giờ vẫn còn lưu hành. Đối với không ít gia đình, chiếc xe rác ấy vẫn là một “tài sản” lớn.

Có xe qua bao đời chủ. Người bán xe cũng không phải chính chủ. Thế thì làm sao đủ điều kiện “sang tên đổi chủ” để có xe chính chủ (?).

Vì vậy, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối rất quyết liệt trên các phương tiện truyền thông, từ báo giấy, báo mạng, trang Blog cá nhân, đến cả các quán cóc vỉa hè. Một đề xuất quy định không hợp lòng dân. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy không phù hợp, cả về chính trị lẫn thực tiễn đời sống.

Còn nhớ những “sáng kiến” của các cơ quan tham mưu trước đây. Cũng toàn là những “tối kiến” như thế. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe taxi phải 4 người mới được khởi hành. Rồi thay đổi giờ học, giờ làm, làm đảo lộn cả đời sống. Rồi khôi phục lại loại hình xe Tuk tuk, xe Lamboro, vốn là phương tiện đã bị loại bỏ vì ảnh hưởng môi trường. …

Bây giờ lại chuyện đề xuất quy định phạt nặng những người tham gia giao thông, đi xe không chính chủ. Đây là một quy định thoạt nhìn bề ngoài có vẻ rất đúng đắn, khoa học, nhưng lại không có khả năng thực thi, nhất là trong đời sống thực tiễn ở nước ta hiện nay.

Có cảm giác người đề xuất chính sách ở trên chín tầng mây nên hoàn toàn không hiểu thực tiễn cần lao của người dân sống dưới mặt đất. Một chính sách không hợp lòng dân, lại viển vông, không thể thực hiện được thì có nên đưa ra không?

Trần Đăng Khoa: Lại thêm một “tối kiến” 1
(Ảnh minh họa)

Cần hạn chế tối đa những chính sách đã ban bố rồi mà phải dừng lại, hoãn thời gian thực thi. Bởi nó hé lộ một sự tùy tiện, cẩu thả. Pháp luật không nghiêm. Người dân sẽ không còn tin vào sự dẫn dắt, điều hành của chúng ta nữa. Mất niềm tin là mất hết. Đấy mới là thiệt hại lớn nhất, một hiểm họa mà chúng ta không thể lường hết được hậu quả.

Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông. Tôi đồng ý với Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo khi ông cho rằng, “Quy định pháp luật là phương tiện phải đăng ký chính chủ. Trước đây chúng ta buông lỏng quản lý nên bây giờ cần phải chấn chỉnh lại”.

Ở nước ngoài, khi phương tiện giao thông chỉ đậu sai chỗ quy định, cảnh sát không cần phải gặp chủ xe mà chỉ dán giấy phạt vào cửa kính xe là chủ xe tự đến ngân hàng nộp phạt. Họ làm được vậy vì xe chính chủ.

Ở nước ta, xe mua bán vòng vèo, thường qua nhiều đời chủ nên không áp dụng biện pháp này được. Nghị định 71 là đúng, chủ trương đã có từ lâu, nhưng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, để mọi người dân có nhận thức đúng. Cũng không có lộ trình cụ thể để thực thi.

Cũng theo ông Thảo, các văn bản của chúng ta thường chồng chéo, không nhất quán, ngay trong “nghị định 71 cũng có quy định mâu thuẫn với văn bản khác.

Chính phủ có nghị định cho phép người dân được hợp đồng ủy quyền, hai người mua bán xe chỉ cần ra phòng công chứng, quy định này vẫn đang có hiệu lực.

Bây giờ nghị định 71 lại cho rằng hành vi như vậy là vi phạm, sẽ bị phạt từ 6 đến 10 triệu đồng”.

Có lẽ chưa có quy định nào vừa ban hành đã bị người dân phản đối dữ dội như cái quy định phải đi xe chính chủ.

Nói như ông Nguyễn Văn Huỳnh, hiện nay với điều kiện kinh tế khó khăn cho những người làm công ăn lương, để kiếm được một chiếc xe cũ đã là rất khó, ấy là chưa kể trong nhà lại có nhiều người, việc đi lại phải mượn xe của nhau.

Chả lẽ bố không được đi xe của con; Con không được dùng xe của mẹ ư? Không lẽ nhà có 4 người thì phải có đủ cả 4 chiếc xe, rồi ra đường lại phải mang theo đầy đủ giấy tờ, hộ khẩu.

Mà làm sao có được 4 sổ Hộ khẩu chia cho 4 người mang theo làm Giấy Thông hành? Chả lẽ người đã cho mượn xe lại còn phải cho mượn cả giấy tờ, hộ khẩu rồi lại còn phải viết cả giấy ủy nhiệm cho mượn ư?

Mức phạt đến 1.000.000 đồng một lần đối với người mượn xe là quá tệ hại, nhất là ở thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Đưa ra quy những định như thế, chỉ “đục nước béo cò”. Rồi những anh cảnh sát biến chất sẽ lại càng có cơ hội thổi còi kiểm tra để kiếm chác.

Chị Giáng Son cho rằng, trong điều kiện suy thoái kinh tế như hiện nay, việc đưa ra quy định ấy là không phù hợp. Ba mẹ có một chiếc xe nhường cho con đi học xa. Làm sao cháu có xe chính chủ?

“Các bác thử có con mà không có tiền, phải đầu tắt mặt tối kiếm sống như người dân chúng tôi đi rồi hãy ra luật. Con các bác đi học bằng xe hơi có người đưa đón, ở trường Quốc Tế, mỗi tháng chi mấy chục triệu đồng, còn chúng tôi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, muốn cho con đi học, bố mẹ phải bóp mồm bóp miệng, tằn tiện nhặt nhạnh từng đồng, thì lấy đâu ra tiền nộp phạt?”.

Bà Thu Lệ không giấu nổi sự bực dọc: “Trong gia đình tôi có người thân vừa mất, để lại chiếc xe AB. Vậy bây giờ người trong nhà sử dụng xe, mỗi khi bị Cảnh sát hỏi đến, lại phải mua vé tàu ngầm cho ông ấy đi từ âm phủ lên ư? Hay lôi ông ấy đội mồ đứng dậy để cùng tôi giải trình à? Sáng kiến mới đưa ra là để đổi mới đất nước, mang lại ấm no cho dân chứ sao lại làm khổ người dân?”

Tôi không thể điểm hết được những tiếng nói thẳng thắn bộc trực của người dân trước một việc làm còn rất nhiều bất cập. Chủ trương đúng nhưng cách làm của chúng ta vừa rồi là chưa phù hợp. Với cách làm không khéo, không xuất phát từ thực tiễn đời sống, không vì dân, lấy dân làm gốc, thì ngay cả một chủ trương chính sách đúng đắn cũng có thể bị nghi ngờ.

Việc lưu hành xe chính chủ và chỉ cho phép xe chính chủ lưu hành là cần thiết, để các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát và giải quyết nhanh những vụ án hay những vi phạm tai nạn giao thông, nhất là trong tình trạng giao thông hỗn loạn như ở ta hiện nay. Để làm được điều này, thủ tục cần đơn giản, thông thoáng, không rườm rà bằng nhiều loại giấy tờ công chứng nhiêu khê.

Đặc biệt, người mua lại xe cũ, khi sang tên, không phải đóng thuế, mà chỉ nộp một khoản tiền dịch vụ rất nhỏ mang tính tượng trưng.

Mỗi xe chỉ đóng thuế một lần khi mua xe mới trong lần đăng ký thứ nhất. Không lẽ một cái xe, mà là xe cà tàng, lại phải chịu đến mấy lần thuế?

Mà lấy tiêu chí đâu để định mức thuế? Người bán, người mua có thể thông đồng hạ mức giá để trốn thuế. Làm sao các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được?

Chỉ cần chúng ta tiết kiệm những khoản chi tiêu hoang phí, thu lại hàng ngàn ngàn tỷ đồng thất thoát, tịch biên tài sản của những kẻ tham nhũng mà báo chí đã nêu, cũng đã đủ tăng mấy lần lương cho cán bộ công nhân viên chức, xây dựng những công trình lớn có ý nghĩa thiết thực và giúp người dân xóa đói giảm nghèo rồi.

Tôi tin toàn dân sẽ ủng hộ chính sách xe chính chủ, nếu các thủ tục sang tên đổi chủ thông thoáng, không phiền hà bằng quá nhiều quy định nhiêu khê như đã từng xảy ra. Ai bỏ tiền ra mua xe cũng muốn được sử dụng chiếc xe của chính mình, chứ không muốn đi chiếc xe của mình nhưng lại mang tên người khác như xe đi mượn.

Để kết thúc lời bàn chẳng có gì mới về một vấn đề cũng không còn mới nữa này, tôi muốn nhắc lại ý kiến của một công dân, anh Nguyễn Việt:

Là một công nhân viên chức nhà nước, cũng như bao người khác, tôi thiết nghĩ để thực thi một việc gì, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định, để không ảnh hưởng đến đời sống của dân mà vẫn đảm bảo thực thi được các chế tài của nhà nước.

Bởi tất cả sự đổi mới cũng chỉ hướng tới một mục tiêu cao cả, đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Đáng sợ nhất là các chính sách vừa mới đưa ra đã trở thành lạc hậu, gây xáo trộn mất ổn định xã hội. Từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy mà hậu quả lại rất khó lường…”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại