Trải nghiệm nhọc nhằn, thú vị của sinh viên làm thêm dịp Tết

Thiên Di |

(Soha.vn) - Những công việc làm thêm mùa vụ có thu nhập cao, tốn ít thời gian mà lại có nhiều trải nghiệm mới là mục tiêu “săn đón” của nhiều sinh viên trong dịp Tết.

“Săn” việc làm thêm Tết

Chỉ cần đánh cụm từ “làm thêm tết” trên google đã có hơn 40 triệu kết quả với lời mời chào hấp dẫn như “tuyển gấp sinh viên làm thêm lương cao”; . 

Vào thời điểm này, nhiều công ty, cửa hàng, cá nhân đăng tin tuyển người làm theo giờ, theo ngày với mức lương khá hấp dẫn. Đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động là sinh viên theo mùa vụ rất lớn như bán hàng ở triển lãm, quảng cáo cho công ty hay phụ giúp việc gia đình…

Không về quê sớm, nhiều bạn trẻ nán lại thành phố để kiếm việc làm thêm trong những ngày giáp tết để có thêm thu nhập. 

Không ít sinh viên có kế hoạch tìm việc làm thêm từ sớm, vừa thi xong nhiều bạn đổ xô đi tìm việc trên mạng, cửa hàng treo biển tuyển người hoặc qua mối bạn bè giới thiệu .

Bạn Trần Thị Bích (SV năm 4, khoa Quản trị Kinh doanh, Viện Mở Hà Nội) hiện tại đang làm nhân viên bán hàng cho một gian hàng tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ vào dịp Hội chợ xuân từ ngày 28/1 – 7/2/2013 (tức 17 – 27 âm lịch) đã “săn lùng” được một công việc làm thêm tết cách đây 2 tuần.

Trần Thị Bích, sinh viên năm 4, Viện Mở tìm được công việc bán hàng ở Triển lãm Giảng Võ trong 10 ngày.

Trần Thị Bích, sinh viên năm 4, Viện ĐH Mở tìm được công việc bán hàng ở Triển lãm Giảng Võ trong 10 ngày.

Từ một người chị đã từng làm ở đây năm ngoái, Bích được nhận vào làm bán hàng tất chân với mức lương 120 - 150 nghìn đồng/ngày từ 8h sáng đến 9h tối không bao gồm ăn trưa, tối.

Chia sẻ về lý do nán lại Hà Nội để làm thêm, Bích nói: “Đi làm để tích lũy kinh nghiệm, mình đang học năm 4 cũng muốn có chút va chạm giao tiếp, học hỏi từ thực tế. Hiện nay xin việc rất khó và mình cần phải nhanh nhẹn, năng động, có khả năng ăn nói thì sẽ thuận lợi hơn”.

Làm chung với Bích ở gian hàng, Đỗ Hải Yến (Sinh viên năm thứ 4, khoa Lưu trữ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) lúc nào cũng tươi cười nhanh nhẹn mời chào khách. Mặc dù, Yến ở Thái Bình, việc đi lại cũng vất vả trong dịp Tết nhưng cô vẫn quyết tâm ở lại để làm thêm kiếm chút ít tiền về quê.

Yến cho biết, trước lúc thi xong có gọi điện về quê, bố mẹ đều rất tán thành việc cô có mong muốn tìm việc làm thêm trước khi về quê. Đó cũng là một phần bởi niềm vui được giao tiếp, gặp gỡ mọi người của Yến.

Còn bạn Minh Ngọc (sinh viên năm cuối, ĐH Hòa Bình) nán lại làm thêm để nhận được thưởng Tết một tháng lương ở cửa hàng quần áo Bò Sữa, 42 Lý Thường Kiệt. 

Công việc của Minh Ngọc là tiếp khách, trao đổi và thuyết phục khách mua hàng, làm theo ca từ 9h sáng – 3h30 phút chiều hoặc 3h30 phút chiều đến 9h30 phút tối với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Minh Ngọc tinh nghịch với các sản phẩm của cửa hàng quần áo Bò Sữa mà bạn đang làm thêm dịp Tết.

“Mình làm ở cửa hàng đã 2 năm rồi. Mình thích công việc này, hơn nữa anh chủ quán nói nếu ở lại làm đến 28 Tết thì sẽ nhận được lương thưởng 2 triệu đồng nên mình đã ở lại thay vì về từ tuần trước. Bố mẹ mình cũng thích mình đi làm hơn để có nhiều kinh nghiệm bởi mình học truyền thông, marketing mà”, Minh Ngọc chia sẻ.

Đứng 12 tiếng, nói và cười 10 tiếng

Công vệc mang tính mùa vụ dễ kiếm, lương cao nhưng cũng không ít vất vả, cay đắng và những kỷ niệm đáng nhớ đối với các bạn sinh viên làm thêm.

Minh Ngọc thổ lộ rằng, công việc đòi hỏi mình nói nhiều, chạy nhiều và phải có gu thẩm mỹ thời trang tốt để tư vấn cho khách hàng. Và nhiều khi thấy mệt mỏi, chán nản vì cả ngày không bán được bộ đồ nào. 

Tuy nhiên, theo Ngọc thì đi làm ở cửa hàng có nhiều niềm vui như tham gia tiệc cho nhân viên cửa hàng, được trình diễn thời trang, ăn uống, chơi trò chơi….

Còn kỷ niệm đối với cô bạn Bích là: “Bọn mình đứng 12 tiếng, nói suốt 12 tiếng và cười 10 tiếng trong khi bán hàng. Làm ở đây áp lực, không khí ồn ào, đặc biệt là những ngày gần đây mọi người đi mua sắm nhiều, khách nườm nượp. Sau một ngày chân mình mỏi rã rời, đau cổ họng... là chuyện bình thường”.

Bích tâm sự thêm, suốt mấy ngày cô đều ăn tối sau 9h tối, gội đầu tắm rửa lúc nửa đêm và không có máy sấy nên gật gù quạt tay để hong khô tóc vì sáng hôm sau 6h đã dậy đi làm.

Yến (SV năm 4, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng đi làm thêm mùa vụ chịu nhiều áp lực nhưng cũng có nhiều niềm vui và trải nghiệm thú vị.

Đỗ Hải Yến (phải) - SV năm 4, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng đi làm thêm mùa vụ chịu nhiều áp lực nhưng cũng có nhiều niềm vui và trải nghiệm thú vị.

Cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn, Yến so sánh nghề bán hàng là “làm dâu trăm họ” – tức là phải làm hài lòng tất cả mọi người. Yến chia sẻ, cô nói không ngừng nghỉ để giới thiệu hàng cho khách và ướm thử tất chân cho khách ngắm…khiến giọng nói Yến khàn khàn đi.

“Ngày đi làm nhưng nhiều đêm vẫn phải thức ngồi làm báo cáo thực tập trên lớp nên bị thiếu ngủ. Không ít lần mình mắt nhắm mắt mở ăn bữa trưa nhưng đến lúc vào làm phải gắng gượng quên đi cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, mỗi ngày đi làm đều khiến mình vui vì được thấy khuôn mặt tươi cười hạnh phúc của mọi người đi sắm tết hay học được nhiều bài học từ cuộc sống lao động thực tế vất vả như thế nào…”, Yến chia sẻ thật thà.

Mặc dù đi làm ít ngày nhưng Bích nhận ra vài điều khi đi làm thuê đó là: Không phải ông chủ nào cũng nên làm cùng; Phải nhanh tay nhanh mắt; Phải kiên trì và luôn làm hài lòng khách hàng.

“Điều mình học được là phải nhẫn nhịn, nhiều bạn không chịu được sức ép phải xin nghỉ việc sau một ngày làm. Và để bán hàng được tốt cần phải niềm nở, nhiệt tình và luôn cười tươi để lấy cảm tình với khách”, Bích bật mí kinh nghiệm bán hàng.

Làm thêm mùa vụ Tết là cơ hội làm việc hấp dẫn của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, không ít bạn bị lợi dụng lòng tin nên bị nhiều công ty mạo danh, "ảo" lừa đảo. Vậy, để có được những công việc thật sự hữu ích, hợp lý, các bạn sinh viên phải thật tỉnh táo khi "săn" việc thời vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại