Chúng tôi ghé vào nhà bác Nguyễn Văn Hai (60 tuổi) – xã Phong Phú. Hỏi thăm, bác Hai vui vẻ cho biết: “Hồi đầu năm Hội chữ thập đỏ đến gia đình giới thiệu về mô hình “cây nhân đạo” để nguyên góp tiền giúp người nghèo, bệnh tật trong xã. Mỗi “cây nhân đạo”, bà con đóng góp 100.000 đồng, sau đó cán bộ Hội chữ thập đỏ đến làm “giấy khai sinh” cho những cây mà chủ nhà muốn đặt tên là “cây nhân đạo”.
Ngoài ra, bác Hai cũng cho biết, nhà bác có 3 “cây nhân đạo” quý lắm, nếu ai mua bao nhiêu cũng không bán, khi nào cây chết thì thôi! Vì theo bác Hai ngoài ý nghĩa nhân đạo cứu người thì đây cũng là cách dạy con cháu trong nhà biết quý trọng “tình người, tình cây” của người Việt Nam ta.
Một năm người dân góp 100.000 đồng cho Hội chữ thập đỏ xã để "nuôi" cây nhân đạo
Chạy một đoạn hơn 500m chúng tôi đến xã Phong Thạnh (huyện Cầu Kè) cứ cách vài ba nhà là gặp “cây nhân đạo” sừng sững trước nhà. Có nhà có 1 cây, có nhà 2,3 cây tùy theo khả năng và ý nguyện đóng góp của người dân, nhưng đa số là bà con ở đây rất đồng tình với mô hình thiết thực và ý nghĩa này.
Chị Nguyễn Thị Rớt (38 tuổi) – xã Phong Thạnh cho biết: “Gia đình em thuộc hộ nghèo, quanh năm hai vợ chồng đi làm thuê nuôi hai đứa con đi học. Vừa rồi đứa nhỏ ngã bệnh không tiền đưa cháu đi bệnh viện. Cũng may Hội chữ thập đỏ xã đến thăm hỏi và giúp gia đình 1.000.000 đồng lo thuốc thang cho cháu. Vợ chồng em biết ơn hội và bà con trong xóm nhiều lắm, sang năm tới gia đình cố gắng “trồng” “cây nhân đạo” trước nhà".
Anh Trần Văn Lắm – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Phong Phú cho biết: “Mô hình cây nhân đạo được xã Phong Phú thực hiện htừ đầu tháng 6. Mặc dù còn mới nhưng đến nay đã có hơn 50 hộ tham gia với hơn 100.000 “cây nhân đạo”. Nhờ nguồn quỹ tại chỗ này thời gian qua Hội “tiếp sức” trên 20 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần tiền chữa bệnh."
Chi phí cho tấm bảng cũng là vấn đề Hội chữ thập đỏ huyện quan tâm, vì theo ông Quý 4 tấm bảng đã mất hết 1 "cây nhân đạo"
Được biết, mô hình trồng “cây nhân đạo” ở huyện Cầu Kè được thực hiện đầu tiên tại xã An Phú Tân, sau đó lan rộng ra toàn huyện (10 xã) và tính đến tháng 10/2012 toàn huyện có trên 400 “cây nhân đạo” được người dân tự nguyện trồng và bảo quản.
Ông Nguyễn Văn Quý – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cầu Kè cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “cây nhân đạo”, vì theo tôi ngoài ý nghĩa giúp người nghèo, bệnh tật lúc khó khăn thì đây cũng là cách tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân về việc bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực nhất là trồng và bảo vệ cây xanh.”
"Theo kế hoạch, sang năm tới mỗi xã phấn đấu vận động người dân trồng khoảng 200 “cây nhân đạo”. Riêng những gia đình không có cây xanh thì Hội đến đặt ống tre tại gia đình để người dân tự nguyện đóng góp. Người ta nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và toàn bộ số tiền vận động từ “cây nhân đạo”, ống tre, hũ gạo tình thương…đều dành cho người nghèo trên địa bàn huyện Cầu Kè" - ông Quý khẳng định.