TQ di chuyển giàn khoan: "Không ngủ quên, cần cảnh giác cao độ"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - TS Nguyễn Nhã cho rằng, dù Trung Quốc di chuyển giàn khoan nhưng chúng ta không được ngủ quên mà phải luôn đề cao cảnh giác, kịp thời đối phó với các âm mưu mới...

Liên quan đến thông tin, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, trao đổi với chúng tôi vào sáng sớm nay, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, hành động này của Trung Quốc cho thấy họ đã không thể chịu được sức ép của dư luận thế giới.

"Khi mới đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào cùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc đã tuyên bố, đến giữa tháng 8 mới rút giàn khoan này. Tuy nhiên, cho đến nay, so với thời điểm tuyên bố ban đầu, họ đã phải rút sớm giàn khoan trở về trước nhiều ngày. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đã không thể chịu được sức ép của dư luận quốc tế, khi liên tục lên án, phản đối những hành động ngang ngược của mình xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam.

Trung Quốc đã phải thay đổi nhưng dù có thay đổi có thế nào thì ý đồ, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thì không bao giờ thay đổi cả. Do đó, ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta cũng không được ngủ quên, không được mất cảnh giác mà phải luôn đề phòng, cảnh giác cao độ, để có thể kịp thời đối phó, làm thất bại các âm mưu, hành động bất ngờ từ phía Trung Quốc", TS Nguyễn Nhã nói.

Trước ý kiến cho rằng, Trung Quốc di chuyển sớm giàn khoan Hải Dương 981 là vì sợ ảnh hưởng của cơn bão lớn mạnh cấp 12, 13, sức gió giật lên cấp 15, 16 đang tiến vào Biển Đông, TS Nguyễn Nhã cho hay, lý do đó chỉ là cái cớ để Trung Quốc rút trong danh dự.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (Ảnh: Trung Hiếu)
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (Ảnh: Trung Hiếu)

"Theo dự báo, đến ngày 17 tới đây, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, vì thế, việc họ rút sớm cũng là cách để họ tránh tổn thất mà họ không thể lường được. Tuy nhiên, theo tôi, đây chỉ là một cái cớ để họ rút giản khoan trong danh dự còn thực ra, họ đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận thế giới. Trung Quốc luôn tính lợi và hại, trong trường hợp này, cái lợi thì ít mà hại thì nhiều nên họ chỉ lấy cớ bão để rút mà thôi", TS Nguyễn Nhã nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nhã, trong những ngày qua, ngoài chịu sức ép từ dư luận thế giới, Trung Quốc cũng đã không thể ngờ được, dân tộc Việt Nam lại có tinh thần yêu nước, đoàn kết mạnh đến thế.

"Trung Quốc không chỉ chịu sức ép quốc tế mà thực sự họ cũng đã không thể ngờ tới, dân tộc Việt Nam lại có tinh thần yêu nước, đoàn kết mạnh đến như thế. Chính vì điều đó, nên họ đã phải tính toán lại sự lợi hại trong đó.

Và như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề ở Biển Đông chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn và lâu dài nên cái quan trọng nhất là chúng ta cần xây dựng nội lực, tạo sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi nội lực mạnh rồi thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Thêm vào đó, không bao giờ chúng ta được ngủ quên mà phải luôn cảnh giác, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhất là với thế hệ trẻ hiện nay để họ hiểu, nắm rõ về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, đất nước ta ở Biển Đông. Đó chính là các giải pháp cho vấn đề Biển Đông", TS Nhã khẳng định.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, lúc 10g sáng nay 16-7, ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư - Bộ NN&PTNT), cho biết lực lượng kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo tại thực địa đã không còn tàu của Trung Quốc.

Toàn bộ tàu của Trung Quốc đã theo áp tải, bảo vệ giàn khoan về phía đảo Hải Nam.

Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan rút về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin. Cơn bão Rammansun như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc rút giàn khoan về.

“Không thể tin những gì họ nói, cũng không thể lường trước được. Vì thế, kể cả nó đã rút về thì lực lượng kiểm ngư vẫn rất cảnh giác, theo dõi và cập nhật tình hình trong những ngày tới” - ông Hà Lê nói.

Theo ông Hà Lê, ngay khi có thông tin về cơn bão Rammansun sẽ đổ bộ vào khu vực biển Hoàng Sa, Cục kiểm ngư đã lên kế hoạch, phương án để các tàu kiểm ngư, cũng như các tàu ngư dân đang hoạt động trên khu vực này sẽ về bờ để trú tránh bão. Đến lúc này, phía Trung Quốc đã di chuyển tàu và giàn khoan về rồi, nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa có lệnh rút.

Theo ông Lê, với điều kiện thời tiết như hiện nay, đội tàu kiểm ngư có thể mất 10-12 giờ để vào đến đất liền.

Trước đó, lúc 8g40 sáng 16-7, PV Hà Bình quan sát từ rada của tàu cảnh sát biển 4034 cho biết toàn bộ tàu Trung Quốc quanh vị trí cũ của giàn khoan Hải Dương 981 đã rút. Nhánh khác, PV Đông Hà báo: giàn khoan 981 di chuyển trong vòng bảo vệ dày đặc tàu Trung Quốc.

 

Ngày 15/7, các lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam ngoài nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển còn phải chủ động đối phó với bão Rammasun đang tiến vào Biển Đông. (Nguồn: VTV)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại