Ngày 28/11, UBND TP HCM sẽ trình Chính phủ phương án điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.
Thành phố chia làm 3 nhóm điều chỉnh gồm nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; nhóm các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng và nhóm cán bộ công nhân viên, người lao động.
Cầu Sài Gòn luôn kẹt cứng trong giờ cao điểm. Ảnh: An Nhơn
Về phương án lệch giờ học, chỉ có học sinh các trường tiểu học và THCS được điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về muộn hơn 15 phút so với hiện tại. Cụ thể, bậc tiểu học, buổi sáng không điều chỉnh, buổi chiều bắt đầu vào học từ 13h15 và ra về lúc 16h45. Học sinh các trường THCS, buổi sáng vào học lúc 7h15 và ra về lúc 11h30, buổi chiều từ 13h15 đến 17h15.
Đối với học sinh các trường mầm non và THPT, thành phố kiến nghị Chính phủ vẫn giữ nguyên giờ học tập hiện tại. Theo UBND thành phố, các trường mầm non và THPT nằm rải rác khắp địa bàn, đã được phân tuyến, có đến 90% học sinh đi lại gần nơi cư trú nên ít gây ùn tắc giao thông nên không cần điều chỉnh.
Về phương án lệch giờ làm việc, TP HCM kiến nghị Chính phủ vẫn giữ nguyên giờ làm việc hiện tại là buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h. Sở dĩ thành phố đi đến quyết định không thay đổi giờ làm việc vì số cán bộ công nhân viên hành chính ở cấp quận, huyện có đến hơn 90% là người cùng địa bàn nơi làm việc. Người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu tập trung ở ngoại thành gần nơi làm việc nên cũng không gây nhiều ùn tắc giao thông, không nhất thiết phải thay đổi.
Ngoài ra, TP HCM đề nghị Chính phủ cho phép thành phố duy trì và tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện lâu nay trong việc bố trí giờ làm việc, giờ học tập trên địa bàn (tức là không thay đổi giờ hành chính) vì đã có kết quả và ổn định. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu cập nhật và điều chỉnh khi cần thiết.
Trong văn bản trình Chính phủ, TP HCM khẳng định việc bố trí lệch giờ làm việc, học tập và kinh doanh không phải là biện pháp căn cơ, duy nhất và tác động ngay tức thời mà chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt cần thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông.
Trước đó, tại TP HCM, phương án bố trí lệch giờ, lệch ca đã được chỉ đạo nghiên cứu, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét từ năm 2007 nhưng do nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Tuy nhiên, UBND thành phố đã thực hiện thí điểm cục bộ, tùy đặc điểm ở từng quận huyện, từng khu vực, tuyến đường, từng khu công nghiệp, cụm trường học... để sắp xếp lệch giờ ít hơn (tính theo phút) và đã thu được kết quả bước đầu, giảm một phần ùn tắc trong giờ cao điểm.
Theo VnExpress