Tuy nhiên, theo văn bản dự kiến báo cáo Chính phủ của UBND TP.HCM, lệch giờ làm việc, học tập, kinh doanh không phải là giải pháp căn cơ, duy nhất và tác dụng ngay tức thời mà chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt.
Liệu điều chỉnh lệch giờ học, giờ làm có giải quyết tức thì cảnh ùn tắc giao thông ở TP.HCM? (Trong ảnh: ùn tắc giao thông ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo. Ảnh chụp chiều ngày 11.11.2011). Ảnh: Thanh Hảo
Theo văn bản này, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như TP.HCM không thể chỉ trong thời gian ngắn mà phải kiên trì thực hiện đồng bộ, căn cơ, lâu dài bên cạnh những giải pháp trước mắt và thực hiện một cách kiên quyết như đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông, thường xuyên nghiên cứu tổ chức giao thông, phân luồng lại giao thông theo hướng phát triển đường một chiều, lập lại trật tự lòng lề đường; tăng cường tuần tra xử phạt vi phạm, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, hạn chế chạy tàu đường sắt trong nội thành giờ cao điểm; và bố trí lệch ca, lệch giờ làm việc học tập và kinh doanh trên địa bàn.
Hiện UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ cho phép thành phố duy trì và tiếp tục thực hiện các giải pháp thực hiện lâu nay trong bố trí lệch giờ làm việc, học tập trên địa bàn. Kiến nghị cũng nêu rõ không thay đổi giờ hành chính (theo đó giờ làm việc vẫn giữ nguyên sáng làm từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30, chiều từ 13 – 17 giờ) vì đã có kết quả ổn định; thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu cập nhật và điều chỉnh khi cần thiết.Riêng khối trường học có thể xem xét điều chỉnh muộn 15 phút buổi chiều đối với bậc tiểu học (trừ lớp 1); điều chỉnh muộn 15 phút sáng và chiều đối với bậc trung học cơ sở, còn các bậc học khác không điều chỉnh. Theo đó, bậc mầm non sẽ đi học từ 7 giờ 30 – 16 giờ; tiểu học sáng từ 7 – 11 giờ, chiều từ 13 giờ 15 – 16 giờ 45; trung học cơ sở sáng học từ 7 giờ 15 – 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 15 – 17 giờ 15; trung học phổ thông sáng 6 giờ 45 – 11 giờ 15, chiều từ 12 giờ 45 – 17 giờ 15.
Theo Đào Lê – Đoàn Quý
SGTT