Đầu tiên là em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 10A8 của trường THPT An Nghĩa. Em Trâm vừa được đưa lên xe về nhà thì tiếp sau đó, cả sân trường nhốn nháo, thêm một nữ sinh khác ngất xỉu ngay trong lớp học. Em là Phạm Thị Ánh Phương, học sinh lớp 10A2. Tiếp sau đó, em Bùi Thị Kim Trang học lớp 10A8 cũng ngất xỉu.
Em Phạm Thị Ánh Phương được người thân bế về nhà.
Được đưa vào phòng hiệu trưởng, đôi mắt Quỳnh Trâm còn ngấn lệ. Mẹ em có mặt bên cạnh để đưa em về nhà…
Tình trạng học sinh bị ngất xỉu ngay trong lớp tại trường THPT An Nghĩa xảy ra đã nhiều tháng nay. Ban đầu cũng chỉ vài trường hợp nhưng rồi tăng dần để đến trong tháng 10 và đầu tháng 11 trở thành hiện tượng phổ biến.
Một phụ huynh thuật lại, sáng 5/11 trong lúc chào cờ, một học sinh ngã qụy ngay tại hàng. Tiếp sau đó, hơn 50 em xỉu đồng loạt khiến cả trường hoảng loạn. Nhiều phòng học, nhiều bàn ghế được tận dụng làm giường nằm làm nơi nghỉ ngơi, sơ cứu các em.
Điều đáng nói, tình trạng ngất xỉu chỉ xảy ra đối với các em nữ sinh. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm lượt nữ sinh ngất xỉu. Chưa có trường hợp nam sinh nào bị ngất được ghi nhận.
Ông Ngô Tấn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, tình trạng ngất xỉu của học sinh trong lớp học, dưới sân chơi diễn ra từ nhiều tháng nay.
Theo ông Hưng, các em ngất xỉu sau khi có biểu hiện mệt, khó thở, tay chân lạnh. Mỗi lần có một em xỉu lập tức kéo theo một số khác. Chính vì thế, biện pháp cách ly khi xảy ra sự cố đã được áp dụng. Ông cũng đã báo cáo tình hình này đến các cơ quan chức năng và ngành y tế.
Trường THPT An Nghĩa nơi diễn ra việc học sinh ngất xỉu hàng loạt
Ông Hưng cho biết, sáng 5/11, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Cần Giờ đã đến trường để kiểm tra thực tế và tư vấn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Nhiều em học sinh không ăn sáng, suy nhược cơ thể, bệnh lý tim mạch, hạ huyết áp đều là những lý do để dẫn đến ngất xỉu. Bên cạnh đó, hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến tâm lý, khi một em bị xỉu, hàng loạt em khác xỉu theo cũng được nhắc đến.
Ông Hưng cho biết, khi một em bị ngất được chuyển đến nơi quang đãng, cách ly với các bạn. Chỉ cần một người nam đến xoa bóp chân tay, nói những lời động viên an ủi thì em đó dễ phục hồi. Ngay cả trong gia đình cũng thế, nếu bố giúp con phục hồi nhanh hơn mẹ.
Bác sĩ Trần Thị Có - Phó trưởng phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa xác nhận, mặc dù có hàng loạt học sinh bị ngất nhưng cũng chỉ trong chốc lát, sau các biện pháp y tế, các em nhanh chóng phục hồi sức khỏe và chưa có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nào xảy ra.
Hiện nay, phòng khám đã biệt phái mỗi ngày một điều dưỡng có mặt tại trường để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho học sinh.