TP.HCM: Cảng quốc tế hoang tàn, lãng phí và tréo ngoe

myle |

“Sao nghe tên lạ hoắc vậy chú, tôi sống ở đây hơn chục năm rồi mà không nghe ai nhắc về cái cảng này”.

Khác với hình dung của mọi người về cảng quốc tế nhộn nhịp, sầm uất, cảng Phú Hữu hiện là một khu đất rộng 24 ha nằm heo hút ở ngoại ô thành phố. Đường vào um tùm cỏ mọc, cầu cảng trở thành nơi câu cá mỗi ngày. Vì sao ?

Ế ẩm triền miên

Cảng Phú Hữu do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé (trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - SAMCO) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2007 trên diện tích 24 ha (tại quận 9 - TPHCM) với mục đích gánh vác khối lượng hàng hóa thay cho cảng Bến Nghé sau khi các cảng khác trong khu vực phải di dời theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM: Cảng quốc tế hoang tàn, lãng phí và tréo ngoe 1

Cảng quốc tế Phú Hữu đầu tư hàng trăm tỷ đồng, cả năm nay chỉ đón 4 tàu hàng, tại cảng lúc nào cũng “phơi nắng” 2 tàu bảo dưỡng. Ảnh: Quốc Quang

Vào tháng 07/2010, công trình được Bộ Giao thông vận tải công nhận là cảng biển quốc tế. Thế nhưng, suốt hai năm nay cảng này hầu như không hoạt động vì không có đường nối vào cảng.

Ngồi “phơi nắng” ngay cầu cảng, trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Quốc Việt, Phó giám đốc cảng Phú Hữu cho biết: “Từ đầu năm đến giờ chỉ có 4 tàu hàng cập cảng". Khu đất rộng lớn của cảng quốc tế này có lúc còn bị các thanh thiếu niên bụi đời biến thành nơi tập trung ăn nhậu vì chúng tưởng đất bỏ hoang.

Theo quan sát của chúng tôi, tại cảng Phú Hữu hiện có 2 tàu Trãi Thiên 86 và Trãi Thiên 68 vốn đã neo đậu từ tháng 11/2011 đến nay để bão dưỡng. Ông Việt lý giải: “Với các chủ tàu này thì cảng Phú Hữu đúng là chỗ lý tưởng để “nằm” chứ những cảng khác thường xuyên có tàu hàng vào thì không dễ được neo đậu lâu như vậy”.

“Vì không có đường dẫn vào cảng nên các chủ hàng rất ngại đưa hàng vào cảng này thành ra chúng tôi ế ẩm quanh năm. Hiện đường nối từ cảng ra đường Nguyễn Duy Trinh đang được thi công nhưng tình hình này chắc cũng cần thời gian dài mới có thể khả thi”, ông Việt nói.

Do không có đường dẫn từ cảng ra đường Nguyễn Duy Trinh, thành phố đã ký hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 để đơn vị này khởi công làm đường nối dài 2,6 km, rộng 30 mét hồi tháng 06/2012.

1 dự án cảng ngóng 3 dự án đường

Theo dự kiến, đến ngày 06/11/2012, dự án đường nối từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại con đường mới chỉ bắt đầu thành hình. Đoạn từ đường Nguyễn Duy Trinh vào nhà máy xi măng Hà Tiên vẫn còn là con đường đất nhỏ hẹp.

TP.HCM: Cảng quốc tế hoang tàn, lãng phí và tréo ngoe 2

Đường nối từ cảng Phú Hữu và Nhà máy ximăng Hà Tiên đến đường Nguyễn Duy Trinh theo hình thức BOT vẫn dang dở. Ngoài ra, dự án cảng còn phải chờ 2 dự án giao thông khác để phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quốc Quang

Làm việc với Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Cừu - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cảng Bến Nghé, chủ đầu tư cho biết “dù có đường đi nhưng giao thông vẫn không thuận lợi do xe sẽ vào cảng bằng tuyến đường BOT mới mở nhưng ra đến đường Nguyễn Duy Trinh lại bị thắt cổ chai vì đường này quá hẹp.

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay đường Nguyễn Duy Trinh chỉ có 2 làn xe chỉ khoảng 8-9 mét. Cùng với khu dân cư đang tăng lên từng ngày, nếu xe container từ cảng ra vào thường xuyên sẽ khó tránh khỏi nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình trọng điểm Sở GTVT, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 đã trình các phương án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. Theo đó, phương án tối ưu là mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30 m, tuy nhiên vốn đầu tư lên đến khoảng 860 tỉ đồng vì kinh phí để giải phóng mặt bằng quá đắt đỏ.

Bên cạnh việc mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, UBND TP.HCM cũng đã chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư 1,5 km đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào đường Vành đai 2, dẫn ra xa lộ Hà Nội.

Như vậy, dự án cảng Phú Hữu dù chưa hoàn thành giai đoạn 2 nhưng về quy hoạch đồng bộ đang phải chờ tới 3 dự án giao thông mới có thể phát huy hiệu quả kinh tế. Chưa kể, hậu quả suy thoái kinh tế có khả năng kéo dài khiến chủ đầu tư rơi vào kịch bản “mua xe nhưng không có tiền đổ xăng”.

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho rằng cảng không hoạt động là một sự lãng phí về đầu tư xây dựng công trình và đầu tư không đồng bộ giữa xây dựng cảng với hệ thống đường giao thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại