Tòa nhà Bưu điện thành phố tọa lạc tại số 2 Công xã Paris (phường Bến Nghé, quận 1).
Tòa nhà Bưu điện thành phố cùng với Nhà thờ Đức Bà, thương xá Tax...là những biểu tượng gắn liền với TP.HCM.
Tòa nhà được người Pháp xây dựng năm 1886 làm nơi truyền điện tín, thư từ. Bưu điện TP là địa điểm thu hút hàng nghìn khách du lịch quốc tế mỗi ngày.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, một số hàng mục của tòa nhà này đã xuống cấp. Do đó, ngôi nhà có lịch sử gần 130 tuổi đã được sơn và sửa chữa lại.
Theo đó, việc sơn sửa được tiến hành từ ngày 3/9/2014 và dự kiến hoàn thành trước Tết âm lịch với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Mọi hoa văn, phù điêu đều được giữ lại nguyên bản, chỉ phủ lên mình một lớp sơn mới lung linh hơn.
Bưu điện TP.HCM cho biết đã lập ra một hội đồng thẩm định để thử nghiệm và chọn sơn rất kỹ lưỡng. Sơn được chọn phải đảm bảo chất lượng cao, bền màu, chịu được tác động của nhiều điều kiện thời tiết.
Hội đồng cũng quyết định chọn màu sơn chủ đạo là màu vàng, đây là màu gốc của tòa nhà, cũng là màu của ngành bưu chính Việt Nam.
Theo ghi nhận của VietNamNet trong ngày 6/1, hiện nay, mặt tiền của tòa nhà đã được sơn xong với màu vàng chủ đạo. Hai bên hông tòa nhà, các công nhân vẫn đang tật bật hoàn thiện những công đoạn sửa chữa cuối...
Với việc tòa nhà đang được sơn lại đã thu hút sự chú ý của người dân TP.HCM và du khách trong, ngoài nước.
Trong khi một số người tỏ ra thích thú với hình ảnh mới của bưu điện thì nhiều người khá tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí phản ứng gay gắt vì cho rằng màu sơn quá sặc sỡ, mất đi vẻ cổ kính của tòa nhà này.
Anh Nguyễn Vũ Đạt (người dân Q1) khi chứng kiến bưu điện “khoác áo mới” đã thảng thốt nói: “Tôi khá bất ngờ…”.
Theo anh Đạt, phía Bưu điện TPHCM cho sơn một màu vàng quá sặc sỡ đã gây nên sự mất cân đối, hài hòa giữa các tòa nhà trong khu vực.
Anh Đạt giải thích, phía trước bưu điện TP là nhà thờ Đức Bà, một công trình kiến trúc tương đồng với bưu điện trước kia.
Cũng giống như bưu điện trước khi chưa sơn mới, nhà thờ Đức Bà có tông màu khá chìm nhưng vẫn thể hiện được nét cổ kính và độc đáo.
Việc bưu điện sơn lại màu vàng quá sặc sỡ đã phá vỡ không gian nghệ thuật có tính liên kết tại khu vực này.
Ông Phạm Văn Tiên (60 tuổi, lái xe ôm trước cổng Bưu Điện) trầm ngâm nói: “Hồi tui con nhỏ đã quen với hình ảnh của bưu điện thành phố cổ kính với một tông màu sắc đằm, nó nhu mà nhã lắm.
Màu sắc như vậy nên khi nhìn vào mới thấy hết được sức sống tiềm tàng qua năm tháng của một bưu điện xưa...
Hiện nay phía bưu điện sơn lên một màu vàng nhìn rất chói chang, mất tính mỹ quan...Tôi không rõ bây giờ người ta theo phong cách hiện đại hay cổ xưa nữa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc An (SN 1936, ngụ quận 10, một người nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc) cho biết:
"Tôi thấy nhiều người phản ứng về màu sắc của bưu điện vì cho rằng màu gắt quá.
Theo giải thích từ phía Bưu điện TP, họ cho rằng đã nghiên cứu rất kĩ, lấy các chất liệu của công trình từ thời Pháp để làm, không tự chế ra được.
Trước mắt khi thấy màu sơn này thì mọi người thấy hơi chói, nhưng sau một thời gian thì nó sẽ dịu lại... Điều này là chưa chính xác, do họ chưa nghiên cứu kỹ về thị hiếu chung bây giờ.
Thay đổi là cần thiết, nhưng với 1 tòa nhà gắn với lịch sử cả trăm năm, người ta không thích những gam màu gắt như thế này đâu”.